Hội nghị mùa Xuân IMF-WB: “Đã thấy ánh sáng cuối đường hầm”

Cập nhật: 08/04/2021

VOV.VN - Triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện khi các nước áp dụng nhiều giải pháp chính sách chưa từng có, cộng với tốc độ sản xuất vaccine phòng Covid-19 nhanh chóng.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Hội nghị trực tuyến mùa Xuân Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - Ngân hàng Thế giới (WB) đang diễn ra đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như vaccine phòng chống Covid-19, các giải pháp chính sách khôi phục kinh tế cũng như giải quyết các khoản nợ toàn cầu.

Trình bày Chương trình nghị sự toàn cầu tại hội nghị hôm 7/4, Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva cho biết, triển vọng kinh tế toàn cầu năm nay đã được cải thiện khi các nước áp dụng nhiều giải pháp chính sách chưa từng có cộng với tốc độ sản xuất vaccine phòng Covid-19 nhanh chóng.

“Chúng tôi có tin tốt là sau cuộc suy thoái toàn cầu tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, kinh tế thế giới đã thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, tiến trình phục hồi đang diễn ra. Chúng tôi đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 6% cho năm nay và 4,4% cho năm 2022”, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva khẳng định.

Tuy nhiên, bà Georgieva khẳng định việc đã thấy “ánh sáng cuối đường hầm” không có nghĩa là đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế đã kết thúc. Tiến trình phục hồi kinh tế vẫn chưa chắc chắn, không đồng đều giữa các quốc gia và trong từng quốc gia.

Giới chức Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới cũng kêu gọi các nước phải đảm bảo mọi người dân cần được tiêm phòng vaccine một cách công bằng, duy trì phục hồi kinh tế và tương lai ổn định.

Để các hoạt động đời sống, thương mại trở lại bình thường các nước cần phải tăng cường phân phối vaccine và đảm bảo rằng lượng vaccine dư thừa sẽ được chuyển đến các nước nghèo hơn. Theo đó, chính sách vaccine cũng chính là chính sách kinh tế và việc sớm chấm dứt đại dịch có thể giúp tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tăng gần 9 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

Hội nghị trực tuyến mùa Xuân bắt đầu từ ngày 6/0 kéo dài hết tuần này được kỳ vọng sẽ giúp các nước dễ bị tổn thương đối phó với thách thức từ dịch bệnh Covid-19. Trong buổi họp báo mở đầu Hội nghị ngày 6/4, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới ông David Malpass cho biết, mục đích chính của hội nghị lần này là tập trung đánh giá và tìm kiếm các giải pháp giải quyết tình trạng bất bình đẳng trên toàn thế giới, đặt biệt là thực trạng lãi suất cao hơn đối với các nước nghèo.

“Có sự khác biệt lớn khi các nước nghèo phải chịu lãi suất cao hơn. Trong khi lãi suất thế giới giảm thì lãi suất đối với các nước nghèo không hề giảm bớt. Quy trình phá sản đối với các quốc gia có chủ quyền cũng chứa đựng nhiều bất bình đẳng. Vì vậy, các nước này không còn cách nào khác là gánh chịu nợ nần chồng chất”, ông David Malpass chỉ rõ.

Tại Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng Trung ương G20 diễn ra hôm 7/4, giới chức phụ trách tài chính và kinh tế của nhóm kêu gọi Quỹ Tiền tệ quốc tế đưa ra đề xuất toàn diện về việc phân bổ 650 tỷ USD cho Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) nhằm đáp ứng nhu cầu dài hạn bổ sung quỹ dự trữ.

Việc mở rộng quỹ dự trữ của Quỹ Tiền tệ quốc tế sẽ tăng tính thanh khoản cho tất cả các thành viên mà không làm tăng gánh nặng nợ nần của các quốc gia đã hoặc đang đối mặt với nguy cơ nợ nần.

G20 cũng nhất trí gia hạn việc hoãn trả nợ cho các nước khó khăn đến cuối năm nay. Điều này có nghĩa là các quốc gia đang phát triển có thêm nguồn tiền mặt để giải quyết các khoản nợ xấu còn tồn đọng, mua vaccine phòng Covid-19 và đưa ra các gói kích thích kinh tế./.

Từ khóa: hội nghị mùa xuân, IMF-WB, khôi phục kinh tế, vaccine chống covid-19, xử lý nợ xấu

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập