Hiệp ước INF đổ vỡ, Nga và Mỹ chạy đua phát triển tên lửa

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (21/8) tuyên bố sẽ phát triển các tên lửa tầm trung và ngắn để đáp trả những hành động của Mỹ.

Lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa hai cường quốc hạt nhân này đang hiện hữu, với những hậu quả tàn khốc khiến cả thế giới lo ngại sau khi hai nước chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung ( INF).

hiep uoc inf do vo, nga va my chay dua phat trien ten lua  hinh 1
Tên lửa siêu thanh của Mỹ. Ảnh: Defense One.

Phát biểu khi có chuyến thăm Phần Lan và hội đàm với Tổng thống Phần Lan Sauli Ninisto hôm 21/8, Tổng thống Putin chỉ trích việc Mỹ thử tên lửa tầm trung quá nhanh sau khi rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung. Điều đó cho thấy khả năng Mỹ đã bắt đầu phát triển tên lửa này từ rất lâu trước khi bắt đầu tìm kiếm lý do để rút khỏi Hiệp ước. Tổng thống Putin cũng cho rằng, Mỹ có thể đang chuẩn bị triển khai tên lửa hành trình mặt đất mới tại Rumani và Ba Lan- một viễn cảnh mà Nga coi là mối đe dọa quốc gia và phải có biện pháp đáp trả.

"Những tên lửa này có thể được phóng bằng việc sử dụng các hệ thống sẵn có tại Rumani và khả năng là Ba Lan. Tôi không chắc chắn rằng phía Mỹ sẽ thông báo cho các đối tác châu Âu về những phần mềm họ có trong các hệ thống tên lửa này. Đối với Nga, điều này có nghĩa rằng đang xuất hiện những đe dọa mới, mà Nga cần phản ứng bằng cách tương tự”, ông Putin nói.

Ông Putin khẳng định, để đối phó với thách thức, Nga sẽ phải lựa chọn các biện pháp, kể cả việc phát triển các tên lửa tầm ngắn và tầm trung phóng từ mặt đất.Tuy nhiên nhà lãnh đạo Nga khẳng định, nước này sẽ phát triển hệ thống tên lửa tầm trung và tầm ngắn, nhưng sẽ không triển khai chúng trước khi Mỹ làm điều đó.

Tuyên bố của Tổng thống Nga đưa ra sau khi Mỹ thông báo đã thử nghiệm một tên lửa hành trình được phóng từ mặt đất và tên lửa đã đánh trúng mục tiêu ở cách xa hơn 500 km. Đây là vụ thử tên lửa tầm trung đầu tiên kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung đầu tháng 8 này.Các quan chức Mỹ cũng khẳng định, nước này đang xem xét phát triển tên lửa siêu thanh có mang đầu đạn, đồng thời đề cập khả năng phát triển và triển khai các tên lửa tầm trung mới tại châu Á- một loại trước đó bị cấm theo INF.

Những tuyên bố của Mỹ khiến Nga và Trung Quốc hết sức lo ngại. Trung Quốc và Nga đề nghị Hội đồng bảo an Liên hợp quốc họp khẩn hôm nay về kế hoạch phát triển và triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung của Mỹ. Hai nước muốn triệu tập cuộc họp với chương trình nghị sự nhấn mạnh vào các mối đe dọa đối với an ninh và hòa bình quốc tế.

Trước việc Nga và Mỹ đang thúc đẩy kế hoạch phát triển tên lửa của mình sau khi rút khỏi INF, giới chuyên gia và truyền thông quốc tế cũng có những nhận định về khả năng một cuộc chạy đua vũ trang mới sau vụ thử tên lửa của Mỹ.

Chuyên gia về tên lửa Tom Karrako tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ cho rằng, việc Mỹ dấn thân vào một cuộc chạy đua vũ trang mới có thể là một chiến lược nhằm răn đe các đối thủ của mình. Tạp chí Mỹ (America Magazine) có bài viết với tiêu đề“Mỹ rút khỏi Hiệp ước, một cuộc đua vũ trang mới bắt đầu?”, tác giả bài báo nhận định, không còn bất kỳ giới hạn nào trong việc kiểm soát các loại vũ khí tầm trung sau khi INF bị xóa sổ. Cũng không tồn tại cơ chế xác minh và các biện pháp minh bạch hoặc trao đổi xây dựng lòng tin khác.

Do đó, nguy cơ của một cuộc chạy đua vũ trang đang vô cùng hiện hữu. Trong khi đó, Tác giả Mat Novak có bài viết đăng trên tờ Gizmodo thì nhận định, mọi thứ sẽ căng thẳng hơn rất nhiều trước khi hạ nhiệt và đây sẽ là một tin xấu cho cả thế giới. Với các hậu quả rõ ràng của chiến tranh Lạnh, những tác động và hậu quả của một cuộc chiến tranh Lạnh mới, nếu xảy ra, sẽ thảm khốc hơn nhiều./.

Từ khóa: Hiệp ước INF, Nga, Mỹ, tên lửa, Tổng thống Putin

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập