Hội nghị Thượng đỉnh G7: Thành công nhưng không bên nào thỏa mãn

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Những chủ đề đưa ra tại Thượng đỉnh G7 năm 2019 được đánh giá là thiếu hấp dẫn và không thực sự đáp ứng đúng mong đợi của nhiều nhà lãnh đạo.

Hội nghị Thượng đỉnh G7 là nơi quy tụ những nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới. G7 là tập hợp của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới và dù hiện tại sức nặng kinh tế của nhóm này đã suy giảm so với trước kia khi không có sự góp mặt của những nền kinh tế lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ thì việc các nước G7 hội họp vẫn là sự kiện quan trọng vì có thể sẽ đưa ra nhiều chính sách có tác động toàn cầu.

hoi nghi thuong dinh g7: thanh cong nhung khong ben nao thoa man  hinh 1
Các nhà lãnh đạo cùng thưởng thức bữa sáng tại Hội nghị G7. Ảnh: AP.

Thời điểm tổ chức Thượng đỉnh G7

Thượng đỉnh G7 năm 2019 tổ chức ở thành phố Biarritz, một thành phố nghỉ mát ven biển nổi tiếng ở miền Tây Nam, thuộc xứ Basque của Pháp, cách biên giới với Tây Ban Nha chỉ vài chục km. Đây là một thành phố cỡ nhỏ, chỉ có khoảng gần 25.000 dân nhưng có hạ tầng tốt vì là thành phố du lịch.

Có một điểm chung từ nhiều năm nay, đó là Thượng đỉnh G7 thường được nước chủ nhà G7 tổ chức ở các thành phố cỡ nhỏ, tương đối kín đáo, và thường là điểm nổi tiếng về du lịch, văn hoá. Lí do quan trọng đầu tiên đó là vấn đề an ninh. Việc tổ chức ở các địa điểm nhỏ sẽ giảm bớt gánh nặng an ninh, giúp các nhà tổ chức dễ dàng phong toả một khu vực rộng lớn mà không ảnh hưởng quá nhiều đến cư dân, cũng như có thể dễ dàng cách ly các nhóm biểu tình chống đối.

Ngoài ra, Thượng đỉnh G7 thường được tổ chức cuối mùa Hè, trước khi chính trường các nước hoạt động trở lại, nhằm mục đích tạo không khí thư giãn, thân mật giữa các nhà lãnh đạo G7. Bản chất của G7 không phải là một tổ chức chính thức mà là dạng câu lạc bộ của các nước giàu, gặp nhau mỗi năm một lần để thảo luận và đưa ra các đường hướng chung cho vấn đề lớn về an ninh và kinh tế thế giới. Vì thế, các thảo luận được cho là sẽ hiệu quả hơn khi tổ chức ở một nơi có khung cảnh đẹp, nhẹ nhàng, chứ không phải ở các thành phố lớn nhiều áp lực.

Để tổ chức Thượng đỉnh G7 năm nay thì chính quyền Pháp đã biến thành phố Biarritz trở thành một pháo đài thực sự. Các vòng an ninh được thiết lập khắp thành phố và tất cả các công dân hay đại biểu đều cần có thẻ mới được di chuyển. Cư dân Biarritz được khuyến cáo đi nghỉ nơi khác trong 3 ngày hội nghị. Hàng quán, nhà ga, sân bay… hầu như đóng cửa hoàn toàn.

Về cơ bản thì Biarritz giống như một thành phố không có người ở và số lượng 13.200 cảnh sát, hiến binh và các lực lượng an ninh đặc biệt áp đảo so với dân chúng. Điều này tạo cảm giác an toàn tuyệt đối cho Hội nghị nhưng cũng gây ra rất nhiều bất tiện, đặc biệt cho các phóng viên báo chí đến tác nghiệp. Gần 2.000 nhà báo từ khắp thế giới đã đến Biarritz và phải cư trú rải rác khắp nơi trong khi phương tiện đi lại chỉ có xe bus của BTC, taxi hay xe bus công cộng hầu như không hoạt động, hoặc rất ít. Điều này cũng khá bất tiện nhưng vì an ninh được xem là quan trọng nhất nên cũng khó có giải pháp khác khả thi hơn.

Vẫn được coi là thành công

Sau 3 ngày làm việc thì G7 năm nay kết thúc bằng việc các nước ra được 1 bản Tuyên bố chung vô cùng ngắn gọn, dài đúng 1 trang giấy, trong đó đề cập đến các vấn đề như thương mại quốc tế, Iran, Ukraine, Lybia và Hong Kong. Mặc dù vậy, đây vẫn có thể coi là một thành công của G7 năm nay, nếu biết rằng tại G7 năm 2018 ở Canada, các bên thậm chí không thể ra Tuyên bố chung và Tổng thống Mỹ Donald Trump còn chỉ trích công khai chủ nhà Canada.

G7 năm nay từ đầu và tất cả các phiên họp, từ chính thức cho đến các cuộc gặp song phương bên lề nhưng vô cùng quan trọng, có hai điểm nổi bật. Thứ nhất, đó là sự sắp xếp và đạo diễn có chủ ý rất rõ ràng của nước chủ nhà Pháp nhằm truyền thông tối đa cho các quan điểm của Pháp cũng như hình ảnh của cá nhân Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron. Từ việc chọn chủ đề của hội nghị là “Đấu tranh chống bất bình đẳng” cho đến các phiên thảo luận chính thức về hợp tác với châu Phi, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số hay bình đẳng giới… Khách quan mà nói, đây là các chủ đề không hấp dẫn, và không thực sự đáp ứng đúng như chờ đợi của một Thượng đỉnh G7.

Nhưng đây đều là các chủ đề tạo ra sự nổi bật nhất của chủ nhà Pháp và ông Macron, đồng thời làm rõ sự khác biệt giữa Pháp và Mỹ, giữa ông Macron và ông Donald Trump bởi 1 bên là ông Macron đang muốn tiến lên như người lãnh đạo tiên phong trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, chống bất bình đẳng giới và thu nhập với một bên là ông Donald Trump coi lợi ích nước Mỹ trên hết, sẵn sàng xoá bỏ các thoả thuận về môi trường, đồng thời theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ.

Đây là các dụng ý rõ ràng từ phía Pháp và đúng như phái đoàn Mỹ chỉ trích, G7 năm nay có nhiều chủ đề và tình huống đẩy nước Mỹ cũng như cá nhân ông Donald Trump vào thế khó xử và mất mặt. Vụ việc ông Macron mời Ngoại trưởng Iran, Javad Zarif đến G7 trong vài tiếng đồng hồ chiều 25/8 là một ví dụ khác cho thấy ông Macron đã giành thế chủ động và đưa Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tình thế miễn cường đồng ý. Vì vậy, về tổng thể Thượng đỉnh G7 năm nay, có thể coi là nước Pháp, đặc biệt là cá nhân Tổng thống Pháp Macron đã thành công.

Tuy nhiên, để có thành công đó, phần nhiều cũng là do các nguyên thủ G7 năm nay đều đã hành động tương đối kiềm chế, đặc biệt là Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Boris Johnson. Hai chính trị gia có tính cách khó đoán này đã hành xử tương đối chuẩn mực và kín kẽ ở G7, có lẽ phần lớn là do không muốn tạo ra một bầu không khí bất lợi giữa các đồng minh trong bối cảnh đang phải đối mặt với các thách thức lớn hơn, với Mỹ là cuộc chiến thương mại với Trung Quốc còn với Anh là vấn đề Brexit vẫn đang bế tắc nghiêm trọng. Vì thế, G7 năm nay ghi nhận sự thận trọng đáng kể của các lãnh đạo G7 và đó cũng là nguyên nhân đáng kể giúp Hội nghị không thất bại./.

Từ khóa: Hội nghị Thượng đỉnh G7, hội nghị G7 2019, tổng thống Trump, Pháp, Canada

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập