Hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraine: Kỳ vọng tạo ra bước ngoặt mới
Cập nhật: 07/10/2020
Hoa hậu Thùy Tiên tái xuất màn ảnh rộng, đóng cặp với Quyền Linh
Vietnam to waive visas for citizens of three European countries from March 1
VOV.VN - Thượng đỉnh EU-Ukraine lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt mới trong quan hệ 2 bên, khi mà Tổng thống Zelensky mong muốn Ukraine sẽ sớm trở thành thành viên của EU, trong khi phía EU thận trọng trước đề nghị này.
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) – Ukraine lần thứ 22 khai mạc hôm qua (6/10) tại Brussels, Bỉ. Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây cũng là hội nghị thảo luận về tương lai quan hệ EU-Ukraine với sự tham dự lần đầu tiên của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell.
Tổng thống Ukraine Zelensky tham dự hội nghị. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo EU và Ukraine thảo luận về tương lai quan hệ EU-Ukraine, cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, những diễn biến gần đây ở Belarus và các vấn đề chính sách đối ngoại và khu vực.
Những nội dung đáng chú ý
Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU-Ukraine vừa kết thúc chiều qua tại Brussels, hai phía EU và Ukraine đã bàn thảo về 3 nội dung chính, đầu tiên là các tác động kinh tế-xã hội của đại dịch Covid-19 và các trợ giúp của EU cho Ukraine nhằm đối phó với các tác động này. Tiếp đến, hai bên thảo luận về các bước đi tiếp theo để thực hiện Hiệp định liên kết, trong đó trọng tâm là bàn về các nội dung, các vướng mắc trong việc thành lập được một khu vực tự do thương mại toàn diện giữa hai bên.
Tuy nhiên, bên cạnh các bàn thảo mang tính tích cực và hướng đến tương lai, trong Hội nghị Thượng đỉnh vừa kết thúc, EU và Ukraine cũng đã thảo luận về chủ đề đang gây bất đồng lớn giữa hai bên trong thời gian qua là tiến trình cải cách tại Ukraine, trong đó quan trọng nhất là các cải cách về tư pháp để thiết lập các cơ chế chống tham nhũng mạnh mẽ và hiệu quả.
Kết thúc Thượng đỉnh, EU và Ukraine đã ký 6 thỏa thuận trong các lĩnh vực như nâng cao năng lực quản lý, phát triển xã hội dân sự hay tài trợ các dự án năng lượng cho Ukraine, trị giá khoảng 400 triệu euro.
Bước đột phá nào cho vấn đề Crimea?
Từ vài năm qua thì các phe có liên quan đến khủng hoảng Ukraine có xu hướng tách Crimea thành một chủ đề riêng. Thứ nhất, đó là quan điểm của Ukraine và EU về vấn đề Crimea luôn không thay đổi, đó là Ukraine cũng như EU coi Crimea là phần lãnh thổ không thể tách rời khỏi Ukraine và việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 là bất hợp pháp. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc và không thể nhượng bộ, và vì thế EU luôn không công nhận Crimea thuộc về Nga, đồng thời duy trì các lệnh trừng phạt với Nga suốt từ năm 2014 đến nay.
Nhưng đó là chính sách đối ngoại bắt buộc còn trên thực tế, EU cũng như Ukraine hiểu rằng gần như không có cách nào thay đổi được hiện trạng rằng Crimea giờ đây đã được sáp nhập trở lại Nga và khi đối mặt với một cường quốc quân sự như Nga, việc thu hồi lại Crimea gần như là bất khả thi. Các lệnh trừng phạt duy trì nhằm vào Nga sau vụ Crimea cũng không phải là giải pháp có thể buộc Nga trả lại Crimea, vì Nga luôn cho rằng Crimea đã sáp nhập vào Nga thông qua một cuộc bỏ phiếu hợp lý và hợp pháp, đồng thời Nga cũng không lùi bước trước các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Do đó, không ai trông chờ và cũng không có đột phá trong vấn đề Crimea. Trong phát biểu bế mạc của mình, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell cũng khẳng định rất rõ, EU phản đối Nga sáp nhập Crimea và ưu tiên của EU là thúc đẩy tiến trình hòa bình ở miền Đông Ukraine theo lộ trình được Thỏa thuận Minsk 2 vạch ra.
Tương lai mối quan hệ EU và Ukraine, sau hội nghị thượng đỉnh lần này
Cuộc chính biến tại Ukraine năm 2014 có vai trò can dự lớn của EU khi khối này, cùng với Mỹ, muốn kéo Ukraine khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Nga. Sau đó EU và Ukraine đã ký Hiệp định liên kết, với cái đích cuối cùng như Ukraine mong muốn, đó là trở thành thành viên đầy đủ của EU. Trong những năm qua, EU đã tài trợ cho Ukraine rất nhiều tiền để nước này thực hiện các cải cách theo hướng EU yêu cầu. Cao điểm là vào năm 2017, EU đã ra quyết định miễn visa cho công dân Ukraine.
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay quan hệ giữa EU và Ukraine thiếu các lực đẩy quan trọng. Hiện tại, hai bên chưa đưa ra được lộ trình rõ ràng về việc khi nào Ukraine có thể trở thành viên khối này, dù chính phủ Ukraine luôn khẳng định đó là ưu tiên cao nhất của nước này. Một phần trong việc chậm trễ này là vì EU vẫn còn e ngại các phản ứng quyết liệt từ Nga nên muốn hành động thận trọng. Trở ngại tiếp theo là bất đồng gần đây trong tiến độ cải cách mà EU yêu cầu Ukraine thực hiện, đặc biệt về vấn đề chống tham nhũng.
Tháng 9 vừa qua, Cao ủy phụ trách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell có thăm Ukraine và sau đó có các phát biểu hoài nghi về cam kết thực hiện cải cách của Ukraine. Phía EU cho rằng Ukraine chưa xây dựng được một Cơ quan chống tham nhũng độc lập và có đủ quyền lực và do đó đã đưa ra một số tín hiệu cảnh báo về việc tạm ngưng giải ngân khoản tài trợ 1,2 tỷ euro cho nước này. Chắc chắn các bất đồng này sẽ còn ảnh hưởng đến quan hệ hai bên trong thời gian tới và việc Ukraine trở thành thành viên đầy đủ của EU có lẽ sẽ còn mất nhiều thời gian, hoặc có thể không thành hiện thực./.
Từ khóa:
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN