Hội Đồng Bảo an chia rẽ sâu sắc về vấn đề cứu trợ Syria
Cập nhật: 13/07/2020
VOV.VN - Câu chuyện về viện trợ nhân đạo cho Syria không còn đơn thuần theo đúng nghĩa “cứu trợ giúp người dân Syria” khỏi khủng hoảng lương thực và dịch bệnh.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong một tuần qua không thể gia hạn Nghị quyết nhân đạo xuyên biên giới Syria khi nghị quyết hết hạn hôm 10/7. Đây là lần thứ hai trong tuần này Hội đồng Bảo an không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Syria. Nga và Trung Quốc đã phủ quyết dự thảo Nghị quyết do Đức và Bỉ đệ trình Hội đồng Bảo an nhằm kéo dài hoạt động cứu trợ nhân đạo và mở các điểm đưa hàng cứu trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria.
Đại diện Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya. Ảnh: RTE |
Vì sao lại có tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”?
Câu chuyện về viện trợ nhân đạo cho Syria thực sự rất phức tạp và không còn đơn thuần theo đúng nghĩa “cứu trợ giúp người dân Syria” tránh khỏi cuộc khủng hoảng lương thực và dịch bệnh. Như chúng ta đều biết, một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần ít nhất thành viên ủng hộ và không có thành viên thường trực nào phủ quyết.
Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc đã phản đối Nghị quyết nhân đạo cứu trợ người dân Syri do Đức (với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Bảo an định kỳ) và Bỉ - hai thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an chịu trách nhiệm về khía cạnh nhân đạo của hồ sơ Syria tại Liên Hợp Quốc đệ trình. Nghị quyết đã không được thông qua và các bên vẫn còn nhiều điểm bất đồng trong nội dung dự thảo nghị quyết như số cửa khẩu đưa hàng vào Syria là 1 hay là 2/4 cửa khẩu, nguyên nhân khiến người dân Syria lâm vào cảnh khủng hoảng nghiêm trọng hay vấn đề chủ quyền Syria. Vấn đề còn phức tạp hơn mà trong đó có cả yếu tố chính trị hóa vấn đề giữa các bên.
Vì sao Nga và Trung Quốc phủ quyết?
Dự thảo do Đức và Bỉ đệ trình Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó duy trì hai điểm nhập cảnh hiện tại qua Thổ Nhĩ Kỳ vào lãnh thổ Syria trong thời gian một năm. Liên Hợp Quốc, Mỹ và nhiều nước phương Tây cho rằng Syria đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có, trong đó hơn 9,3 triệu người thiếu ăn. Sự tuyệt vọng gia tăng ở Syria có thể dẫn đến cuộc di cư hàng loạt. Các bên còn cho rằng dịch covid-19 đang bùng phát là nguyên nhân góp phần rất lớn vào sự suy giảm đáng kể về an ninh lương thực ở Syria, nơi có hơn 80% dân số sống trong nghèo đói. Do đó, Nghị quyết muốn mở rộng thời gian cứu trợ thêm 1 năm và mở thêm các điểm đưa hàng cứu trợ.
Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc hai nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã phủ quyết. Nga phủ quyết vì trước đó dự thảo nghị quyết của Nga liên quan tới việc giảm từ 2/4 cửa khẩu đưa hàng cứu trợ vào Syria thành một cửa và thời gian thực hiện cứu trợ là 6 tháng chứ không phải 1 năm như dự thảo của phương Tây đề xuất đã bị các nước phủ quyết.
Thứ hai, Nga lo ngại việc mở các điểm viện trợ có thể không kiểm soát được khi các cửa khẩu này do lực lượng đối lập quản lý.
Thứ ba, Nga lo ngại kịch bản “lừa dối” ở Libya khi Nghị quyết áp đặt lệnh cấm bay và cho phép "sử dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ thường dân" nhưng sau đó sử dụng vỏ bọc cho sự can thiệp quân sự từ các nước phương Tây để áp đặt thay đổi ở Libya.
Trung Quốc phủ quyết vì lý do các nước cho rằng Trung Quốc phải có trách nhiệm liên quan tới đại dịch covid-19 khiến người dân Syria có thể lầm vào thảm họa. Trung Quốc cho rằng Syria gặp khủng hoảng kinh tế và nhân đạo là do các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ và phương Tây.
Trung Quốc đã bỏ phiếu chống vì cho rằng nghị quyết dự thảo chủ quan và không cân bằng. Cả Nga và Trung Quốc cũng cho rằng cải thiện tình hình nhân đạo chủ yếu là trách nhiệm của chính phủ Syria và hơn hết phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đồng thời nhấn mạnh rằng quyết định đưa hàng viện trợ vào Syria mà không có sự chấp thuận của chính quyền Syria là vi phạm chủ quyền của nước này và áp đặt ý chí.
Một khu trại tị nạn Syria. Ảnh: AP |
Quan điểm của chính quyền Syria?
Cho đến nay chưa có những tuyên bố chính thức nào từ phía chính quyền Syria liên quan đến dự thảo Nghị quyết này. Tuy nhiên, chúng ta đều biết Nga là đồng minh thân cận của Syria và đã giúp chính quyền Syria giành lại tới hơn 95% quyền kiểm soát lãnh thổ trong 5 năm qua. Do đó, có thể hiểu quan điểm của Syria chắc chắn sẽ đứng về phía Nga và cũng không muốn tình hình thêm phức tạp khi nguồn lực viện trợ “chảy” vào lực lượng đối lập mà chưa chắc đến tay người dân.
Nhưng vấn đề mà 2,8 triệu người Syria bao gồm cả ở Idlib lo lắng chính là cơ chế viện trợ hết hạn từ ngày 10-7 đồng nghĩa với việc họ sẽ chết vì đói. Cuộc nội chiến ở Syria kể từ năm 2011 đã khiến hơn 380.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời khỏi nhà đi sơ tán.
Những tác động tới tình hình Syria và khu vực?
Vấn đề Syria thực sự rất phức tạp và cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua chưa có hồi kết thì những tác động bên ngoài khiến tình hình càng thêm rối ren, phức tạp hơn. Nhiều cuộc đàm phán quốc tế và do Liên Hợp Quốc bảo trợ nhưng vẫn bế tắc bởi từ lâu nay, vấn đề Syria vẫn được coi là một cuộc chiến ủy thác giữa Nga, Iran, chính quyền Syria với Mỹ và phương Tây. Do đó, vấn đề viện trợ cho người dân Syria bị coi là chính trị hóa cũng dễ hiểu. Hàng triệu người dân Syria chắc chắn sẽ phải đối mặt với nạn đói khủng khiếp nhất từ trước đến nay do thiếu lương thực và hậu quả của xung đột.
Trong khi đó, thỏa thuận mở rộng hợp tác an ninh và quân sự toàn diện giữa Iran và Syria vừa qua, trong đó có điều khoản Iran sẽ nâng cấp hệ thống phòng không Syria càng khiến cho các căng thẳng thêm leo thang và các cuộc đàm phán đi vào bế tắc khi các bên liên quan sử dụng vũ lực để đeo dọa lẫn nhau.
Những yếu tố này sẽ khiến cho cả Syria và Trung Đông thêm “nóng” khi người tị nạn gia tăng, các nhóm khủng bố và tổ chức khủng bố lợi dụng để mở rộng, làn sóng người di cư sẽ tăng và tạo áp lực tới cả khu vực và châu Âu./.
Từ khóa: Hội Đồng Bảo An, cứu trợ Syria. khủng hoảng Syria, Nga, Mỹ, Trung Quốc
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN