Học phí Đại học, trường nghề sẽ tăng thế nào?

Cập nhật: 29/08/2021

[VOV2] - Theo quy định tại nghị định 81/2021/NĐ-CP, kể từ năm học 2022-2023 học phí đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, năm học 2021-2022, học phí đại học vẫn áp dụng theo mức cũ.

Năm học 2022-2023, học phí đại học công lập chưa tự chủ cao nhất 2.450.000/tháng

Theo quy định tại nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT, mức trần học phí năm học 2021 - 2022 đối với các ngành đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học công lập không tăng và được áp dụng bằng mức trần học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập do Nhà nước quy định áp dụng cho năm học 2020 - 2021.

Tuy nhiên, mức trần học phí năm học 2022-2023 đến năm học 2025 - 2026 đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên được quy định tại Nghị định 81 như sau:

So với mức trần học phí năm 2021-2022, nhóm ngành Y dược có mức tăng cao nhất (1 triệu 20 nghìn đồng). Tăng ít nhất là nhóm ngành Nghệ thuật (tăng 30 nghìn đồng).

Những năm tiếp theo mức trần học phí cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ tăng từ 12,5% đến 13% mỗi năm.

Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.  

Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.

Đối với chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học công lập đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định hoặc đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tương đương, Nghị định 81 quy định, cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội.

Mức trần học phí đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở giáo dục đại học công lập được xác định bằng mức trần học phí đào tạo đại học nhân hệ số 1,5 đối với đào tạo thạc sĩ, nhân hệ số 2,5 đối với đào tạo tiến sĩ tương ứng với từng khối ngành đào tạo của từng năm học theo các mức độ tự chủ.

Mức học phí đào tạo hình thức vừa làm vừa học; đào tạo từ xa được xác định trên cơ sở chi phí hợp lý thực tế với mức thu không vượt quá 150% mức thu học phí so với hệ đào tạo chính quy tương ứng.

Trường hợp học trực tuyến (học online), cơ sở giáo dục đại học xác định mức thu học phí trên cơ sở chi phí phát sinh thực tế hợp lý, tối đa bằng mức học phí của cơ sở giáo dục đại học tương ứng từng khối ngành theo mức độ tự chủ.

Mức học phí đối với các chương trình giáo dục thường xuyên; dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cấp chứng chỉ, chứng nhận phù hợp với ngành, lĩnh vực đào tạo của mỗi cơ sở theo quy định của pháp luật được các cơ sở giáo dục chủ động tính toán, quy định mức thu theo sự đồng thuận giữa người học và cơ sở giáo dục, bảo đảm tính công khai, minh bạch và giải trình với người học, xã hội.

Về học phí đào tạo đại học tính theo tín chỉ, mudun được xác định căn cứ vào tổng thu học phí của toàn khóa học theo nhóm ngành, nghề đào tạo và tổng số tín chỉ, mô-đun toàn khóa theo công thức dưới đây:

Tổng học phí toàn khóa = mức thu học phí 1 sinh viên/1 tháng X 10 tháng X số năm học, bảo đảm nguyên tắc tổng học phí theo tín chỉ của chương trình đào tạo tối đa bằng tổng học phí tính theo niên chế.

Trường hợp học quá thời hạn quy định của chương trình đào tạo, học phí tín chỉ áp dụng từ thời điểm quá hạn được xác định lại trên cơ sở thời gian học thực tế trên nguyên tắc bù đắp chi phí và thực hiện công khai, giải trình với người học.

Trường hợp đào tạo bằng tốt nghiệp thứ 2 trình độ đại học, người đóng học phí của các tín chỉ thực học theo chương trình đào tạo.

Trường nghề công lập tự đảm bảo chi thường xuyên được phép thu học phí cao gấp 2 lần

Đối với giáo dục nghề nghiệp, năm học 2021-2022, mức trần học phí vẫn áp dụng như năm học 2020-2021. Tuy nhiên, mức trần học phí từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 – 2026 sẽ được điều chỉnh.

Cụ thể, đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, căn cứ danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ cao đẳng, trung cấp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định, mức trần học phí được xác định theo định mức kinh tế - kỹ thuật và được tính theo lộ trình đến năm học 2025 - 2026. Mức trần học phí như sau:

Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Mức học phí tối đa không quá 2 lần so với mức học phí cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.

Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Được chủ động xây dựng và quyết định mức học phí theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản khác có liên quan.

Đối với các chương trình đào tạo chất lượng cao (kể cả chương trình chuyển giao từ nước ngoài đối với giáo dục nghề nghiệp) các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động quyết định mức học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật bảo đảm đủ bù đắp chi phí đào tạo, có tích luỹ và thực hiện việc công khai trước khi tuyển sinh.

Riêng mức học phí đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học; đào tạo từ xa được xác định trên cơ sở chi phí hợp lý thực tế với mức thu không vượt quá 150% mức học phí của hệ đào tạo chính quy tương ứng.

Mức học phí của các ngành, nghề đào tạo theo hình thức học trực tuyến (học online), cơ sở giáo dục nghề nghiệp xác định trên cơ sở chi phí hợp lý thực tế, tối đa bằng mức học phí của các ngành, nghề đào tạo theo hình thức đào tạo trực tiếp.

Mức học phí đối với các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo kỹ năng và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn khác do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động xây dựng và quy định mức thu theo sự đồng thuận giữa người học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình với người học, xã hội.

Đối với học phí giáo dục nghề nghiệp tính theo tín chỉ, mudun được xác định căn cứ vào tổng thu học phí của toàn khóa học theo nhóm ngành, nghề đào tạo và tổng số tín chỉ, mô-đun toàn khóa theo công thức dưới đây:

Tổng học phí toàn khóa = mức thu học phí 1 sinh viên/1 tháng X 10 tháng X số năm học, bảo đảm nguyên tắc tổng học phí theo tín chỉ của chương trình đào tạo tối đa bằng tổng học phí tính theo niên chế.

Trường hợp học quá thời hạn quy định của chương trình đào tạo, học phí tín chỉ áp dụng từ thời điểm quá hạn được xác định lại trên cơ sở thời gian học thực tế trên nguyên tắc bù đắp chi phí và thực hiện công khai, minh bạch với người học;

Trường hợp học văn bằng 2 chỉ phải đóng học phí của các tín chỉ, mô-đun thực học theo chương trình đào tạo.

Nghị định 81 năm 2021 của Chính Phủ cũng quy định, học phí được thu định kỳ hàng tháng. Nếu người học tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học. Đối với cơ sở giáo dục thường xuyên, đào tạo thường xuyên và các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, học phí được thu theo số tháng thực học.

Đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, học phí được thu tối đa 9 tháng/năm. Đối với cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp học phí được thu tối đa 10 tháng/năm.

Trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng thì học phí được thu theo số tháng học thực tế (bao gồm cả thời gian tổ chức dạy học trực tuyến hoặc bố trí thời gian học bù tại trường); không thu học phí trong thời gian không tổ chức dạy học.

Mức thu học phí đảm bảo nguyên tắc theo số tháng thực học và chi phí phát sinh cần thiết để tổ chức dạy học nhưng không vượt quá tổng thu học phí tính theo số tháng tối đa của 01 năm học (tối đa 9 tháng/năm đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và tối đa 10 tháng/năm đối với cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp) và công khai từ đầu năm học trong các cơ sở giáo dục. 

Từ khóa: học phí đại học, học phí trường nghề, lộ trình học phí, tín chỉ, Nghị định 81 Chính phủ

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập