Hiện thực hóa mục tiêu phát triển nền kinh tế số
Cập nhật: 04/05/2022
(VOV5) - Trong công cuộc chuyển đổi số nền kinh tế, Việt Nam đã xây dựng được những nền tảng quan trọng, vững chắc.
Phát triển Kinh tế số là một trong những định hướng, đồng thời cũng là mục tiêu quan trọng về phát triển của Việt Nam. Theo đó, Kinh tế số cùng với Chính phủ số và Xã hội số là một trong 3 trục cột của chuyển đổi số - xu thế tất yếu toàn cầu đã được Chính phủ xác định rõ. Những năm qua, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và toàn bộ các thành phần kinh tế đã có nhiều nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế số.
Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn |
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược chỉ rõ, phát triển kinh tế số giúp người dân giàu có hơn, góp phần đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.
Mục tiêu phát triển kinh tế số của Việt Nam
Theo Chiến lược, kinh tế số bao gồm: kinh tế số ICT là công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông; kinh tế nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số, các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung với cầu và các dịch vụ trực tuyến trên mạng; kinh tế số ngành là hoạt động kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực. Chiến lược đặt mục tiêu phát triển kinh tế số ICT với trọng tâm là doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam, hài hòa với thu hút FDIcó chọn lọc, gia tăng hàm lượng xuất khẩu. Phát triển kinh tế số nền tảng với với trọng tâm là các nền tảng số quốc gia, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực. Phát triển kinh tế số ngành với trọng tâm là ưu tiên đưa vào sử dụng các nền tảng số dùng chung, thống nhất trong từng ngành, lĩnh vực.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông. Ảnh: sggp.org.vn |
Các mục tiêu cơ bản về phát triển kinh tế số đến năm 2025 gồm có: tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50% và tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế sốtrong lực lượng lao động đạt trên 2%.
Trước đó, Nghị quyết số52-NQ/TW ngày 27/9/2019, của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, nhấn mạnh: mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP và trên 30% GDP vào năm 2030, với năng suất lao động tăng trên 7%/năm. Năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dẫn đầu châu Á.
Những nền tảng quan trọng
Tới thời điểm này, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có hành động kịp thời trong xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật, định hình chiến lược phát triển trong tiến trình chuyển đổi số nền kinh tế.
Theo nhiều định chế tài chính uy tín quốc tế, Việt Nam hiện có những nền tảng, lợi thế quan trọng để phát triển kinh tế số. Trong đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, tỷ lệ cạnh tranh các tổ chức thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông của Việt Nam cao hơn so với các quốc gia Đông Nam Á; giá dịch vụ internet của Việt Nam thuộc mức cạnh tranh nhất trong khu vực.
Quy mô trao đổi các dịch vụ viễn thông, máy tính và sản phẩm công nghệ thông tin của Việt Nam tăng nhanh, cho thấy xu thế phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số trong tương lai. Khả năng kết nối mạng internet của Việt Nam hiện nay cũng đang là một lợi thế lớn cho tiến trình chuyển đổi số với các thông số về người đăng ký băng rộng di động/cố định cao bậc nhất khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, mức độ sẵn sàng của người dân chuyển đổi dịch vụ 3G sang 4G của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất so với các nước có cùng mức thu nhập. Hơn thế, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ tốc độ kết nối trung bình khu vực gia tăng - phản ánh tiềm năng phát triển và liên kết quốc tế của khu vực.
Nhìn nhận về triển vọng phát triển kinh tế số Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tưTrần Duy Đông tin tưởng: “Hiện nay doanh thu từ đổi mới sáng tạo chiếm 9% GDP. Mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam đặt ra kinh tế số chiếm 30% GDP. Tôi cho rằng đây là mục tiêu tham vọng và rất là mạnh mẽ. Với tốc độ tăng về vốn đầu tư cho đổi mới sáng tạo, chúng tôi cho rằng con số mục tiêu này là có thể đạt được. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng với các bộ, ngành triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo mục tiêu kinh tế số đóng góp 30% GDP vào năm 2030”.
Có thể khẳng định rằng, trong công cuộc chuyển đổi số nền kinh tế, Việt Nam đã xây dựng được những nền tảng quan trọng, vững chắc, đồng thời đạt được những thành công bước đầu đáng khích lệ trên nhiều khía cạnh. Với định hướng đúng đắn và quyết tâm mạnh mẽ của cả Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và các thành phần kinh tế, việc đạt được mục tiêuchuyển đổi số nói chung, phát triển kinh tế số nói riêng, chắc chắn sẽ thành hiện thực.
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, phát triển, nền kinh tế số, thu nhập, công nghiệp công nghệ thông tin
Thể loại: Thời sự
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5