Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phong trào khởi nghiệp
Cập nhật: 06/12/2019
Biện pháp nào để chấm dứt hành vi mua bán, sử dụng pháo nổ trái phép (22/1/2025)
Nông dân Lai Châu vươn lên làm giàu với dược liệu quý trên rừng (22/1/2025)
VOV.VN - Hiện hành lang pháp lý về gọi vốn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa thực sự rõ ràng, việc tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm còn khó khăn.
Chiều nay 2/12), tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn khởi nghiệp quốc gia lần thứ 4 với chủ đề "Hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp". Diễn đàn có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý, các chuyên gia, doanh nhân có nhiều năm trong lĩnh vực khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển và vươn ra quốc tế. Theo một khảo sát của mạng lưới kết quả toàn cầu, trong số 60 quốc gia tham gia khảo sát, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới.
Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm. |
Tuy nhiên, khả năng hiện thực các ý tưởng sáng tạo thì thuộc 20 nhóm cuối cùng. Điều này cho thấy, có khoảng cách quá lớn giữa ý chí và hành động cụ thể . Do đó, chúng ta cần nhiều hơn sự hỗ trợ của thể chế, chính sách để tiến gần hơn tới việc hiện thực hóa ước mơ của những người khởi nghiệp trẻ.
Chỉ ra những khó khăn của các doanh nghiệp khởi nghiệp, bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Misa cho rằng, những doanh nghiệp khởi nghiệp thường là những sinh viên mới ra trường, mặc dù họ có nhiều đam mê và hoài bão song lại thiếu nhiều kinh nghiệm cũng như là nguồn lực của mình.
“Các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó khăn đó là về không quản lý được vốn, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc đầu tư. Cùng với đó khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng vì chưa biết ứng dụng các công cụ về marketing tự động, công cụ quản trị bán hàng…” - bà Đinh Thị Thúy nói.
Các đại biểu cho rằng, hiện hành lang pháp lý về quy định về gọi vốn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa thực sự rõ ràng. Các tiêu chí về định giá về doanh nghiệp khởi nghiệp chưa sắc nét; việc tiếp cận các Quỹ đầu tư mạo hiểm còn gặp nhiều khó khăn…
Do đó, yêu cầu đặt ra nhằm tạo sức bật cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đó là phải có hành lang pháp lý rõ ràng, cũng như về các tiêu chí, cách thức để định giá được các ý tưởng khởi nghiệp. Cùng với đó là nên tập trung cho việc nghiên cứu phát triển sản phẩm để tăng tỷ lệ thành công cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thay cho việc hỗ trợ các doanh nghiệp.
Theo ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học - công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ tại Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia lần thứ 4, khởi nghiệp mà đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế.
Vì vậy, để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể phát triển và trở thành các doanh nghiệp trưởng thành với đóng góp thiết thực cho nền kinh tế thì cần thiết phải phát triển và hình thành hệ sinh thái cho khởi nghiệp sáng tạo, tạo ra sự liên kết, kết nối và nâng cao năng lực của các chủ thể khác, hướng tới hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Ông Trần Xuân Đích cũng cho biết, về chính sách hỗ trợ của nhà nước, để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Khoa học công nghệ đã phối hợp và tham mưu xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các băn bản hướng dẫn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí đất, quy hoạch hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, quy hoạch chi tiết về việc thành lập quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo…
“Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung vào xây dựng phát triển Mạng lưới kết nối khởi nghiệp ở quy mô quốc gia và quốc tế; thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo trên toàn quốc, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển; liên kết với viện nghiên cứu, trường đại học để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hình thành tài sản trí tuệ để tự tin bước ra thị trường toàn cầu. Chúng ta cùng hợp tác để xây dựng và phát triển những starup hàng đầu hướng tới giải quyết các vấn đề xã hội, tạo ra những tác động tích cực cho xã hội ở tầm quốc gia, khu vực, trên thế giới mà đồng thời vẫn phát huy văn hóa bản địa” - ông Trần Xuân Đích nói.
Cũng tại diễn dàn, các đại biểu cùng thảo luận và đưa ra các giải pháp về các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp từ thực tiễn địa phương; Thúc đẩy khởi nghiệp trong các trường đại học; hoàn thiện môi trường để doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển cũng như huy động vốn từ các tổ chức trong nước và quốc tế…/.
Thủ tướng dự Hội nghị Thượng đỉnh về khởi nghiệp ASEAN-Hàn Quốc
Từ khóa: khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN