Hình thành thói quen đọc sách cho bé

Cập nhật: 23/03/2021

[VOV2] - Con trẻ thường thích những món đồ chơi hấp dẫn và sinh động… Vậy thì với những cuốn sách thú vị, làm thế nào để bé cũng cảm thấy hiếu kỳ và muốn khám phá? Giúp bé hình thành thói quen đọc sách có khó không?

TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh - người sáng lập - chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con khẳng định: “Sách có vai trò quan trọng trong việc hình thành ngôn ngữ và tư duy của trẻ, những cuốn sách đầu đời của trẻ là cớ để kích thích thao tác tư duy ở trẻ. Sách cũng là nơi để cung cấp kiến thức, khuyến khích con tìm hiểu thế giới xung quanh, đặc biệt, những đứa trẻ tiền tiểu học sẽ thu hoạch được bộ giá trị về tình cảm mẹ con, gia đình, tình bạn”.

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, khi bé lớn hơn một chút mới có thể cho các bé làm quen với sách, tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thụy Anh, các bé có thể tiếp cận với sách càng sớm càng tốt: “Cuốn sách đầu đời cũng giống như những món đồ chơi ban đầu, khi con trong bụng mẹ, mẹ đọc cho con nghe, tạo cảm xúc bình ổn, gắn bó giữa mẹ và con. Bé được 3-4 tháng tuổi, cha mẹ sẽ bắt đầu mua những cuốn sách phù hợp cho bé. Hiện nay, có những loại sách an toàn cho các bé như sách vải”. 

Đọc sách trong gia đình là một phương thức hiệu quả giúp hình thành thói quen đọc sách cho các bé. Vì vậy,  “bố mẹ bắt đầu chuẩn bị cho con một tủ sách từ khi bé còn chưa ra đời. Trong nhà cần có một không gian để con có thể chơi với sách. Trước khi mua mỗi cuốn sách, chúng ta hãy tưởng tượng rằng, chúng ta đọc nó như thế nào cho con”- theo TS Thụy Anh.

Vậy chúng ta có thể coi đọc sách cùng con như một trò chơi được không? Và cha mẹ làm thế nào để khiến việc đọc sách với bé luôn là một trò chơi thú vị? “Khi con biết nói, bố mẹ có thể đọc sách cho con nghe, không cần đọc toàn bộ, bé hứng thú với chi tiết nào, với điều gì thì bố mẹ kể về câu chuyện đó. Mỗi chi tiết, hình ảnh trong sách đều trở thành chủ đề trò chuyện với con. Cách đọc sách cho trẻ nhỏ linh hoạt, cũng có bé thích đọc đi đọc lại một cuốn sách nào đó mình thích. Bố mẹ có thể lựa chọn dừng ở các chi tiết trong mỗi lần đọc khác nhau để khai thác sâu hơn, cung cấp cho con nhiều hơn những kiến thức về cuộc sống hoặc kiến thức về ngôn ngữ... Ngoài ra có thể xen kẽ các hoạt động tương tác, bằng thơ, bằng âm nhạc, lời hát tùy vào sở thích của bé. Đọc sách cho con là lý do để bố mẹ có thể thỏa sức sáng tạo, có chủ đề trò chuyện với con và có cả sự hứng khởi để giao lưu cùng con”.

Và cha mẹ nên dành thời gian ra sao cho hoạt động này? Bố mẹ nên dành thời gian nhất định khoảng 5-10 phút trong ngày để đọc sách cùng con, trò chuyện về một chủ đề, một câu chuyện nào đó. Khi trẻ thấy hơi mệt thì nên tạm dừng việc đọc sách, nên dừng vào lúc con cảm thấy vui vẻ, dễ chịu nhất. Đặc biệt là khi đọc sách vào buổi tối, nên tránh những câu chuyện có các chi tiết căng thẳng, tạo cảm xúc tiêu cực, sợ hãi quá mức”- TS Nguyễn Thụy Anh tư vấn.

Việc đọc sách với con sẽ mang lại hiệu quả nếu cha mẹ thực hiện nó với niềm hứng khởi chứ không phải vì trách nhiệm hay vì một mục đích nào đó. Bố mẹ trải nghiệm hoạt động này, sẽ thu lại được rất nhiều niềm vui từ nụ cười, từ những câu chuyện và câu nói của con trong quá trình đọc sách và tương tác cùng bố mẹ. Và thông qua những câu chuyện trong sách, bố mẹ cũng sẽ giáo dục được nhiều kiến thức và kỹ năng phát triển cho con.

Nghe bài viết ngay dưới đây:

Từ khóa: trẻ em, thói quen, đọc sách, Câu lạc bộ đọc sách cùng con, TS Nguyễn Thụy Anh

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập