Hết thời hạn nhưng Ninh Thuận mới thực hiện được 13/17 chính sách đặc thù
Cập nhật: 11/11/2024
Phụ nữ khởi nghiệp vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững (24/11/2024)
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
VOV.VN - Qua 5 năm triển khai Nghị quyết số 115 ngày 31/8/2018 của Chính phủ về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018- 2023, tỉnh này chỉ thực hiện được 13/17 chính sách.
Nghị quyết số 115 của Chính phủ hỗ trợ Ninh Thuận trên 3 nhóm chính sách, gồm: nhóm cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư; nhóm cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và nhóm cơ chế, chính sách an sinh xã hội.
Thực hiện nghị quyết này, đến cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh có 57 dự án năng lượng với tổng công suất 3.749 MW hòa lưới điện Quốc gia, phát điện trên 7,7 tỷ kWh, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ bổ sung Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 công suất 1.500MW vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, từng bước hình thành Trung tâm Năng lượng tái tạo của cả nước.
Về đầu tư cơ sở hạ tầng, Ninh Thuận đã được đầu tư nhiều đường, hồ chứa nước, cảng... một cách đồng bộ, liên thông, cơ bản đáp ứng cho yêu cầu phát triển.
Còn về an sinh xã hội, Nghị quyết đã bổ sung xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải vào danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2018-2020 để được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ cho người dân tại khu vực quy hoạch Nhà máy Điện hạt nhân.
Có thể thấy, thực hiện các chính sách của Nghị quyết 115 đã giúp Ninh Thuận khai thác tiềm năng, có thêm lợi thế cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư. Đặc biệt, chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, chiến lược. Từ đó tạo sức lan tỏa trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm, đột phá như: cảng biển, du lịch, công nghiệp, hạ tầng đô thị... tạo được sức bật mới, vị thế của tỉnh được nâng lên.
Tuy nhiên, trong 17 chính sách, còn 4 chính sách chưa hoàn thành. Nguyên nhân chủ yếu do trong quá trình thực hiện có sự thay đổi về thể chế chính sách có liên quan đến pháp luật về quy hoạch, đầu tư công, chuyển đổi đất rừng, quy hoạch titan.
Cụ thể 4 chính sách chưa hoàn thành gồm: UBND tỉnh Ninh Thuận chưa thống nhất được với các nhà đầu tư về phương án xử lý đối với các dự án khai thác Titan đã được cấp phép thăm dò, khai thác; dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thể đã được bàn giao về UBND tỉnh Ninh Thuận quản lý, tuy nhiên Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa thống nhất về giải pháp xử lý triệt để những tồn tại trước đó; Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa cân đối được nguồn vốn trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TPHCM tại Ninh Thuận; chính sách hỗ trợ 100% vốn ngân sách trung ương đối ứng cho các dự án ODA (phần cấp phát) chưa có nguồn vốn bố trí.
Bốn chính sách này sẽ được tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 128, ngày 8/9/2024 của Chính phủ.
Từ khóa: chính sách , chính sách, cơ chế, Ninh Thuận
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: đoàn sĩ/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN