Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi: Lịch sử và cơ hội
Cập nhật: 22/10/2019
VOV.VN - Liệu Nga có “chậm chân” sau khi các đối trọng khác là Mỹ và Trung Quốc đã hiện diện ở châu Phi?
Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 23-24/10. Với một loạt các chính sách ngoại giao quan trọng có thể thấy Trung Đông-châu Phi chính là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với nước Nga hiện nay. Liệu Nga có “chậm chân” sau khi các đối trọng khác là Mỹ và Trung Quốc đã hiện diện ở châu Phi? Quan hệ Nga- châu Phi sẽ mang lại lợi ích gì cho mỗi bên?
Tổng thống Ai Cập Sisi - Chủ tịch AU năm 2019 và Tổng thống Nga Putin - Ảnh Elmarada |
Hội nghị thượng đỉnh Nga – châu Phi là hội nghị cấp cao đầu tiên trong lịch sử quan hệ hai bên, trong đó tập trung vào ba chủ đề chính "Phát triển quan hệ kinh tế", "Tạo dự án chung" và "Hợp tác trong các lĩnh vực nhân đạo và xã hội". Hội nghị này có tầm quan trọng lớn với các bên trong bối cảnh có những thay đổi mạnh mẽ trên toàn cầu và quốc tế. Dự kiến 47 nguyên thủ quốc gia trên lục địa, lãnh đạo các liên đoàn lớn và các tổ chức khu vực tham gia sự kiện này.
Các nhà lãnh đạo châu Phi kỳ vọng hội nghị sẽ góp phần thiết lập mối quan hệ chiến lược mang tính xây dựng mới dựa trên sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực và để hiện thực hóa nguyện vọng của người dân châu Phi và người dân Nga. Kinh tế, thương mại và đầu tư là ưu tiến hàng đầu trong quan hệ Nga – châu Phi, nhất là sau khi khu vực thương mại tự do châu Phi vừa được thành lập. Một khu vực với quy mô dân số 1,2 tỷ người và tổng sản phẩm quốc nội khoảng 3,4 nghìn tỷ đô la, tương đương 3% sản lượng tổng số toàn cầu.
Đáng chú ý, dư luận khu vực cũng như các nhà lãnh đạo châu Phi luôn coi Nga là đối tác truyền thống, tin cậy. Chính vì vậy, các nước châu Phi muốn củng cố mối quan hệ này, không chỉ góp phần tạo sự ổn định, phát triển kinh tế mà còn cân bằng quan hệ chính trị phù hợp với chính sách đa dạng hóa quan hệ mà các nước châu Phi đang theo đuổi.
Chiến lược của Nga ở châu Phi
Mỹ và Trung Quốc từ lâu đã hiện diện ở khu vực châu Phi với những chính sách rõ ràng và ít chồng chéo. Dù cả hai đều có sự hiện diện về quân sự, các hợp đồng mua bán vũ khí, viện trợ, đầu tư.v.v… ở khu vực này. Từ những năm 1976, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ với châu lục giàu tài nguyên này và một trong những hướng đi mới của Trung Quốc là tập trung vào phát triển kinh tế với ưu tiên là đầu tư, thương mại và nhập khẩu.
Bắc Kinh không nhắm đến sự hiện diện này cho bất kỳ lợi ích chính trị nào so với Mỹ, cũng như không can thiệp vào các vấn đề nội bộ. Trong khi đó mục tiêu của Mỹ là "xây dựng dân chủ, thúc đẩy phát triển, hỗ trợ thương mại và tăng cường an ninh."
Trao đổi thương mại Trung Quốc châu Phi lên hơn 200 tỷ USD vào năm 2018 và đã tổ chức hội nghị Trung Quốc – Châu Phi năm 2018, cùng chính sách xuất khẩu rẻ, cho vay đầu tư hạ tầng, cách mạng văn hóa với 47 Viện Khổng Tử ở châu Phi.
Như chúng ta đều biết, Nga bắt đầu hiện diện ở lục địa đen từ sau Chiến tranh Lạnh nhưng mối quan hệ này bị đóng băng vào cuối thời kỳ Xô-Viết. Mối quan hệ này được “hâm nóng” lại sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin lên nắm quyền vào năm 2000, đặc biệt, từ năm 2014, Nga coi châu Phi là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Như vậy có thể thấy sự phục hồi của Nga ở khu vực là chậm hơn so với Trung Quốc và Mỹ.
Tuy nhiên, với uy tín và vị thế của mình, cùng các chính sách tiếp cận, Nga đã được các nước châu Phi chào đón và phục hồi mạnh mẽ. Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Nga và châu Phi đạt 22 tỷ đô la và con số này được dự báo có thể vượt 40 tỷ USD vào năm 2023. Tổng giá trị đầu tư tích lũy của Nga vào châu Phi đạt 17 tỷ USD.
Vũ khí, thương mại vũ khí và máy bay là một trong những lĩnh vực được thúc đẩy mạnh mẽ chính sách của Nga với châu Phi. Qua đó tạo một cửa ngõ cho quan hệ chính trị, vì nó nhằm mục đích trở thành một nguồn vũ khí chính của Nga ở châu Phi. Theo thông tin từ Trung tâm nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, xuất khẩu vũ khí của Nga sang các nước châu Phi chiếm 13% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga ra thế giới bên ngoài vào năm 2017.
Các chính sách chống khủng bố, hỗ trợ quân sự sẽ vẫn là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất trong chính sách của Nga đối với Sừng châu Phi. Nếu Nga có thể tăng cường ảnh hưởng của mình ở vùng Sừng châu Phi sẽ mang lại lợi thế cho việc xây dựng ảnh hưởng quốc tế lớn hơn và định hình lại các thể chế chính trị quốc tế.
Sự “xoay trục” của Nga và chiến lược đa dạng quan hệ của châu Phi
Trong bối cảnh kinh tế nước Nga cũng có những khó khăn thì việc mở rộng đối tác chính trị, thương mại và đầu tư sang châu Phi được cho là một lựa chọn đúng đắn của Tổng thống Putin vì vừa cân bằng quan hệ quốc tế vừa củng cố nền kinh tế Nga. Sự “xoay trục” này gặp đúng thời điểm khi châu Phi cũng đang đa dạng hóa quan hệ, chú trọng phát triển kinh tế, đầu tư, thương mại nhằm tránh sự phụ thuộc vào Trung Quốc hay Mỹ cả về kinh tế, chính trị và quân sự.
Mặc dù vậy phải mất tới 10 năm đàm phán, củng cố mới có hội nghị thượng đỉnh “Nga Châu Phi” lần đầu tiên này. Đây là cơ hội tốt để đa dạng hóa các hình thức hợp tác giữa hai bên trong một giai đoạn hợp tác chiến lược mới. Hai bên dựa trên lợi ích chung, tôn trọng chủ quyền quốc gia, nâng cao chất lượng quan hệ kinh tế và thương mại và tạo ra khuôn khổ mới cho hợp tác xây dựng trong tất cả các lĩnh vực.
Quan hệ này giúp các nước châu Phi xử lý các khoản nợ với Nga; hợp tác dầu mỏ, năng lượng và cơ sở hạ tầng để bù đắp tổn thất nợ; hợp tác thực hiện các tham vọng xây dựng các lò phản ứng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Cùng với việc tăng cường sự hiện diện quân sự ở Địa Trung Hải, châu Phi là một thị trường quan trọng cho vũ khí Nga lên tới hàng chục tỷ USD. Nga dường như đã chuyển chính sách của mình từ đối đầu sang chính sách cạnh tranh, trao đổi lợi ích hoặc chia sẻ quyền lực với các nước sản xuất dầu và khí đốt của khu vực.
Ngoài ra, quan hệ Nga – châu Phi sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề của khu vực và toàn cầu trong bối cảnh vai trò chính trị của các nước châu Phi đang tăng lên. Nga được coi là đối tác tin cậy và ủng hộ sự ổn định, tôn trọng chủ quyền, nội bộ nên được các quốc gia châu Phi hoan nghênh./.
Từ khóa: Nga - châu Phi, Nga, châu Phi, Mỹ, Trung Quốc
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN