Hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số của Việt Nam

Cập nhật: 15/02/2021

(VOV5) - Cuộc dịch chuyển này diễn ra với tốc độ nhanh, tạo ra tác động lớn hơn bao giờ hết trên cả 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Muốn hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước, Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt thời cơ, thực hiện công cuộc chuyển đổi số nhanh hơn nữa và mạnh mẽ hơn nữa. Việt Nam đã có nhiều thành quả về chuyển đổi số trong năm 2020 nhưng công việc này vẫn cần tiếp tục được tăng cường mạnh mẽ trong năm 2021 và trong nhiều năm tiếp theo.

Hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số của Việt Nam - ảnh 1Ảnh minh họa. Ảnh:thegioi.vn

Năm 2020 là năm Việt Nam khởi động mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Công nghệ số phát triển cho phép Việt Nam đưa toàn bộ hoạt động của mình lên không gian mạng thay vì chỉ đơn giản là số hóa tài liệu, số hóa quy trình như trước đây. Cuộc dịch chuyển này diễn ra với tốc độ nhanh, tạo ra tác động lớn hơn bao giờ hết trên cả 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin năm 2020 đã tận dụng cơ hội chuyển đổi số quốc gia để ra các quyết định áp dụng mô hình quản trị, kinh doanh mới, mở rộng không gian sáng tạo các sản phẩm dịch vụ mới, dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Hoạt động nổi bật của ngành thông tin và truyền thông là chung tay cùng Chính phủ và người dân đẩy lùi đại dịch Covid-19, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, duy trì giao thương thông suốt hàng hóa, đặc biệt là giai đoạn giãn cách xã hội. Bộ Thông tin Truyền thông hướng tới đưa lĩnh vực viễn thông trở thành hạ tầng số, bao gồm hạ tầng viễn thông băng thông rộng và hạ tầng điện toán đám mây; an toàn thông tin với sứ mệnh làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn an ninh mạng. Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này để chuyển đổi số để thúc đảy chuyển đổi số quốc gia, ra các quyết định áp dụng mô hình quản trị mới, mô hình kinh doanh mới, mở rộng không gian sáng tạo các sản phẩm dịch vụ mới, dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Đối với sự chuyển dịch đầu tư toàn cầu, Việt Nam có thể là điểm đón nhận sự chuyển dịch đó, các doanh nghiệp ICT phải sẵn sàng là đối tác, không chỉ nhận chuyển giao mà quan trọng hơn phải là đối tác hợp tác về nghiên cứu phát triển công nghệ lõi và sản phẩm. Các doanh nghiệp viễn thông phủ sóng 5G phải đảm bảo hạ tầng số tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung để sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới.

Hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số của Việt Nam - ảnh 2Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.Ảnh:vneconomy.vn

Hiện, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 20 nước có tỉ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số). Khoảng 94% người dùng Việt Nam sử dụng Internet thường xuyên với thời gian sử dụng trung bình lên tới 6 tiếng mỗi ngày. Về chỉ số phát triển chính phủ điện tử, báo cáo EGDI của Liên Hợp Quốc cho thấy,Việt Nam hiện xếp thứ 86, tăng 2 bậc và có điểm số cao hơn mức trung bình của châu Á và thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện xếp thứ 6 về chỉ số phát triển chính phủ điện tử, sau Philippines, Brunei, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Về chỉ số hạ tầng viễn thông, trong năm 2020, Việt Nam đã tăng 31 bậc, đứng thứ 69 thế giới. Với chỉ số xếp hạng nguồn nhân lực, Việt Nam tăng 3 bậc và xếp hạng 117.

Hiện, Việt Nam có khoảng 45.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin (ICT). Tổng doanh thu của các doanh nghiệp này ước tính khoảng 126 tỷ USD, trong đó bao gồm cả đóng góp các doanh nghiệp FDI.Tỉ trọng xuất khẩu CNTT&TT hiện chiếm khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu quốc gia. Xuất khẩu ICT Việt Nam hiện chiếm 3% tỉ trọng xuất khẩu ICT toàn cầu. Đây là những điểm sáng trong lĩnh vực ICT của Việt Nam.

Trong tương lai, Bộ Thông tin & Truyền Thông cho biết sẽ tiếp tục thực hiện một số định hướng lớn, trong đó có việc tiếp tục mở rộng khả năng tiếp cận Internet, hướng tới phổ cập Internet toàn dân. Mục tiêu của chương trình Chuyển đổi số quốc gia là mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang tốc độ cao.

Hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số của Việt Nam - ảnh 3Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Ảnh:baochinhphu.vn

Dấu mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam là ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Quyết định nêu rõ, nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng số; tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo:Các thành phố và một số bộ ngành triển khai cần lưu ý, đây là cuộc đi dài, cần có định hướng và kiên trì. Xác định những lĩnh vực cần tập trung phải chuyển đổi là quan trọng. Lĩnh vực đầu tiên là y tế, rồi giáo dục, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, giao thông, năng lượng môi trường. Mục đích cuối cùng của chế độ xã hội ổn định, người dân được chăm sóc vật chất và tinh thần. Tới đây chúng tôi sẽ tổ chức chuyển đổi số một số bộ như Bộ Giáo dục, Bộ y tế.

Với chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng phê duyệt, Việt Nam là một trong những nước tiên phong trên thế giới và đi đầu ở Đông Nam Á có một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số. Công cuộc chuyển đổi số tuy mới bắt đầu nhưng đã góp phần làm cho đất nước phát triển nhanh hơn, xã hội ổn định hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn, phát huy nhiều hơn quyền làm chủ của nhân dân.

Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin, công nghệ số

Thể loại: Thời sự

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập