Hội thảo Khoa học cấp quốc gia về nhân sĩ Bùi Bằng Đoàn
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN -Với tinh thần của một nhân sĩ yêu nước, trải qua nhiều vị trí khác nhau, Cụ Bùi Bằng Đoàn luôn dốc hết tâm và tài phục vụ cho Cách mạng.
Sáng 9/9, tại nhà Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội thảo Khoa học cấp quốc gia “Bùi Bằng Đoàn với cách mạng Việt Nam” nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Trưởng Ban thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn tại Lễ phong quân hàm Đại tướng ngày 28/5/1948 ở ATK Định Hóa, Thái Nguyên (Ảnh Tư liệu) |
Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh năm 1889 tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hoà, Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học, từ nhỏ, Cụ đã theo con đường khoa cử và sớm đỗ đạt.
Trong thời gian làm quan ở các địa phương, cụ Bùi Bằng Đoàn nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, chính trực, yêu thương dân chúng, chăm lo cho đời sống của nhân dân; luôn thực hiện chủ trương mở mang đạo học để khai trí, giáo dục đạo lý làm người, mở mang nghề nông, mang lại cơm no áo ấm cho dân, được nhân dân các địa phương ghi nhớ công đức.
Làm quan trong Triều đình Nhà Nguyễn dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, cụ Bùi Bằng Đoàn vẫn luôn thể hiện tinh thần yêu nước, kiên quyết đấu tranh bảo vệ sự công bằng, bảo vệ các phong trào yêu nước.
Trong 12 năm làm việc dưới triều vua Bảo Đại, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã có công lớn trong việc sửa đổi luật pháp, bãi bỏ nhiều quy định lỗi thời, biên soạn và ban hành một số luật mới, cải tiến tổ chức các tòa án, đào tạo các thẩm phán và đội ngũ nhân viên tư pháp. Đây chính là nền tảng vững vàng để cụ phát huy khi được giao trọng trách là Trưởng ban Thường trực Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau này.
Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định: Trên cương vị đứng đầu Quốc hội, Cụ Bùi Bằng Đoàn luôn đề cao tư tưởng đại đoàn kết để động viên các lực lượng tham gia kháng chiến, qua đó khẳng định vai trò của Quốc hội trong việc đại diện cho ý chí của toàn dân, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc; tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu của thực dân Pháp và bè lũ tay sai về tính hợp hiến, hợp pháp của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
Trong những ngày ở chiến khu Việt Bắc, trên cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để góp ý và giám sát các hoạt động của Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến; đóng góp vào việc cải tổ nhân sự của Chính phủ; thực hiện chính sách sản xuất tiết kiệm, chính sách thuế nông nghiệp, chính sách ruộng đất; chỉ đạo các đoàn đại biểu khu vực kiểm tra tình huống, lấy nguyện vọng của nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ trong lãnh đạo cuộc kháng chiến.
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: "Thời kỳ kháng chiến chống Pháp hoạt động của Quốc hội rất khó, chủ yếu hoạt động ở Ban thường trực của Quốc hội, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã tạo cho các thành viên trong ban thường trực không khí đoàn kết, đầm ấm gia đình và rất dân chủ cụ luôn nêu cao tinh thần hợp tác với Chính phủ với thái độ cầu thị, trân trọng, làm hết mình và cụ luôn sâu sát với cơ sở. Nhìn lại những đóng góp, đề xuất của cụ vẫn có giá trị với hoạt động của Quốc hội, chúng ta đòi hỏi dân chủ trong hoạt động Quốc hội dân chủ trong xã hội, tạo điều kiện cho người dân đóng góp cho Quốc hội. Bây giờ chúng ta đang phát huy, phát triển điều đó".
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, với tinh thần của một nhân sĩ yêu nước, khi tham gia Cách mạng, trải qua nhiều vị trí khác nhau, Cụ Bùi Bằng Đoàn luôn dốc hết tâm và tài phục vụ cho Cách mạng.
"Tuy thời gian giữ chức Trưởng Ban Thường trực Quốc hội không dài (từ tháng 11/1946 đến tháng 9/1955), nhưng ở vào giai đoạn quyết liệt của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã được Ban Thường trực Quốc hội ủy nhiệm ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ để góp ý kiến với Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến. Đây là môi trường để những kiến thức, kinh nghiệm của Cụ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh có ghi là “học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú” phát huy giá trị, giúp ích cho công tác của Quốc hội, phục vụ cho lợi ích của Nhân dân, của Cách mạng./.
Vì sao Bác dạy "Học để làm việc, làm người, rồi mới làm cán bộ"?
Từ khóa: Bùi Bằng Đoàn, cách mạng Việt Nam, nhân sĩ
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN