Hiệu trưởng đóng vai trò gì cho thành công của việc dạy trực tuyến?

Cập nhật: 04/09/2021

[VOV2] - Hội thảo “Hiệu trưởng với vai trò thúc đẩy sự sáng tạo và hiệu quả trong dạy học trực tuyến” do Mạng lưới Quản lý giáo dục Không biên giới tổ chức thu hút hơn 100 hiệu trưởng các trường phổ thông trên cả nước tham gia qua hình thức trực tuyến.

Chuyện từ một thầy hiệu trưởng ở An Giang

Thầy Trần Nguyễn Khái Hưng, Hiệu trưởng trường THPT Võ Thành Trinh, huyện Chợ Mới, An Giang kể câu chuyện của cá nhân song lại trở thành dấu ấn đặc biệt cho hội thảo.

Xuất phát từ một giáo viên dạy Toán, hơn ai hết, thầy Hưng hiểu vai trò của công nghệ trong giáo dục, đặc biệt trong xu hướng toàn cầu, trong xóa bỏ khoảng cách địa lý, trong nâng cao trình độ người thầy... Từ rất lâu, thầy Hưng đã tham gia các diễn đàn, các nhóm giáo viên để tự trang bị, cập nhật những ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện tốt những ý tưởng dạy học của bản thân.

Tháng 8/2019, biết thông tin Cộng đồng giáo viên sáng tạo thông báo về buổi chia sẻ kinh nghiệm của các thầy cô đã được tham gia diễn đàn thế giới của Microsoft tại thành phố Hồ Chí Minh, thầy Khái Hưng khi ấy ở vị trí hiệu trưởng đã thông báo tới toàn thể giáo viên trong trường. Và rồi một nhóm gồm 20 thầy cô, trong đó có một thầy giáo đã 59 tuổi cùng nhau lên thành phố tham gia buổi chia sẻ với niềm tin về sự thay đổi trong toàn trường.

Trở về, với tri thức và quyết tâm, các giáo viên một mặt hào hứng áp dụng thực hành, mặt khác lan tỏa, chia sẻ cùng các đồng nghiệp. Ngày hội đọc sách của nhà trường thời điểm đó cũng được áp dụng công nghệ, đã tạo cảm hứng lớn khi có một lớp học sinh đã tự tạo nhóm viết cảm nhận sách rồi chia sẻ trên mạng xã hội. Giáo án, bảng biểu, sổ chủ nhiệm, kiểm tra bài học sinh lần lượt được các thầy cô ứng dụng công nghệ làm giảm bớt công sức ghi chép thủ công hoặc in ấn quá nhiều và cũng khiến nhiều giờ học trở nên hứng thú hơn.

Thời điểm đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 tràn tới, chủ trương “dừng tới trường, không ngưng việc học” ngay lập tức được triển khai bài bản, khoa học ở trường huyện như THPT Võ Thành Trinh. “Chúng tôi vượt qua áp lực khi có công cụ hỗ trợ. Ban giám hiệu chúng tôi không bị căng thẳng và thầy cô thì thỏa sức sáng tạo trên nền kỹ thuật” - thầy hiệu trưởng Trần Nguyễn Khái Hưng cho biết.

Làm chủ dạy học trực tuyến thay vì rơi vào bị động

Không có nhiều trường phổ thông công lập có thể chủ động và bài bản trong việc triển khai dạy học trực tuyến như THPT Võ Thành Trinh khi dịch bệnh Covid-19 bất ngờ xảy ra. Để có được điều này rõ ràng có vai trò nhạc trưởng của thầy hiệu trưởng Trần Nguyễn Khái Hưng khi đón đầu xu hướng dạy học bằng công nghệ.

Việc triển khai học tập, ứng dụng công nghệ ở ngôi trường này không bắt nguồn từ yêu cầu cấp bách ứng phó dịch bệnh. Khi hiệu trưởng hiểu giá trị của công nghệ, hiểu sự kết nối mang tính hệ thống trong toàn bộ đội ngũ giáo viên có sức mạnh ra sao, sẽ phát huy sức sáng tạo thế nào sẽ chủ động tiếp cận với công nghệ.

Và khi các thầy cô thay đổi, tự mình ứng dụng và sáng tạo trong suốt quá trình giảng dạy, sức mạnh công nghệ sẽ mang lại kết quả giảng dạy vượt khỏi khuôn khổ giờ giảng. Đổi lại, học sinh sẽ được hưởng lợi.

Trong Hội thảo, bà Nguyễn Hồng Minh, người giữ vai trò thúc đẩy và phát triển các hoạt động của Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam dưới sự hỗ trợ từ chương trình giáo dục của Microsoft kể câu chuyện cô giáo Nguyễn Kim Dung, hiệu trưởng trường THCS Đông La ở Hà Nội, người đầu tiên tổ chức thành công buổi họp phụ huynh bằng hình thức trực tuyến khi nhiều trường học còn bối rối trước dịch bệnh Covid-19 đầu năm 2020. Điều này đã khiến toàn bộ xã của huyện Hoài Đức ngay sau đó buộc phải nghĩ tới phương án sử dụng hình thức trực tuyến trong những phần việc liên quan tới quá trình dạy và học.

Dạy học trực tuyến không thể là giải pháp tình thế

Trong vai trò người điều hành hội thảo, bà Chu Cẩm Thơ, người sáng lập Mạng lưới Quản lý giáo dục nêu câu hỏi: “Điều kiện để triển khai dạy học trực tuyến thành công gồm những gì?”. Có rất nhiều nguyên nhân được các chuyên gia và hiệu trưởng các nhà trường chỉ ra như: cơ sở hạ tầng thiết bị, cơ sở pháp lý tạo định hướng lâu dài, giáo viên được đào tạo và có kỹ năng sử dụng phần mềm, sự đồng thuận từ phụ huynh học sinh, quyết tâm trong đổi mới tư duy dạy học trực tuyến... Đặc biệt, vai trò của hiệu trưởng được nhắc tới ở hầu hết các ý kiến trả lời.

Bà Nguyễn Hồng Minh cũng lần lượt phân tích 5 nhóm yếu tố đem tới sự thành công cho việc dạy học trực tuyến. Trong đó, thực tế ở các địa phương chứng minh hành trình sáng tạo trong dạy học trực tuyến phải bắt nguồn từ việc giáo viên chịu học tập, rèn luyện và ứng dụng công cụ trong suốt quá trình giảng dạy.

Có thuần thục kỹ năng, người dạy mới có những sáng tạo. Và sẽ rất khó thành kĩ năng khi việc dạy học trực tuyến bị coi như giải pháp tình thế. Thầy cô vừa dạy trực tuyến đồng thời chờ công văn cho đi học từ cấp trên sẽ luôn trong trạng thái bị động. Điều này dẫn tới hệ quả tạm bợ, dạy cho có, dạy theo yêu cầu đủ số tiết trong suốt quá trình tổ chức dạy học trực tuyến - bà Hồng Minh chia sẻ.

“Loạn công cụ” cũng là điều được bà Hồng Minh lưu ý thêm thầy cô khi sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến. Lựa chọn và có chiến lược rõ ràng từ sớm cho giáo viên sẽ thuận lợi trên nhiều phương diện.

“Hiệu trưởng đem công nghệ tới giáo viên trong trường một cách bài bản, có chiến lược. Thầy cô trên cơ sở đó sáng tạo hơn, cá nhân hóa học sinh trong quá trình giảng dạy” - bà Chu Cẩm Thơ chia sẻ khi khép lại cuộc hội thảo hữu ích kéo dài suốt hơn 2 giờ đồng hồ trên nền tảng trực tuyến.
 

Từ khóa: giáo viên sáng tạo, dạy học trực tuyến, trực tuyến, Microsoft, Team 365, dạy học, giãn cách, Covid 19, hiệu trưởng, giáo dục

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập