Hội Đập trống của người Ma Coong- đêm giao duyên giữa đại ngàn Trường Sơn
Cập nhật: 08/02/2023
VOV.VN - Lễ hội Đập trống của người Ma Coong, ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cầu cho mưa thuận, gió hòa, nương rẫy tươi tốt, bản làng được ấm no, khỏe mạnh, gia súc không bị dịch bệnh. Trong đêm hội đập trống, trai chưa vợ, gái chưa chồng gặp gỡ, hẹn hò cùng nhau để rồi nên duyên vợ chồng...
Đêm 16 tháng Giêng, khi con trăng lên đến ngọn sào, lễ hội Đập trống của người Ma Coong bắt đầu. Già làng Đinh Xon, ở bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình làm lễ cúng tưởng nhớ công lao các vị già làng đi trước và cầu cho bốn mùa làm ăn thuận lợi.
Phần lễ do người chủ lễ là già làng, người có uy tín điều hành với các nghi thức cúng truyền thống. Phần hội là các hoạt động vui chơi, múa hát theo phong tục của đồng bào Ma Coong.
Già làng Đinh Xon cho biết, nói đến đập trống thì quan trọng nhất vẫn là chiếc trống mà người Ma Coong sử dụng trong đêm lễ hội. Tiếng trống là hiện thân của tâm linh, của tiếng nói thần kỳ, như tiếng của người Ma Coong giữa rừng xanh không bị khuất phục bởi gió, mưa, thú dữ.
Theo già làng Đinh Xon, đêm 16 tháng Giêng, bà con tập trung ở bãi đất rộng, ở đó có treo chiếc trống. Khi trăng lên là vào giờ khai lễ, già làng đọc lời khấn cầu trời đất phù hộ cho dân bản sống yên lành, làm ăn no đủ, mùa màng bội thu… Khi khấn xong, già làng phát lệnh thì lễ hội đập trống bắt đầu.
“Lễ hội này cầu may cho gia đình, cho mọi người, ăn uống vui chơi theo tục lệ. Thế hệ trước đã sinh ra lễ hội này nên cần phải giữ, không được hủy bỏ truyền thống, phong tục của mình, ngày này phát triển hơn, dành nhiều thời gian để thế hệ trẻ vui chơi”, già làng Đinh Xon giải thích.
Sau phần lễ là lúc tiếng trống hội mở màn vang lên, mọi người bắt đầu xúm lại bên ché rượu cần. Những thanh niên khỏe mạnh tranh nhau dùi và trổ tài đánh trống mạnh, đánh trống nhanh, đánh làm sao cho đến khi vỡ trống. Người không tham gia đánh trống thì cầm tay nhau nhảy múa quanh đống lửa.
Dưới ánh trăng tròn 16, từng tốp người thay nhau đập trống, nhảy múa, uống rượu bên ánh lửa bập bùng và hô vang câu "Roa lữ Giàng ơi" (nghĩa là: Sung sướng quá trời ơi).
Đêm hội đập trống cũng là dịp trai gái gặp gỡ làm quen, cùng hẹn ước sẽ trao duyên. Khi ấy, các đôi trai gái lâu nay đã thầm để ý nhau, yêu nhau, được phép dắt nhau ra suối, vào rừng… cùng tâm sự, chuyện trò.
Đinh Dự, ở bản Cà Roòng 2, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch nói rằng, khi gà gáy, mặt trời lên là lúc hội kết thúc, họ quay trở lại với cuộc sống thường ngày của mình và hẹn gặp lại vào lễ hội năm sau. Những người trẻ sau một đêm lễ hội cùng nhau ước hẹn, chọn ngày mời bố mẹ, già làng đến nhà cô gái đặt lễ xin cưới. Cũng có nhiều đôi đã nên duyên chồng vợ sau những lễ hội này, trong đó cũng có các mối tình xuyên biên giới Việt - Lào.
Theo Đinh Dự, năm nay, lễ hội đập trống còn có người dân từ nhiều địa phương lân cận và du khách đến chung vui: "Theo phong tục, đập trống đến khi nào trống vỡ thì phần lễ hội được trọn vẹn. Lễ hội này cũng là lúc trai chưa vợ, gái chưa chồng gặp gỡ, hò hẹn. Bắt đầu từ đây, khi họ đã yêu nhau thì sẽ tìm hiểu nhau để rồi thành vợ thành chồng.”
Trải qua mấy cuộc loạn ly, lại thêm bệnh dịch hoành hành, tộc người Ma Coong có lúc đứng trước nguy cơ diệt vong. Từ đó, những người có uy tín trong bản quyết định tổ chức "đêm hội yêu đương" để duy trì, phát triển giống nòi.
Anh Peter, người Đan Mạch, là người nghiên cứu về lĩnh vực di sản văn hóa và phát triển bền vững sống ở Việt Nam gần 20 năm nay. Lần đầu tiên, anh hòa mình vào lễ hội đập trống của người Ma Coong, tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo ở nơi đây.
Theo anh Peter, dù trong điều kiện nào cũng cần bảo tồn, lưu giữ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý báu này của người Ma Coong. Lễ hội Đập trống như mối giao hòa giữa con người với thiên nhiên, tạo nên nét độc đáo riêng biệt của bà con đồng bào dân tộc Ma Coong ở phía tây tỉnh Quảng Bình.
“Lần này đi du lịch, được tham dự lễ đập trống ở đây, quá tuyệt vời, là lúc để giao lưu với nhau. Đây là phong tục tập quán, mối quan hệ giữa thiên nhiên và văn hóa của người dân ở đây. Cần giữ lại bản sắc văn hóa này, vì việc đa dạng bản sắc văn hóa rất quan trọng, trong đó có bản sắc của các dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Bình", anh Peter tỏ ra thích thú.
Người Ma Coong hiện sinh sống rải rác tại 18 bản làng thuộc xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, trong vùng lõi của Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình với hơn 600 hộ dân, hơn 3.000 nhân khẩu. Trải qua nhiều biến đổi nhưng lễ hội Đập trống của người Ma Coong vẫn còn nguyên những giá trị văn hóa, giàu tính bản địa, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Năm 2019, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận lễ hội Đập trống của người Ma Coong là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng vừa phê duyệt Dự án bảo tồn và phát huy Lễ hội truyền thống Đập trống của người Ma Coong ở xã Thượng Trạch gắn với xây dựng nông thôn mới.
Cục Di sản văn hóa phối hợp với địa phương tập huấn cho cộng đồng kỹ năng trao truyền di sản phù hợp với điều kiện hiện tại; hỗ trợ cộng đồng trang bị đồ dùng, công cụ, nhạc cụ… để thực hành lễ hội. Lễ hội Đập trống của người dân Ma Coong đã góp một phần không nhỏ trong việc phát triển du lịch địa phương những năm qua, động viên bà con hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
“Chúng tôi rất quan tâm, phát huy bản sắc văn hóa của lễ hội Đập trống của đồng bào Ma Coong. Năm nay, UBND huyện sớm có kế hoạch để triển khai lễ hội Đập trống này, phục hồi, gây dựng lễ hội Đập trống đúng với bản sắc của đồng bào Ma Coong”, ông Nguyễn Hữu Hồng cho biết./.
Từ khóa: Đập trống; Lễ hội; Người Ma Coong; Quảng Bình
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN