Ngành du lịch châu Âu "biến nguy thành cơ" sau Covid-19
VOV.VN - Các điểm đến hàng đầu châu Âu như Amsterdam, Barcelona, Prague coi đại dịch Covid-19 là cơ hội tái thiết ngành du lịch theo hướng "tăng về chất, giảm về lượng".
"Hộ chiếu vaccine" chưa giúp du lịch châu Âu phục hồi
Cập nhật: 08/09/2021
VOV.VN - Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, cùng sự chồng chéo về thủ tục đi lại ở các nước châu Âu khiến cho ngành du lịch khu vực này phục hồi chậm chạp.
Sự phục hồi khiêm tốn
Theo công bố mới nhất của ForwardKeys, số chuyến bay quốc tế đến các điểm đến châu Âu trong tháng 7 và tháng 8 đạt 39,9% mức trước đại dịch. Kết quả này có vẻ tốt hơn con số 26,6% của năm 2020, tuy nhiên đó là khi hàng loạt điểm đến đóng cửa và các loại chứng nhận vaccine chưa được triển khai. Lượng đặt phòng chậm lại vào cuối giai đoạn mùa hè, khiến cho sự phục hồi của ngành du lịch châu Âu càng khó khăn.
Hồi tháng 7, Ủy ban Du lịch châu Âu dự báo khách quốc tế đến châu Âu cả năm 2021 chỉ bằng một nửa so với năm 2019, vì ít khả năng đón khách từ các thị trường Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Trước đại dịch, mỗi năm có tới 15 triệu lượt du khách từ Mỹ đến châu Âu. Sự vắng mặt của thị trường xa khiến những nơi phụ thuộc vào dòng khách này như Pháp và Italy phục hồi chậm chạp. Những vị khách từ châu Á thường lưu lại dài ngày, chi tiêu nhiều và tập trung tại các thành phố lớn tại châu Âu.
Dữ liệu của ForwardKeys cho thấy Hy Lạp là nơi ngành du lịch phục hồi tốt nhất tại châu Âu, với lượng khách tháng 7 và tháng 8 đạt 86% cùng kỳ năm 2019. Tiếp theo là Síp (64,5%), Thổ Nhĩ Kỳ (62,0%) và Iceland (61,8%). Hy Lạp và Iceland là một trong những quốc gia đầu tiên mở cửa đón khách quốc tế, với yêu cầu về tiêm đủ vaccine Covid-19, xét nghiệm PCR âm tính hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh.
Trong khi đó, ngành du lịch Anh chỉ đón khách ở mức 14,3% so với năm 2019, do các chính sách hạn chế du lịch quốc tế nghiêm ngặt và bất định của nước này. Thủ đô nước Anh – London cũng đứng cuối cùng trong bảng thống kê mức độ phục hồi du lịch tại các thành phố du lịch châu Âu mùa hè 2021, với 14,2%. Đứng đầu bảng thống kê này là thành phố nghỉ dưỡng biển Palma Mallorca (Tây Ban Nha) đạt 71,5% năm 2019 và Athens (Hy Lạp) với 70,2%.
Ông Olivier Ponti – đại diện công ty ForwardKeys cho rằng, nếu so với những thiệt hại khủng khiếp của mùa hè 2020 thì du lịch châu Âu hè năm nay chỉ phục hồi rất khiêm tốn. "Các chuyến bay quốc tế chỉ đạt dưới 40% mức bình thường, điều này gây thiệt hại lớn cho ngành hàng không. Sự vắng mặt kéo dài của du khách đường dài, đặc biệt là từ châu Á (chỉ đạt 2,5% so với mùa hè trước đại dịch) sẽ tiếp tục giáng đòn mạnh vào ngành du lịch một số nước châu Âu".
Chứng nhận Covid-19 chưa đạt hiệu quả
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cảnh báo việc đi lại tự do trong châu Âu đang gặp khó khăn, do các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) không thống nhất các quy định kiểm soát Covid-19 với du khách quốc tế. Không chỉ làm du khách và doanh nghiệp du lịch lúng túng, việc này khiến cho những lợi ích, sự thuận tiện và phục hồi kinh tế đều không đạt được như kỳ vọng.
Nghiên cứu của IATA chỉ ra những khác biệt đáng kể trong cách các nước EU kiểm tra du khách nước ngoài. Hiện nay, đa số các nước EU sử dụng loại chứng nhận Covid-19 có tên "EU Digital COVID certificate" (EUDCC). Tuy nhiên trong số đó, 30% không chấp nhận test nhanh Covid-19, 19% không miễn xét nghiệm cho trẻ em, 41% không đón khách từ các quốc gia ngoài danh sách cho phép của EU, dù họ đã tiêm chủng đầy đủ.
Sự phức tạp cũng thể hiện ở các biểu mẫu nhập cảnh và thủ tục dành cho khách du lịch. 45% quốc gia chấp nhận biểu mẫu trực tuyến, trong khi 33% chấp nhận song song bản cứng và trực tuyến. 11% chỉ chấp nhận bản cứng và hơn 11% không quy định biểu mẫu nào. Đó là chưa kể những quy định tại Pháp, Italy về chứng nhận Covid-19 để được phép vào các địa điểm văn hóa, du lịch, nhà hàng, vui chơi giải trí… hay quy định về hạn sử dụng chứng nhận tiêm chủng trong 270 ngày mới được áp dụng tại Áo và Croatia.
Ông Rafael Schvartzman - Phó Chủ tịch Khu vực châu Âu của IATA cho rằng các quốc gia châu Âu phải hợp tác và thống nhất về thủ tục đi lại: "Những nỗ lực triển khai chứng nhận EUDCC đang bị lãng phí bởi hàng loạt các quy trình chồng chéo. Làm sao du khách có thể tự tin đi du lịch khi các quy định quá khác nhau giữa các quốc gia EU? Họ không thể biết chắc liệu con cái mình có phải xét nghiệm hay không, hoặc họ sẽ phải làm biểu mẫu nào, trên giấy hay online hay không làm gì cả".
Tổ chức ForwardKeys nêu ví dụ, Bồ Đào Nha là điểm đến yêu thích của du khách Anh nhưng lượng khách sụt giảm sau khi Anh chuyển Bồ Đào Nha từ màu xanh sang màu hổ phách vào tháng 6. Vào tháng 7, Chính phủ Anh bất ngờ yêu cầu du khách đến từ Pháp sẽ phải tự cách ly trong 10 ngày, khiến ngành du lịch Pháp tức giận. Tương tự, ngành du lịch Tây Ban Nha lập tức bị ảnh hưởng vào cuối tháng 7, khi Đức khuyến cáo công dân không nên đến Tây Ban Nha trừ mục đích thiết yếu.
Theo đại diện IATA, mùa hè vừa qua tại châu Âu cho thấy một chứng nhận Covid-19 như EUDCC là chưa đủ để phục hồi ngành du lịch. Các quy trình liên quan cũng cần phải được hài hòa, thông suốt và không có tình trạng lộn xộn; vì du khách cần sự chắc chắn cho kế hoạch du lịch của mình./.
Từ khóa: Hộ chiếu vaccine, ngành du lịch châu Âu, thủ tục đi lại, các nước châu Âu, phục hồi chậm chạp, dịch Covid-19
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN