Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng do Covid 19
Cập nhật: 19/01/2021
Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa (30/11/2024)
Những dự án mới kích cầu du lịch xuân Ất Tỵ 2025 tại thành phố HCM (29/11/2024)
[VOV2] - Những biện pháp mà Việt Nam thực thi trong thời gian qua đã và đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả dù vẫn gặp khó khăn.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang phải đối phó với làn sóng Covid-19 từ biến thể mới, Việt Nam vẫn duy trì được hiệu quả trong công tác chống dịch. Điều này đã và đang tạo nên sự tin tưởng của người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp vẫn chưa được như kỳ vọng. Tính đến ngày 27/11/2020 mới chỉ có 75 doanh nghiệp được vay từ gói hỗ trợ 16 nghìn tỷ đồng để trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch. Trong khi đó, tính đến hết tháng 11/2020 đã có tới 44 nghìn doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và rời khỏi thị trường, kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hàng chục triệu người. Lĩnh vực du lịch là một trong những ngành chịu tác động nhiều nhất, như chia sẻ của ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khi có khoảng 90% lao động trong các doanh nghiệp du lịch nghỉ việc hoặc tạm nghỉ, 50 % người lao động thất nghiệp hoàn toàn. Hiện chỉ có khoảng 5% số doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ du lịch đang cố gắng cầm cự để có việc làm cho người lao động.
Do ảnh hưởng của dịch Covid 19, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng nhưng vẫn cố gắng duy trì mức lượng cho người lao động. Bên cạnh việc cố gắng duy trì lực lượng lao động để chuẩn bị cho quá trình phục hồi, đây cũng là cách các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội của mình trước những vấn đề khó khăn của đất nước.
Doanh nghiệp và người lao động cũng có sự gắn kết, cùng nhau chung tay vượt qua khó khăn. Nhiều nơi, người lao động tự nguyện giảm một phần thu nhập để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, dù rất khó khăn với các mặt hàng truyền thống nhưng doanh nghiệp vẫn ưu tiên trả lương cho người lao động, chấp nhận khấu hao thiết bị không đầy đủ và thiếu nhiều chi phí quản lý.
Các thành phần kinh tế khác như hợp tác xã cũng phải đối mặt với tác động của dịch bệnh. Bà Vàng Thị Cầu, Tổ trưởng tổ Marketing, hợp tác xã Lanh trắng Đồng Văn, Hà Giang cho biết, từ khi thành lập HTX đến nay, chưa khi nào gặp khó khăn đến vậy. Nguồn vốn dự phòng rủi ro đã phải rút hết để hỗ trợ cho xã viên. Cho đến bây giờ doanh nghiệp vẫn trụ được mà không phá sản là điều may mắn. Nếu không được Hội Liên hiệp Phụ nữ hỗ trợ thì không biết sẽ vượt qua như thế nào. Trong thời gian tới, hợp tác xã mong có thêm những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động để họ yên tâm làm việc.
Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với đại dịch COVID-19 của nước ta trong thời gian qua dù chưa thực sự như kỳ vọng, nhưng đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Chính vì thế, trong giai đoạn tới, sự hỗ trợ của Chính phủ cần đi vào thực chất, trực tiếp đối với doanh nghiệp và người lao động sẽ mang hiệu quả tốt hơn./.
Từ khóa: hỗ trợ doanh nghiệp, khó khăn trong sản xuất, gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động.
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2