“Học sinh và nhà trường phản ứng tích cực với đề thi THPT tham khảo”
Cập nhật: 08/05/2020
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN - Đề thi tốt nghiệp THPT 2020 nằm trong khuôn khổ chương trình phổ thông. Những nội dung đã tinh giản, không dạy không học sẽ không đưa vào đề thi.
Sáng 8/5, tại Hội nghị Tuyển sinh năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 về cốt lõi không thay đổi nhiều so với năm 2019. Những thay đổi cũng mang tính thuận lợi hơn cho học sinh, phù hợp với chương trình tinh giản trong bối cảnh dịch bệnh.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), Phương án tuyển sinh do Bộ GD-ĐT đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ thông qua cũng phù hợp với hai Luật Giáo dục có hiệu lực từ 1/7/2019 và 1/7/2020. Đặc biệt, phù hợp với điều kiện dạy và học trong các nhà trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngành giáo dục đã có điều chỉnh tinh giản về chương trình, vừa bảo đảm mục tiêu căn bản mà giáo dục phổ thông đặt ra vừa hỗ trợ tốt cho các mục tiêu khác, trong đó có tuyển sinh đại học.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT). |
Ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh, mục đích và bản chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 là đánh giá trên diện rộng, để đánh giá mức độ đáp ứng chuẩn kiến thức, kỹ năng đang được quy định bởi chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
“Kết quả đào tạo này được sử dụng vào nhiều mục tiêu, đầu tiên là xét tốt nghiệp THPT. Thứ 2 là mục tiêu lớn về công tác quản lý Nhà nước về điều chỉnh quá trình dạy học và quản lý giáo dục trong các nhà trường, tại các địa phương. Thứ 3 là các mục tiêu khác, trong đó có việc đảm bảo để hóc sinh sau khi tốt nghiệp THPT có thể bước vào cuộc sống hoặc học lên cao hơn”, ông Mai Văn Trinh nói.
Ngày 7/5, Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi tham khảo và đến nay, phản ứng từ phía các học sinh và nhà trường rất tích cực. Nội dung của đề thi chính thức tốt nghiệp THPT 2020 sẽ rất sát với đề tham khảo. Như vậy, các trường, các học sinh có thể yên tâm để dạy và học. Về mặt nội dung, đề thi nằm trong khuôn khổ chương trình phổ thông, chủ yếu là lớp 12. Những nội dung đã tinh giản, không dạy không học sẽ không đưa vào đề thi.
Bên cạnh đó, đề thi cũng đảm bảo độ phân hóa khá tốt. Qua ý kiến phân tích từ các trường ĐH, thì đề thi này hỗ trợ cho phần lớn các trường trong công tác tuyển sinh, kể cả với các trường đặc thù, các trường tuyển sinh điểm cao…
Để giảm tải công tác tuyển sinh và giảm bớt các nguy cơ tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, quá trình sàng lọc trong khi đào tạo mang tính chất căn cứ, cốt lõi và nó liên hệ với những giải pháp khác, trong đó có tính tự chủ của các nhà trường và kiểm soát chất lượng sẽ thực hiện lâu dài.
Công tác tuyển sinh đi theo tinh thần tự chủ, theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ đảm bảo tổ chức một kỳ thi để đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra phù hợp với chương trình. Và dựa trên kết quả này, các trường Đại học, Cao đẳng… sẽ chủ động tuyển sinh, để việc đổi mới tuyển sinh không làm khó các trường và đặc biệt không lặp lại những mô hình tuyển sinh đã trải qua.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm gián đoạn, thay đổi kế hoạch của ngành giáo dục, trong đó có vấn đề tuyển sinh. Theo đó, gây ra những khó khăn nhất định cho các cơ sở giáo dục đại học.
“Năm ngoái, các cơ sở đại học đã cử 50.000 giảng viên về các địa phương tham gia các công tác đảm bảo cho kỳ thi. Nhưng năm nay, các cơ sở GD-ĐT chỉ tham gia chủ yếu công thanh tra, kiểm tra… nhằm đảm bảo nghiêm túc, an toàn… đóng góp thành công cho kỳ thi và tuyển sinh năm 2020. Quy chế tuyển sinh năm 2020 tính theo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung, theo đó các trường Đại học có quyền tự chủ cao, đồng nghĩa với trách nhiệm cao”, ông Phúc cho biết.
Quy chế TS 2020 đã bổ sung quy định cụ thể về điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng với các trường tổ chức thi các môn văn hóa, thi đánh giá năng lực... Theo đó, các cơ sở đào tạo đại học muốn tổ chức thi riêng cần có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh; Bảo đảm nhân lực đáp ứng các yêu cầu về năng lực quản lý và chuyên môn để tổ chức tốt kỳ thi riêng, bao gồm từ lãnh đạo bộ phận chuyên trách, cán bộ xây dựng cấu trúc đề thi, cán bộ phát triển câu hỏi và ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa và/hoặc tự luận, cán bộ chấm thi, cán bộ đánh giá, thẩm định các tham số của câu hỏi thi và đề thi, đến các cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên.
Các trường cũng phải có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và/hoặc tự luận đủ lớn để xây dựng đề thi cho việc tổ chức thi trong mỗi lần thi; Phải ban hành quy chế thi tuyển sinh của trường gồm quy trình tổ chức và các quy định liên quan; Có đề án tổ chức thi tuyển sinh; Có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo số lượng, chất lượng phù hợp với quy mô, hình thức tổ chức thi.
Với những điều kiện trên, những cơ sở đào tạo đã có kinh nghiệm tổ chức thi đánh giá năng lực, thi văn hóa, năng khiếu… để tuyển sinh hoặc đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tuyển sinh riêng năm nay hoàn toàn có thể đáp ứng được./.
Điều kiện để các trường tổ chức thi tuyển sinh năm 2020
Từ khóa: thi tốt nghiệp THPT 2020, thi THPT 2020, đề thi tham khảo 2020, tuyển sinh 2020, thi đại học 2020
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN