Hội đồng Bảo an họp khẩn về căng thẳng Armenia-Azerbaijan
Cập nhật: 17/08/2023
EU đa dạng hóa các đối tác thương mại sau khi Mỹ tăng thuế
Séc ra mắt tàu hỏa chở khách không người lái đầu tiên ở Châu Âu
VOV.VN - Cuộc họp khẩn diễn ra hôm qua của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một lần nữa không thể ra tuyên bố về những căng thẳng leo thang giữa Armenia và Azerbaijan.
Quyết định của Azerbaijan phong toả tuyến đường bộ duy nhất nối Armenia với khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh có nguy cơ làm gia tăng đối đầu giữa hai quốc gia láng giềng vùng Kavkaz và đẩy khu vực vào một giai đoạn bất ổn mới.
Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, các đại diện Armenia và Azerbaijan không ngừng đổ lỗi cho nhau về những nỗ lực ngoại giao thất bại cho đến nay. Theo Ngoại trưởng Armenia Ararat Mizoyan, lệnh phong toả của Azerbaijan đã khiến Nagorno-Karabakh rơi vào tình cảnh kiệt quệ. Ông đồng thời hối thúc Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc thể hiện trách nhiệm nhằm ngăn chặn nguy cơ một thảm hoạ nhân đạo tồi tệ.
“Tôi ở đây để tìm kiếm sự hỗ trợ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong việc duy trì triển vọng đạt được hòa bình, cũng như ổn định công bằng và toàn diện trong khu vực. Những vấn đề nhân đạo ở Nagorno-Karabakh cần được giải quyết với sự can thiệp mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế để không dẫn đến những hậu quả tiêu cực đối với người dân.”
Về phần mình, Đại sứ Azerbaijan tại Liên Hợp Quốc Ashar Aliyev đã bảo vệ quyết định thiết lập trạm kiểm soát biên giới trên hành lang Lachin là nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan, cũng như ngăn chặn các hoạt động quân sự và những hoạt động bất hợp pháp khác qua tuyến đường này.
"Azerbaijan bác bỏ mạnh mẽ tất cả những cáo buộc vô căn cứ về cuộc khủng hoảng nhân đạo hay lệnh phong toả như Armenia đề cập tới. Nagorno-Karabakh là lãnh thổ được quốc tế công nhận của Azerbaijan và những người dân tộc Armenia sống ở đó được coi là cư dân của Azerbaijan”, ông Aliyev nói.
Khu vực Nagorno-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào nước này. Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hàng chục cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề, nhưng chưa tìm được biện pháp hòa giải phù hợp. Nhiều quốc gia đã yêu cầu Azerbaijan ngay lập tức mở lại Hành lang Lachin, đồng thời hối thúc hai quốc gia láng giềng vùng Kavkaz tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột kéo dài gần 3 thập kỷ qua.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield - nước Chủ tịch luân phiên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc tháng 8 nhấn mạnh: “Mỹ kêu gọi kiềm chế và chấm dứt ngay lập tức bất kỳ hoạt động nào có nguy cơ phá hoại tiến trình hòa bình. Tất cả các bên cần thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo luật nhân đạo quốc tế”.
Theo Liên Hợp Quốc, Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế, cơ quan nhân đạo quốc tế duy nhất có quyền tiếp cận khu vực, đã không thể vận chuyển thực phẩm qua Hành lang La-chin kể từ ngày 14/6 và thuốc men kể từ ngày 7/7. Hơn 2 năm sau cuộc xung đột lần thứ 2 ở Nagorno-Karabakh, mối quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan không ngừng xấu đi bất chấp các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra của Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu. Nguy cơ một cuộc đụng độ mới giữa hai quốc gia láng giềng vùng Kavkaz có nguy cơ gây tổn thất lớn về người, làm suy yếu các nỗ lực giảm căng thẳng, đồng thời làm gia tăng bất ổn tại khu vực.
Từ khóa: armenia, azerbaijan, hội đồng bảo an, liên hợp quốc, nagorno karabakh, chiến tranh
Thể loại: Thế giới
Tác giả: thu hoài/vov1
Nguồn tin: VOVVN