Hiệu trưởng bị áp lực xây dựng trường học hạnh phúc là sai lầm
Cập nhật: 31/05/2022
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
[VOV2] - Nhiều hiệu trưởng luôn nghĩ mình phải có trách nhiệm xây dựng trường học hạnh phúc. Tuy nhiên nếu hiệu trưởng không hạnh phúc và bị áp lực phải xây dựng môi trường như vậy thì đó là một sai lầm.
Nhiều trở ngại khi xây dựng trường học hạnh phúc
Trường tiểu học Kơ Pa Kơ Lơng ở xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum có 393 học sinh, trong đó phần lớn là học sinh dân tộc Ba Na và Xơ Đăng. Thầy Phạm Quang Thiện, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, phần đa học sinh là con em công nhân, cha mẹ đi làm ăn xa ở các khu công nghiệp lớn tận Bình Dương, Đồng Nai. Nhiều gia đình gửi 2-3 con cho ông bà để đi làm ăn xa nên điều kiện chăm lo cho con em còn hạn chế. Chính vì vậy, thầy cô giáo đóng vai người cha người mẹ của các em.
“Muốn thu hẹp khoảng cách với các em thì giáo viên phải học tiếng nói của các em, hiểu biết phong tục nhưng việc luân chuyển giáo viên thường xuyên khiến một giáo viên trong thời gian ngắn khó để làm được điều đó. Xây dựng cơ sở vật chất môi trường học tập, vui chơi, để học sinh cảm thấy được an toàn đòi hỏi nguồn lực không đơn giản và không phải lúc nào cũng kết nối được nhà hảo tâm”, thầy Thiện chia sẻ.
Giống như thầy Thiện, thầy Châu Văn Quang, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đắk Hà cho biết, tuy chưa được tổ chức bài bản và hệ thống nhưng lâu nay trường vẫn cố gắng xây dựng ngôi trường mà ở đó học sinh vui vẻ khi đến lớp, tạo các sân chơi, phong trào thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ. Bên cạnh đó, hiệu trưởng chú ý quan tâm cảm xúc, hạn chế phê bình giáo viên để họ cảm thấy vui vẻ và tạo ra những giờ học không áp lực.
Tuy vậy, chịu áp lực về mặt điểm số và kiến thức phần nào làm giảm sự hạnh phúc của học sinh khi đến trường. “Hiện nay truyền dạy kiến thức của 40 học sinh trong một lớp tương tự như nhau, 45 phút soạn bài rồi bung ra hết mà thầy cô chưa quan tâm đến các em có năng lực yếu hơn thì sẽ khiến cho những bạn học có lực học kém hơn cảm thấy lo sợ".
Vì vậy, thầy Quang luôn mong muốn sẽ có những giờ học, lớp học cá nhân hóa, nội dung dạy học sẽ thay đổi phù hợp với từng học sinh để hướng đến phát triển năng lực và phẩm chất.
“Người giáo viên phải thiết kế những nội dung phù hợp với học sinh hơn, giáo viên phải sắp xếp cách dạy của mình để em học sinh thỏa mãn nhu cầu tiếp cận kiến thức. Chương trình đã quy định rồi, ví dụ bài đó có 10 nội dung, các em không thể tiếp thu được hết tất cả thì sẽ chịu áp lực, vậy cần phải sắp xếp lại, năng lực em đó chỉ tiếp thu được 5 nội dung thì chúng ta chỉ đáp ứng như vậy để làm cho các em vui vẻ”, thầy Quang cũng chỉ ra rằng dạy học cá nhân hóa đòi hỏi giáo viên phải rất tâm huyết và không dễ dàng.
“Những em yếu hơn thì có thể phụ đạo, muốn dạy phụ đạo cho học sinh, cha mẹ phải đóng thêm tiền nhưng đối với trường vùng sâu vùng xa xã hội hóa rất khó khăn. Trong khi đó, hiện nay học sinh đông, việc cá nhân hóa quá trình dạy học khó đòi hỏi giáo viên phải tích cực, tâm huyết, hiệu trưởng phải tác động một phần”.
Thầy Quang mong muốn hiệu trưởng có một số quyền tự quyết về kinh phí và dễ dàng điều hành các hoạt động trong nhà trường.
Chương trình tập huấn trong khuôn khổ dự án Trường học hạnh phúc do Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông tổ chức tại thành phố và 3 huyện của tỉnh Kon Tum thu hút 180 hiệu trưởng tham gia. Các lớp tập huấn này sẽ khép lại giai đoạn 1 của dự án. Bên cạnh kinh nghiệm, các hiệu trưởng cũng chia sẻ về những khó khăn để xây dựng ngôi trường hạnh phúc.
Một hiệu trưởng cho biết, “lần đầu nghe khái niệm hiệu trưởng hạnh phúc tôi cũng thấy lạ vì hiệu trưởng là người phải lo lắng tất cả mọi thứ để mọi người hạnh phúc, đòi hỏi người hiệu trưởng thường xuyên vận động suy nghĩ, tìm mọi cách giúp đội ngũ mình hạnh phúc, giúp học sinh mình hạnh phúc thì chắc hiệu trưởng khó hạnh phúc”.
Cô Hoàng Thị Xuân Thiện, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo xã Đắk Ui, huyện Đắk Hà chia sẻ, nhà trường có 509 học sinh, trong đó 467 em dân tộc thiểu số thuộc 7 dân tộc anh em. Xây dựng trường học hạnh phúc, trường chú ý tạo ra môi trường giàu ngôn ngữ trở thành mô hình điểm được đánh giá cao.
Theo cô Thiện, thực tế những nội dung về trường học hạnh phúc đã được triển khai một phần tại trường nhưng chưa thực sự bài bản. “Qua đây, mình vỡ lẽ ra hệ sinh thái của một trường học hạnh phúc để về áp dụng trong nhà trường”.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Hà đã chỉ đạo cho các trường xây dựng kế hoạch thực hiện đảm bảo tiêu chí của trường học hạnh phúc, chú trọng đến công tác tuyên truyền, xây dựng cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp quản lý, phương pháp giáo dục, tăng cường kỹ năng đề cao sự chia sẻ, lan tỏa những điều tích cực trong giáo viên học sinh và trong nhân dân để xây dựng trường học hạnh phúc.
Tuy vậy, ông Tạ Ngọc Ngọ, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum khẳng định, “hiệu trưởng, giáo viên, học sinh hạnh phúc thì nhà trường mới hạnh phúc. Đây sẽ là một quá trình lâu dài không chỉ thực hiện trong ngày một ngày hai”.
Nhiều hiểu lầm về “trường học hạnh phúc”
Đồng hành với các lớp tập huấn của dự án trường học hạnh phúc, TS. Lê Quỳnh Nga, Trưởng phòng nghiên cứu giáo dục học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đánh giá, khi được giao nhiệm vụ tập huấn, tham gia dự án hoặc được yêu cầu thực hiện các kế hoạch về trường học hạnh phúc nhiều hiệu trưởng tỏ ra ngại ngần phần vì họ có quá nhiều việc, phần vì cảm thấy khái niệm hạnh phúc mơ hồ.
“Khi tham gia tập huấn tôi giúp họ nhìn thấy hạnh phúc không có gì xa vời và trường học hạnh phúc không bắt họ làm thêm gì, vẫn xây dựng kế hoạch năm học như trước đây nhưng chú trọng quan tâm cảm xúc của những con người trong trường học đó”.
Nhiều hiệu trưởng chia sẻ dù rất muốn thực hiện nhưng băn khoăn “kinh phí từ đâu để làm”, về điều này TS. Nga cho rằng với “trường học hạnh phúc”, thầy cô không phải chi thêm tiền để thực hiện thêm một kế hoạch nữa. "Trên thực tế, nhiều hiệu trưởng đã có kinh nghiệm thực hiện nội dung này nhưng không nghĩ đó là xây dựng trường học hạnh phúc. Tạo ra trường học hạnh phúc nhưng không tốn kém, chỉ là quan sát và biết tận dụng những cái họ có để làm".
Nhiều hiệu trưởng luôn nghĩ mình phải có trách nhiệm xây dựng trường học hạnh phúc. Tuy nhiên nếu hiệu trưởng không hạnh phúc và bị áp lực phải xây dựng môi trường như vậy thì đó là một sai lầm, theo TS. Lê Quỳnh Nga.
Tại buổi tập huấn, nhiều hiệu trưởng thắc mắc, hiện có những mô hình khác nhau như trường học an toàn; Trường học thân thiện học sinh tích cực; Trường học an toàn thân thiện lành mạnh, hay dự án trường học an toàn, thân thiện bình đẳng của tổ chức Plan. Vậy việc “đẻ” thêm mô hình trường học hạnh phúc có mâu thuẫn không?
TS. Lê Quỳnh Nga lý giải, thực chất những mô hình này chỉ khác nhau về tên gọi còn bản chất làm cho tất cả con người trong môi trường đó cảm thấy vui vẻ, nhưng vẫn đạt được các mục tiêu giáo dục. Trường học hạnh phúc không đồng nghĩa với sự xem nhẹ các mục tiêu giáo dục mà là đạt được các mục tiêu giáo dục theo cách vui vẻ, tích cực nhất, đó là hạnh phúc.
Trường học hạnh phúc là chủ trương của UNESCO từ năm 2017. Tháng 12/2019, Công đoàn giáo dục Việt Nam được sự nhất trí của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành xây dựng hệ thống tiêu chí về trường học hạnh phúc, khuyến cáo các trường học từ mầm non, phổ thông, ĐH-CĐ xây dựng trường học hạnh phúc.
Trên cơ sở đó, Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông triển khai mô hình trường học hạnh phúc cho khoảng 6 vạn cán bộ quản lý và giáo viên của 12 tỉnh thành, chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc.
Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông đánh giá, gần 2 năm triển khai, dự án đã thay đổi một số suy nghĩ nhận thức về trường học hạnh phúc. Quỹ với sự hỗ trợ của doanh nghiệp đã đào tạo, tập huấn khoảng 10.000 hiệu trưởng từ 10.000 trường phổ thông trên cả nước trong thời gian kéo dài đến hết 2023.
Kết thúc giai đoạn 1 Dự án đã triển khai ở 7 tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội, Lào Cai, Hưng Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Nghệ An và và Kon Tum với 1.500 hiệu trưởng.
“Các hiệu trưởng được Quỹ, giảng viên truyền đạt những nội dung chính của cuốn sách lấy tên “Hiệu trưởng người gieo mầm hạnh phúc”.
Giai đoạn 5-6 tháng tiếp theo sẽ triển khai phần thứ 2 với nội dung là hỗ trợ cho 1.500 hiệu trưởng sinh hoạt thành “lớp học trường học hạnh phúc” bằng hình thức trực tuyến. Tại đây, hiệu trưởng sẽ đưa ra những bài học thực tiễn trong quá trình quản lý nhà trường và kết hợp xây dựng trường học hạnh phúc, đưa ra bí quyết xây dựng trường học hạnh phúc theo đặc thù nhận thức của từng trường, từng giáo viên. Đồng thời, những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý kết hợp trường học hạnh phúc đều được các chuyên gia của quỹ giải đáp./.
Từ khóa: trường học hạnh phúc, hiệu trưởng hạnh phúc, Kon Tum, vov2, chuyên gia, giải đáp, mục tiêu
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2