Học sinh Điện Biên bớt "sợ" học ngoại ngữ do thầy cô đổi mới cách dạy
Cập nhật: 07/10/2019
VOV.VN - Hiện nay đa số các em học sinh trong trường đều không còn e dè, sợ sệt khi đến giờ học tiếng Anh nữa.
Ngoại ngữ từ lâu vẫn được xem là môn học khó đối với học sinh vùng cao, đặc biệt là đối với học sinh dân tộc còn nhiều khó khăn, khi các em phải học cùng lúc 3 thứ tiếng (tiếng mẹ đẻ, tiếng phổ thông và tiếng Anh).Điều này khiến chất lượng của môn ngoại ngữ ở các tỉnh miền núi thường không cao. Do đó việc đổi mới phương pháp dạy và học tiếng Anh là việc làm thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Việc thiếu nhiều điều kiện về cơ sở vật chất như phòng Lab chuyên biệt, các trang thiết bị hỗ trợ nghe, nhìn vẫn là thách thức không nhỏ đối với việc dạy học tốt ngoại ngữ ở vùng cao. |
"Ngoài giờ dạy học sinh trên lớp, chúng tôi có thành lập các câu lạc bộ tiếng Anh cho các em học sinh ở trường. Sinh hoạt 2 buổi/tuần hoặc 2 lần/tháng. Chúng tôi còn có câu lạc bộ đọc sách, câu lạc bộ đọc truyện, câu lạc bộ hát tiếng Anh và câu lạc bộ nói tiếng Anh nữa. Việc học tiếng Anh quan trọng nhất ban đầu là giao tiếp. Tôi đã chú trọng, nhấn mạnh dạy các em giao tiếp. Bước đầu tôi nói những câu đơn giản, ngắn gọn, dịch lại bằng tiếng Việt. Sử dụng một vài lần thìcác khẩu lệnh đơn giản trong lớp học các em đã nắm được và đã hiểu cô giáo nói gì".
Đó là những chia sẻ về cách làm, phương pháp dạy học ngoại ngữ mới mà các giáo viên tổ ngoại ngữ của Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 1 Mường Báng, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đang áp dụng để đổi mới phương pháp dạy học tiếng Anh cho 100% học sinh dân tộc của nhà trường.
Cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh, giáo viên bộ môn ngoại ngữ cho biết, học sinh của trường thường chủ yếu là dân tộc Thái và Mông, nhiều em còn gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, chưa nói đến việc tiếp thu và học tập tốt môn tiếng Anh. Do đó để có kết quả như ngày hôm nay, trong nhiều năm qua bản thân từng giáo viên ngoại ngữ ngoài việc tự trau dồi về phương pháp dạy học từ bạn bè đồng nghiệp, còn phải tham khảo trên các diễn đàn, những bài giảng trên mạng xã hội, sử dụng mạng Internet để tìm nguồn video tranh ảnh phù hợp, sinh động giúp các em dễ tiếp thu bài học.Từ đó đổi mới cách học bằng việc xây dựng nên các cây từ vựng theo chủ điểm đối với tất cả các lớp, làm các khẩu hiệu song ngữ đơn giản ngoài sân trường, các cây xanh và trên các bức tường để mỗi lần các em đến trường, mỗi lần các em vui chơi, học tập đều bắt gặp các biển, các khẩu hiệu song ngữ.
Cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh cho biết sau khi sử dụngcác khẩu lệnh đơn giản trong lớp học các em đã nắm được và đã hiểu cô giáo nói gì. |
Bên cạnh đó là việc lồng ghép việc tuyên truyền cho các em học sinh hiểu về tầm quan trọng của ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh trong giai đoạn hiện nay "Từ khi chúng tôi áp dụng các phương pháp mới thì học sinh cảm thấy hứng thú hơn. Các em ra đường chào thầy cô giáo bằng tiếng Anh, giao tiếp bằng tiếng Anh, đến lớp thì các cháu rất thích hát các bài hát bằng tiếng Anh. Các cháu thấy thích thú với môn học này hơn", cô Vân Anh cho biết.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 1 Mường Báng cho biết, với sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy ngoại ngữ, hiện nay đa số các em học sinh trong trường đều không còn e dè, sợ sệt khi đến giờ học tiếng Anh nữa. Thay vào đó các em đã hứng thú hơn với môn học, nhất là khi được chơi các trò chơi. Rõ nét nhất là kết quả học tập ngoại ngữ năm học vừa qua của nhà trường, tỷ lệ học sinh có kỹ năng phát âm tốt lên đến 97%.
Tuy nhiên hiện nay việc còn thiếu nhiều điều kiện về cơ sở vật chất như phòng Lab chuyên biệt, các trang thiết bị hỗ trợ nghe, nhìn vẫn là thách thức không nhỏ đối với việc dạy học tốt ngoại ngữ của nhà trường; cũng là tình trạng chung ở hầu hết các trường vùng cao khác còn nhiều khó khăn.
"Với sự tâm huyết, nhiệt tình của đội ngũ giáo viên, đưa phương pháp mới vào giảng dạy, việc học ngoại ngữ trong nhà trường đã có những bước tiến vượt bậc. Các con đã mạnh dạn, tự tin, có kỹ năng nghe nói, đọc viết tốt. Tuy nhiên khi thực hiện đề án ngoại ngữ, nhà trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Các phương tiện hỗ trợ kỹ năng nghe nói cho học sinh thì còn thiếu nhiều. Chúng tôi mong các cấp, ngành quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, các phương tiện hỗ trợ phục vụ để việc học ngoại ngữ của học sinh được tốt hơn", cô Nhàn nói.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm chuyên biệt với dữ liệu số đa dạng sau đó lồng ghép thành các phương pháp dạy học mới đã giúp cho tiếng anh không còn trở nên khô khan, có kết quả học tập tốt đối với cô và trò của Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 1 Mường Báng nói riêng. Tuy nhiên để cách làm hay này đạt tối đa hiệu quả và lan tỏa được rộng rãi, thì như lời tâm sự của hầu hết giáo viên ngoại ngữ tại đây, đầu tiên vẫn cần có sự đầu tư chuyên biệt về cơ sở vật chất, các phương tiện hỗ trợ phục vụ tốt cho việc học ngoại ngữ của học sinh đặc thù vùng cao./.
Ngoại ngữ hạn chế, nhân lực công nghệ Việt Nam gặp nhiều thách thức
Từ khóa: trung tâm ngoại ngữ, dạy học ngoại ngữ, cách học ngoại ngữ, dạy ngoại ngữ cho học sinh dân tộc thiểu số, mường báng
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN