Hiến pháp sửa đổi - Sự thay đổi Luật cơ bản lớn nhất trong lịch sử Nga

Cập nhật: 01/07/2020

VOV.VN - Ngày 1/7 là ngày cuối cùng và quan trọng nhất trong suốt một tuần lễ tính từ ngày 25/06 để người dân Nga đi bỏ phiếu cho Hiến pháp sửa đổi.

Nếu được thông qua, Hiến pháp sửa đổi sẽmở ra một sự thay đổi Luật cơ bản lớn nhất trong lịch sử Nga hiện đại, tạo cho đất nước bước phát triển mới.

Chủ tịch Tổ chức xã hội toàn Nga “Hội các dân tộc Nga” Svetlana Smirnova cho rằng, tất cả các sửa đổi được nêu ra đối với Hiến pháp đều có ý nghĩa quan trọng. Bà nhấn mạnh, đây là cuộc bỏ phiếu về Luật cơ bản, xác định Nga sẽ tiến lên phía trước như thế nào, những nguyên tắc cơ bản nào liên quan đến cấu trúc của đất nước, các đảm bảo xã hội được cung cấp và nhiều khía cạnh khác.

hien phap sua doi tao cho nuoc nga buoc phat trien moi hinh 1
Hình ảnh về Hiến pháp Nga. (Nguồn: rianovovsti)

Bởi vậy, bà Smirnova cho rằng, mỗi công dân nếu muốn để Nga trở thành một đất nước mạnh cả về chính sách đối nội và đối ngoại thì nên đi bỏ phiếu. Chủ tịch Tổ chức xã hội toàn Nga “Hội các dân tộc Nga” Svetlana Smirnova nhấn mạnh rằng, công tác xem xét các sửa đổi đã được tiến hành cẩn thận và trong thời gian dài. Bà đặc biệt lưu ý đến sửa đổi về duy trì đa dạng sinh học và ngôn ngữ, bởi Nga về mặt lịch sử được hình thành như một liên minh các dân tộc, và với các sửa đổi, gần 200 dân tộc đang sinh sống trên lãnh thổ của đất nước sẽ có thể nhận được sự đảm bảo về ngôn ngữ của mình, văn hóa và các truyền thống.

Còn phó chủ tịch Uỷ ban của Phòng Xã hội Nga về chính sách xã hội Ekraterina Kurbangaleeva thì nhấn mạnh rằng, phần sửa đổi trong Hiến pháp về các đảm bảo xã hội là rất quan trọng. Tổng thống Vladimir Putin bằng cách này buộc nhà nước luôn đảm bảo mức xứng đáng cần thiết cho các công dân Nga, đó là lương tối thiểu không thấp hơn mức sống tối thiểu, điều chỉnh các trợ cấp xã hội, chỉ số lương hưu hàng năm, xây dựng hệ thống đảm bảo lương hưu cho các công dân Nga “dựa trên các nguyên tắc phố quát, công bằng và đoàn kết các thế hệ”.

Tổng giám đốc Bảo tàng lịch sử Nga hiện đại Irina Velikanova thì đặc biệt ủng hộ việc giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước:Chúng tôi coi Nga là một cường quốc có chủ quyền và chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ ai xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ của mình, thì chúng tôi hôm nay đang bỏ phiếu cho các sửa đổi này trong Hiến pháp.”

Điểm đáng chú ý nhất trong Hiến pháp sửa đổi là về nhiệm kỳ của Tổng thống, theo đó, nếu được thông qua, số nhiệm kỳ của các cựu và Tổng thống đương nhiệm sẽ được đưa về 0, hay nói cách khác là tính lại từ đầu. Tổng thống Vladimir Putin sẽ có cơ hội tái tranh cử vào năm 2024.

Chủ tịch Duma quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cho rằng:“Quan điểm đang được đề xuất để Tổng thống của chúng tôi có thể tham gia vào chiến dịch tranh cử vào năm 2024, làm cho đất nước mạnh hơn. Chúng tôi cần đấu tranh cho cơ hội này, chúng tôi cần tạo ra nó, còn tiếp theo Tổng thống sẽ tự quyết định. Và khi chúng tôi nói về các cuộc bầu cử, thì tất cả các cuộc bầu cử của chúng tôi đều cạnh tranh”.

Liên quan vấn đề này, các chuyên gia Nga coi các sửa đổi nhằm "quốc hữu hóa giới tinh hoa" là đặc biệt quan trọng. Đó là củng cố trong Hiến pháp việc cấm có quốc tịch kép và giấy phép cư trú ở nước ngoài đối với các chính trị gia và quan chức cấp cao và ứng cử viên Tổng thống phải có thời hạn cư trú ở Nga 25 năm. Theo giáo sư Trường đại học Kinh tế Oleg Matveychev, những sửa đổi này trong Luật cơ bản sẽ bảo vệ Nga khỏi lặp lại kịch bản của Ucraina như sự kiện Maidan hồi năm 2014.

Hiến pháp sửa đổi cũng đặt ra những tiêu chuẩn mới về tính hiệu quả của hệ thống hành chính công. Đề xuất sửa đổi bao gồm việc mở rộng quyền lực của Quốc hội như chuyển một số quyền lực từ Tổng thống sang Duma Quốc gia và Tòa án Hiến pháp; ưu tiên Hiến pháp Nga trước các hiệp ước quốc tế.

Trước đó, hôm qua, Tổng thống Vladimir Putin đã phát biểu, kêu gọi người dân Nga đi bỏ phiếu về các sửa đổi Hiến pháp vì đất nước mà mọi người đang sống, làm việc và muốn chuyển giao lại cho các thế hệ con, cháu. Theo lời ông, đây không đơn giản là bỏ phiếu cho các sửa đổi,mà là thể hiện trách nhiệm, tình cảm yêu nước, sự quan tâm về Tổ quốc, giữ gìn chủ quyền của nước Nga, cũng như tôn trọng lịch sử, văn hóa, tiếng mẹ đẻ, truyền thống, ghi nhớ các thành tựu và chiến công của các thế hệ ông cha.

Người đứng đầu nước Nga một lần nữa khằng định rằng, các sửa đổi Hiến pháp chỉ có hiệu lực khi được người dân Nga ủng hộ và tán thành./.

Từ khóa: Nga, hiến pháp sửa đổi, bỏ phiếu, người dân Nga

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập