Hiện thực hóa sâm Ngọc Linh thành thương hiệu Sâm Việt Nam
Cập nhật: 3 giờ trước
VOV.VN - Nhờ đâu từ cây thuốc quý chỉ cất giữ trong từng gia đình hoặc đem bán với giá rẻ, giờ đây cây sâm Ngọc Linh đã trở thành loại cây có giá trị thương mại cao, được nhiều người biết đến, tìm mua?. Tiếp tục loạt phóng sự: “Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu Sâm Việt Nam”, bài 2 với nhan đề “Hiện thực hóa sâm Ngọc Linh thành thương hiệu Sâm Việt Nam”.
Câu chuyện vươn mình của vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam gắn liền với những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp về phát triển sâm Ngọc Linh. Những chủ trương đó cùng sự chung tay của người dân địa phương đã giữ lại những cánh rừng nguyên sinh để trồng sâm; thu hút doanh nghiệp đầu tư trồng và chế biến các sản phẩm từ sâm. Từ đó, cây sâm đem lại hàng triệu đô la, đóng góp vào ngân sách của tỉnh Quảng Nam và đưa những xã đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo gần 90% vươn lên thành những làng tỷ phú.
Phiên chợ sâm Ngọc Linh diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3 hàng tháng tại “thủ phủ” sâm Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam ngày càng thu hút nhiều khách hàng. Trị giá giao dịch mỗi phiên chợ lên tới nhiều tỷ đồng qua cả hình thức trực tiếp và trên sàn thương mại điện tử.
Ông Hồ Văn Dang, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh cho biết, kể từ phiên chợ sâm đầu tiên vào năm 2017 đến nay, phiên chợ sâm Ngọc Linh hàng tháng là cơ hội để người trồng sâm giao lưu, trao đổi, giới thiệu và bán các sản phẩm sâm đến người tiêu dùng từ các nơi về họp chợ; góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm theo hướng sản xuất hàng hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện miền núi cao Nam Trà My.
“Trước đây, người dân trồng sâm Ngọc Linh nhiều rồi nhưng để phát triển thành cây chủ lực, trở cây giúp đồng bào thoát nghèo thì chưa làm được. Sau khi tổ chức Lễ hội sâm Ngọc Linh, phiên chợ sâm Ngọc Linh vào năm 2017, việc giao thương, buôn bán, giá trị cây sâm Ngọc Linh được nâng lên một tầm cao mới”- Ông Hồ Văn Dang, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh cho biết thêm.
Sâm Ngọc Linh được coi là sản vật quý hiếm của núi rừng Việt Nam. Các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên trong việc phát triển Sâm Việt Nam gồm các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Lai Châu, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Điện Biên.
Trong đó, 3 tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu được xác định có thể phát triển vùng nguyên liệu Sâm Việt Nam quy mô hàng hóa. Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, từ tiềm năng của cây sâm Ngọc Linh, huyện đã có kế hoạch đầu tư cả về cơ sở hạ tầng và kêu gọi đầu tư phát triển nguồn dược liệu quý này nhằm quảng bá và nâng cao giá trị thương hiệu.
“Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng vùng sâm, giao thông, điện, viễn thông. Bên cạnh đó chúng tôi cũng làm việc với các doanh nghiệp để nhân rộng và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Hiện nay, huyện đang xúc tiến đầu tư việc này. Trong tương lai với Chương trình phát triển sâm Việt Nam đã được Chính phủ ban hành, nếu được Trung ương quan tâm thì sẽ tạo điều kiện để người dân Nam Trà My và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này”- ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thông tin.
Diện tích trồng sâm Ngọc Linh tại Nam Trà My tăng lên mỗi năm. Đến nay, diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam được xác định là 15.567 ha (trong đó từ độ cao 2.000m trở lên là 2.238 ha, ở độ cao từ 1.200 - 2.000m là 13.329 ha).
Tỉnh cũng đang nghiên cứu trồng di thực sâm Ngọc Linh ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng diện tích. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã trồng cây sâm Ngọc Linh với tổng diện tích 1.243ha (chủ yếu tập trung tại huyện Nam Trà My). Toàn tỉnh hiện có 02 đơn vị sự nghiệp công lập nhà nước đang thực hiện chăm sóc và bảo vệ vườn sâm giống gốc tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My là Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My.
Ngoài 02 đơn vị này, tại Quảng Nam hiện có hơn 10 doanh nghiệp thu mua và chế biến sâm Ngọc Linh. Các doanh nghiệp tập trung vào các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh gồm: Trà túi lọc Sâm Ngọc Linh, nước uống Sâm Ngọc Linh, mật ong Sâm Ngọc Linh, rượu Diệp linh sâm, dung dịch uống Sâm Ngọc Linh, viên ngậm Sâm Ngọc Linh... với lượng nguyên liệu tiêu thụ khoảng 50kg - 60 kg/năm. Sản phẩm Sâm Ngọc Linh được đưa vào giới thiệu và tiêu thụ trong các phiên chợ hằng tháng tại huyện Nam Trà My với lượng sâm củ sâm Ngọc Linh tiêu thụ trung bình khoảng 30 kg/phiên/tháng.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây sâm Ngọc Linh được tỉnh rất quan tâm. Địa phương đã kêu gọi và phối hợp thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học (cấp quốc gia, cấp tỉnh) ứng dụng vào thực tiễn, cơ bản làm chủ được công tác gieo ươm, chăm sóc cây giống, đáp ứng được một phần nhu cầu cây giống đạt chất lượng để cung ứng cho phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Ông Lương Trọng Khoa, Giám đốc Công ty Cổ phần Sâm và Dược Việt Nam, chủ một doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My cho rằng, khai thác, chế biến sâm Ngọc Linh là lĩnh vực có tiềm năng lớn mang lại giá trị gia tăng cao. Theo ông Khoa, khi ngành công nghiệp sâm phát triển thì ngày càng nhiều người dân Việt Nam và các nước trên thế giới được sử dụng các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.
“Huyện Nam Trà My đã hình thành một cụm công nghiệp chế biến và sản xuất dược liệu và sâm Ngọc Linh. Tỉnh Quảng Nam đã có chính sách thuê môi trường rừng, chính sách hỗ trợ cây sâm giống, cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại đến các vùng trồng sâm đã được đầu tư. Việc thu hút các nhà đầu tư lớn nhỏ vào lĩnh vực phát triển sâm Ngọc Linh, theo tôi khá là thuận lợi. Tỉnh Quảng Nam thừa hưởng được một lợi thế cạnh tranh trong việc hình thành một trung tâm dược liệu ở tầm quốc gia”- ông Lương Trọng Khoa cho biết.
Quy hoạch phát triển tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt đặt mục tiêu đưa tỉnh Quảng Nam trở thành trung tâm dược liệu, trung tâm giống sâm Ngọc Linh của cả nước. Trong quá trình xây dựng thương hiệu quốc gia Sâm Ngọc Linh, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu phát triển sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm thương mại, văn hoá và du lịch.
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, địa phương tăng cường quảng bá, mời gọi các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh quy mô lớn.
“Đến giờ này sâm Ngọc Linh chính thức là sản phẩm quốc gia chứ không còn của riêng tỉnh Quảng Nam. Trong quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt ra mục tiêu tỉnh Quảng Nam sẽ trở thành vùng dược liệu đại diện cho miền Trung và Tây Nguyên. Đây cũng là mục tiêu sẽ được xác định trong văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam sắp tới, tiếp tục thực hiện cho bằng được khát vọng đưa Quảng Nam phát triển, phải đạt được mục tiêu trở thành vùng dược liệu lớn”- ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết.
Một trong những lợi thế để sâm Ngọc Linh có thể vươn xa hơn khi được công nhận là 1 trong 5 loại nhân sâm nổi tiếng trên thế giới là: Nhân sâm Hàn Quốc, sâm Ngọc Linh (Việt Nam), sâm Nga, sâm Canada và sâm Mỹ. Cả 5 loại sâm này đều có hàm lượng dưỡng chất cao và rất tốt cho sức khỏe con người. Điều đặc biệt là sâm Ngọc Linh vượt trội hơn với hàm lượng Saponin cao gấp 3 lần so với sâm Triều Tiên và gấp đôi sâm Trung Quốc và Mỹ. Saponin là hoạt chất tăng cường cho sức khỏe. Điều này đã giúp sâm Ngọc Linh trở thành một trong những loại nhân sâm tốt nhất trên thế giới. Ở thời điểm hiện tại, 1 héc ta sâm Ngọc Linh trồng 5 năm có thể thu về 75 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sâm Ngọc Linh vẫn chỉ được sử dụng ở dạng thô cả lá và củ. Cũng chưa có nhiều người được tiếp cận với loại dược liệu quý này bởi giá vẫn quá cao. Làm sao để sâm Ngọc Linh và sản phẩm sâm Ngọc Linh phổ biến và tiến tới xuất khẩu?. Đó là bài toán mà địa phương cùng các Bộ ngành liên quan phải tính đến.
Các nhà khoa học khẳng định, sâm Ngọc Linh có 52 hợp chất Saponin cao vượt trội các loại sâm khác trên thế giới. Trong khi Hàn Quốc đã xây dựng được ngành công nghiệp sâm lớn mạnh, các sản phẩm có mặt tại hơn 90 quốc gia thì Việt Nam vẫn loay hoay với công tác bảo tồn, phát triển vùng nguyên liệu, chưa xây dựng được ngành công nghiệp sâm tạo ra giá trị gia tăng lớn.
Làm gì để nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu Sâm Việt Nam, đưa Sâm Việt Nam trở thành ngành công nghiệp mang lại giá trị tỷ đô? Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong Bài cuối của loạt phóng sự “Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu Sâm Việt Nam”.
Từ khóa: Sâm ngọc linh, Quảng Nam,Nam Trà My,sâm Ngọc Linh,Kon Tum,Trà Linh,Saponin
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: long phi, thu hòa, thanh trường/ vov
Nguồn tin: VOVVN