Học sinh vùng cao Nậm Sỏ băng rừng, lội suối tới trường
Cập nhật: 25/09/2019
Xuân biên phòng Ấm lòng dân bản biên giới Đắk Nông
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tặng quà người lao động tại Khánh Hòa
VOV.VN -Hình ảnh các em học sinh bơi bằng can, có em cha mẹ cõng trên lưng, cùng nhau khiêng xe máy qua suối đến lớp càng thêm thấu hiểu những gian khó.
Mới đây, khi hình ảnh các thầy giáo của trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu dầm mình dưới dòng nước xiết, vác bàn ghế qua suối đến điểm trường chuẩn bị cho năm học mới được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Dùng can bơi vượt suối.
Thực tế tại xã Nậm Sỏ, hình ảnh các em học sinh bơi bằng can, có em được cha mẹ cõng trên lưng, sau đó cùng nhau khiêng xe máy qua suối đến lớp càng thêm thấu hiểu những gian khó mà các em học sinh, thầy cô giáo và người dân nơi đây đang hàng ngày phải vượt qua.
Đều đặn vào sáng sớm thứ 2 và trưa thứ 6 hàng tuần, nhiều gia đình ở bản Nà Ui, xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu lại băng rừng, vượt dốc, khênh xe máy và lội suối đưa đón con đi học và về nhà. Con đường từ bản đến trường gần 10 km đầy nhọc nhằn, vất vả.
Đang là mùa mưa, tại điểm suối nối Bản Nà Ui sang trung tâm xã Nậm Sỏ nước ngầu đục, chảy xiết với bao nhiêu nguy hiểm mà những người băng qua dòng nước không thể biết được dưới bước chân mình là gì.
Trên lưng cõng cô con gái học lớp 2 qua suối về nhà, anh Lò Văn Pau ở bản Nà Ui cho biết: “Từ xưa đến nay bản Nà Ui vẫn chưa có cầu, đi lại khó khăn. Khi nào mưa lũ về là các em học sinh không đến lớp đến trường được”.
Năm học này, hơn 200 em học sinh cả bậc học tiểu học và Trung học cơ sở của xã Nậm Sỏ vẫn phải qua suối đến trường. Các em lớn còn có thể tự mình qua suối, còn với bậc tiểu học, không phải em nào cũng được bố mẹ đưa đón và cõng qua hai đoạn suối, có đoạn chảy xiết, sâu qua thắt lưng người lớn. Những lúc như vậy, các thầy giáo của trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Sỏ lại cắt cử nhau cõng các em nhỏ qua suối, hỗ trợ người lớn khênh xe máy qua.
Thầy giáo Trần Văn Hạnh nói: “Những trường hợp nhiều hộ gia đình không có xe vì cách trường trung tâm xa cho nên nhiều phụ huynh không thể đón được. Nhiều học sinh phải đi bộ về và qua suối một mình nên giáo viên hỗ trợ đưa các em về và đưa các em qua suối để an toàn”.
Mùa đông cũng như mùa hè, việc qua suối với các em nhỏ thật vất vả khi phải đối mặt với cái lạnh, với nguy hiểm rình rập để có thể sang bên kia bờ. Vào thời điểm nước lên quá cao, mưa kéo dài thì các em đành phải nghỉ học chờ khi suối lặng hơn.
Em Lò Thị Uyên, học sinh lớp 4A1 nói: “Con rất sợ khi qua suối như thế này, bố mẹ phải vất vả đưa các con đi qua lại, những hôm nước to con không đi học được vì nước chảy mạnh quá. Con mong có cầu nhanh để đi qua con suối này”.
Bố mẹ cõng trên lưng qua suối. |
Khó khăn là vậy, nhưng học sinh ở bản Nà Ui lại có tỷ lệ bỏ học thấp nhất trong xã. Tinh thần học tập của các em không vì thế mà đi xuống, nhất là khi các em đã được bán trú tại trường.
Cô giáo Trần Thị Hồng Thoan, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết: “Điểm bản Nà Ui là điểm bản cách trung tâm khá xa. Nếu để bản thân các em đi qua suối, tuy nhiên chính quyền địa phương, phụ huynh và nhà trường rất quan tâm cho nên việc đưa các em qua suối có sự hỗ trợ của người lớn. Nhà trường cũng như bà con dân bản Nà Ui cũng mong muốn là có cây cầu để qua suối để các em đỡ vất vả”.
Năm học mới này, con đường đến trường của trẻ em Nà Ui tưởng đã vơi đi khó khăn, nhọc nhằn khi có Công ty đã tài trợ, đầu tư xây dựng cây cầu treo tại bản trị giá 2,6 tỷ đồng. Cây cầu này dự kiến đưa vào sử dụng tháng 4 vừa qua, nhưng hai bên mố cầu làm xong đã lâu, mà chưa thấy tiếp tục thi công phần còn lại.
Thêm một năm học mới, hàng trăm học sinh vùng cao Nậm Sỏ vẫn phải tiếp tục băng rừng, vượt dốc, lội suối đến trường./. Cảnh học sinh vùng lũ ngồi đò vượt sông Ngàn Sâu đến trường
Từ khóa:
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN