Hội nghị BRICS: Đối trọng với ảnh hưởng của phương Tây
Cập nhật: 23/10/2024
Gaza: cư dân thêm nỗi thống khổ trước mùa đông khắc nghiệt (25/11/2024)
Nhật Bản: nhiều địa phương báo động nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm PFAS (25/11/2024)
VOV.VN - Hội nghị thượng đỉnh BRICS khai mạc ngày 22/10 với sự tham gia của nguyên thủ các cường quốc như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ…. tại thành phố Kazan của Nga. Nga hy vọng sẽ biến khối BRICS thành liên minh đối trọng với ảnh hưởng của phương Tây trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Cố vấn đối ngoại của Điện Kremlin Yuri Ushakov gọi đây là "sự kiện chính sách đối ngoại lớn nhất” do Nga tổ chức" bởi sự tham dự của 36 quốc gia, trong đó hơn 20 quốc gia có đại diện là nguyên thủ quốc gia.
Liên minh BRICS ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã nhanh chóng mở rộng để có thêm Iran, Ai Cập, Ethiopia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Saudi Arabia vào đầu năm nay. Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Malaysia đã chính thức nộp đơn xin trở thành thành viên và một số nước khác đã bày tỏ sự quan tâm. Điều này phản ánh ảnh hưởng địa chính trị-kinh tế ngày càng lớn của khối.
Giới quan sát coi hội nghị thượng đỉnh BRICS là một phần trong nỗ lực của Điện Kremlin nhằm phản ánh sự ủng hộ của các nước Nam bán cầu trong bối cảnh căng thẳng leo thang với phương Tây, đồng thời phản ánh thành công ngoại giao của Nga giữa sự bủa vây cô lập của phương tây.
Trước khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Putin đã tổ chức khoảng 20 cuộc họp song phương. Trong đó nổi bật là mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc được mô tả là “một trong những yếu tố ổn định chính trên trường thế giới”. Hai bên cam kết “mở rộng sự phối hợp trên tất cả các diễn đàn đa phương vì sự ổn định toàn cầu và trật tự thế giới công bằng”.
Ngoài ra sự hợp tác của Nga với Ấn Độ cũng đã phát triển mạnh mẽ. Ấn Độ coi Nga là đối tác đã được thử thách qua thời gian kể từ thời Chiến tranh Lạnh, hợp tác về quốc phòng, dầu mỏ, năng lượng hạt nhân và không gian. Trong cuộc gặp với Tổng thống Nam Phi Ramaphosa, tổng thống Nga đã nhấn mạnh nỗ lực chung hướng tới một “trật tự toàn cầu công bằng, đa cực”.
Tổng thống Putin cũng đã gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi, người đã ca ngợi "sự phát triển năng động" của quan hệ song phương trong những năm gần đây. Nga cũng dự kiến sẽ ký một hiệp ước “đối tác chiến lược toàn diện” với Iran. Đăc biệt vào ngày mai, ông Putin cũng sẽ gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, người có chuyến thăm đầu tiên tới Nga sau hơn 2 năm.
Tổng thống Nga nhấn mạnh: “Chúng ta phải đưa ra một loạt các quyết định quan trọng nhằm phát triển tương lai các hoạt động của liên minh BRICS và tăng cường hợp tác đa chiều giữa các thành viên BRICS. Đây là một liên minh các quốc gia cùng nhau làm việc dựa trên các giá trị chung, tầm nhìn chung về phát triển và quan trọng nhất là nguyên tắc tính đến lợi ích của nhau"
Tổng thống Nga Putin tuyên bố ,"BRICS không tự đặt mình vào thế đối lập với bất kỳ quốc gia nào" và BRICS đang trở thành động lực cho tăng trưởng toàn cầu. Nhóm BRICS hiện chiếm 45% dân số thế giới và 35% nền kinh tế toàn cầu. Theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tỷ trọng của BRICS trong GDP toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 37% vào cuối thập kỷ này trong khi tỷ trọng mà G7 nắm giữ sẽ giảm xuống còn khoảng 28% từ mức 30% trong năm nay.
Nga đang tìm cách thuyết phục các nước BRICS xây dựng một nền tảng thanh toán quốc tế độc lập mới, nhằm miễn nhiễm với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Hiện Nga và Trung Quốc đang thăm dò liệu một loại tiền tệ giao dịch quốc tế mới có thể "thách thức" đồng USD" hay không.
Từ khóa: BRICS, Nga, phương Tây, hội nghị thượng đỉnh BRICS
Thể loại: Thế giới
Tác giả: trần nga/vov1
Nguồn tin: VOVVN