Hội thảo Đắk Lắk 120 năm hình thành và phát triển

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Ngày 26/10, Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đắk Lắk - 120 năm hình thành và phát triển” (1904-2024). Những phân tích, thảo luận tại Hội thảo là cơ sở để tỉnh hoạch định các chủ trương, chính sách, cơ chế nhằm tạo động lực thúc đẩy Đắk Lắk phát triển nhanh và bền vững, ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành đã phân tích, thảo luận nhiều nội dung chuyên đề như: Tây Nguyên - Đắk Lắk trong tiến trình hợp nhất của dòng chảy lịch sử, văn hóa Việt Nam;  Đắk Lắk - từ vị thế địa lý đặc biệt quan trọng và truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa đến khát vọng, tầm nhìn, phương hướng phát triển bền vững trong tương lai; chiến thắng Buôn Mê Thuột trong tiến trình 120 năm lịch sử tỉnh Đắk Lắk; công nghiệp chế biến nông sản chủ lực - đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk; gìn giữ bảo tồn di sản văn hóa ở Đắk Lắk trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phân tích những thời cơ, thách thức và định hướng, tầm nhìn để xây dựng, phát triển Đắk Lắk trở thành “Trung tâm của vùng Tây Nguyên trên tất cả các lĩnh vực”.  

“Với những lợi thế, với những giá trị truyền thống, với vị trí trung tâm và là động lực cảu cả vùng. một điểm nhấn trong bức tranh tổng thể sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. Qua các nghiên cứu chúng tôi thấy trong thời gian tới các cấp, các ngành, các đồng chí lãnh đạo của tỉnh và các địa phương chú trọng nhiều hơn nữa đến những vẫn đề liên quan đến văn hóa, con người Đắk Lắk, trong đó có việc xây dựng Đắk Lắk nói chung, Buôn Ma Thuột nói riêng thành nơi đáng đến, đáng sống, đáng đầu tư, khởi nghiệp sáng tạo.”-Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập tạp chí Cộng sản, nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk khẳng định, cách nhìn khá toàn diện, đầy đủ, sâu sát về lịch sử, địa lý, truyền thống văn hóa, tầm vóc, vị thế của Đắk Lắk trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam sẽ là cơ sở để tỉnh hoạch định các chủ trương, chính sách, cơ chế nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc: “Trong chặng đường sắp tới, đòi hỏi cả hệ thống chính trị trong tỉnh cần tiếp tục khơi dậy, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khai thác tiềm năng, lợi thế; tranh thủ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; quán triệt sâu sắc, toàn diện, đầy đủ và thực hiện nghiêm túc quan điểm: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ gìn và phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực cho phát triển bền vững; đảm bảo quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.”

Đắk Lắk có diện tích tự nhiên hơn 13.000 km2; dân số 1,9 triệu người, với 49 dân tộc cùng sinh sống. Chặng đường lịch sử 120 năm hình thành và phát triển, gần 50 năm giải phóng, Đắk Lắk đã có những bước phát triển vượt bậc. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao (trung bình đạt 8%/năm trong 20 năm gần đây), giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng đầu khu vực Tây Nguyên.

Từ khóa: Đắk Lắk, Hội thảo, Đắk Lắk phát triển, kinh tế xã hội

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: nam trang/vov-tây nguyên

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập