Hội đền Kiếp Bạc: Truyền lửa từ uy linh các vị anh hùng dân tộc
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN -Lễ hội mùa thu ở Đền Kiếp Bạc từ hơn 700 năm qua, đã mang dáng dấp uy linh và giàu tính nhân văn bởi nhiều yếu tố đặc sắc mà không lễ hội nào có được.
Đã thành thông lệ, từ ngày 15 đến 20/08 âm lịch là lễ hội đền Kiếp Bạc Chí Linh, Hải Dương- nơi thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mà người dân Việt vẫn gọi là Đức Thánh Cha. Song ngay từ đầu những ngày đầu tháng 8, người dân khắp nơi trên cả nước đã về dâng hương và tưởng nhớ công đức của Ngài. Đây là một truyền thống tốt đẹp rất đáng được tôn vinh.
Lễ hội mùa thu ở Đền Kiếp Bạc từ hơn 700 năm qua, mang dáng dấp uy linh và giàu tính nhân văn bởi nhiều yếu tố đặc sắc mà không lễ hội nào có được. |
Lễ hội mùa thu ở Đền Kiếp Bạc từ hơn 700 năm qua, đã mang dáng dấp uy linh và giàu tính nhân văn bởi nhiều yếu tố đặc sắc mà không lễ hội nào có được. Vùng đất Chí Linh trên vòng cung Đông Bắc đã ghi dấu bao câu chuyện từ chính sử đến dã sử đều hút hồn người hành hương. Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Khắc Minh chia sẻ: "Thời gian diễn ra lễ hội là hơi se lạnh và mát dịu, các Thánh hiển hóa. Độc đáo thứ hai là 2 danh nhân văn hóa của đất nước, 1 vị thời nhà Trần, đại diện cho dân tộc ta là một tướng võ lẫy lừng, được thế giới tôn vinh là Trần Hưng Đạo. Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đại diện cho bên văn, dùng ngòi bút của mình để đánh giặc. Độc đáo ỏ đây nữa là lễ hội ở trên núi, diễn ra trong đền, có lễ rước bộ, rước thủy".
Có lẽ chính vì những sự độc đáo đó mà người dân Hải Dương và cả nước đi hội đúng mùa thu càng hoan hỉ hơn, thấy đất trời phù trợ cho mùa màng tươi tốt. Qua Lễ Mông Sơn thí thực, tinh thần thượng võ dâng cao, thấy hội quân trên sông Lục Đầu, trí tuệ tinh thông hơn khi tinh thần hướng về các danh nhân văn hóa kiệt xuất của đất nước. Đã bao năm đi hội mùa thu đền Kiếp Bạc mà người dân địa phương cũng như các tỉnh lân cận đi vẫn say sưa, nhiều cụ cao tuổi mà đi đôi chân không biết mỏi. Khi được hỏi các cụ đều phấn khởi cho rằng: "Năm nào vào tháng này chúng tôi cũng đi hết. đi như này khỏe ra. Không đi được khó chịu lắm"; "Tôi đi lễ để cầu mong gia đình sức khỏe dồi dào, đất nước phồn vinh"; "Một năm một lần, dù bận đến mấy chúng tôi cũng cố gắng đi lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc".
Người dân trảy hội về Côn Sơn-Kiếp Bạc trong những ngày tháng 8 mùa thu. |
Với vị trí đắc địa, đền Kiếp Bạc, nơi thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, có lưng tựa núi Trán Rồng, mặt nhìn ra Lục Đầu Giang. Thế núi rộng bao quanh mặt thung. Tương truyền vị trí khu đền Kiếp Bạc ngày nay, xưa là rừng già, rập rạp và nhiều muông thú. Khi mới về Vạn Kiếp, Trần Hưng Đạo đã nhìn ra đây là vị trí hiểm yếu có lợi cho chiến lược quân sự, tiến lùi đều thuận lợi, đã quyết định chuyển đại bản doanh từ thung lũng trong ra thung lũng ngoài tại đây. Sau 3 lần đánh tan quân Nguyên Mông. Những năm tháng thái bình, ngài lại trở về sống ở Vạn Kiếp. Năm Hưng Long thứ 8, ( tức 1300), ngày 30/8 âm lịch, Trần Hưng Đaọ qua đời tại nhà riêng ở Vạn Kiếp. Tưởng nhớ ngày mất của ngài, nhân dân hàng năm mở hội mùa thu: "Tháng 8 hội cha, tháng 3 hội mẹ", câu ca dao ấy chứa đựng tình cảm của người dân đất Việt, đối với ngày mất của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Mỗi lần về hội, người dân được ôn lại câu chuyện về ngài, từ những câu đối, lời thơ. Mặt trước Tam quan có hàng chữ lớn : Giữ Thiên Vô Cực (Sự nghiệp sống mãi) với đất trời. Dọc hai bên cột có câu đối: Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí/Lục Đầu thu thủy bất thu thanh (Vạn Kiếp núi lồng hình kiếm dựng/ Lục Đầu vang dậy tiếng quân reo).
Theo sách xưa, Côn Sơn-Kiếp Bạc, có thế "bốn phương quy phục, núi sông kỳ hình dị dạng, long bàn, hổ cứ, như muôn quân nghìn tướng chầu về, ở đất này sẽ được hưởng phúc muôn đời..." |
Đứng trước những dòng chữ ấy, mỗi người như được truyền thêm sức mạnh. Ý nghĩa giáo dục truyền thống đã được đặc biệt chú trọng trong cách tổ chức lễ hội hàng năm. Thế nên suốt hơn 1 năm qua, Ban quản lý Côn Sơn Kiếp Bạc, đã tích cực tôn tạo khuôn viên khu di tích để phục vụ lễ hội. Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng ban quản lý Côn Sơn Kiếp Bạc cho rằng, “Toàn bộ khu vực đằng sau của đền Kiếp Bạc, chúng tôi cũng đã tôn tạo, trồng nhiều hoa, cây cảnh theo chủ đề tâm linh để nâng giá trị tầm vóc của di tích. Toàn khu vực phía trước của cổng đền Nguyễn Trãi chúng tôi trồng nhiều hoa để làm sao mà một mặt phục hồi lại những giá trị tâm linh, giá trị cảnh quan của khu thắng tích, mà cách đây 700 năm qua, các danh nhân, anh hùng dân tộc, các ngài đã để lại cho chúng ta khu vực danh thắng Côn Sơn Kiếp Bạc vô cùng uy nghi và có giá trị để lại cho con cháu sau này”.
Mỗi lần được về dự chính hội, chúng tôi như được truyền lửa, từ uy linh của các vị anh hùng dân tộc, từ chính niềm đam mê của những người làm công tác văn hóa đã hiểu sâu sắc di tích và lịch sử để bảo tồn và phát huy những giá trị quý báu ấy, trong đời sống của nhân dân./.
Linh thiêng núi rừng Côn Sơn - Kiếp Bạc
Hàng vạn du khách dự Lễ khai hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2019
Từ khóa: Hội đền Kiếp Bạc, Côn sơn kiếp bạc, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lễ hội mùa thu côn sơn kiếp bạc
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN