Hết dự toán bảo hiểm y tế, hàng loạt bệnh viện ở Đồng Nai gặp khó
Cập nhật: 07/01/2020
Triển lãm nghệ thuật ánh sáng mùa đông ở Đức (26/11/2024)
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ mô hình rau an toàn tại Đông Anh, Hà Nội (25/11/2024)
VOV.VN - Bước sang năm 2020, hàng loạt bệnh viện, cơ sở y tế tại Đồng Nai đang “than trời” vì hết tiền do đã vượt dự toán bảo hiểm y tế
Hàng loạt bệnh viện, cơ sở y tế tại Đồng Nai, từ bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh cho đến các bệnh viện huyện đều đồng loạt cho biết đã chi vượt dự toán bảo hiểm y tế được giao. Hết kinh phí, cơ sở y tế phải “co lại” các hoạt động khám chữa bệnh, đồng thời các khoản chi trả cho nhân viên ngành y tế cũng bị ảnh hưởng.
Việc hết dự toán bảo hiểm y tế khiến quyền lợi được chăm sóc sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng |
Tại Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom, bác sĩ Nguyễn Đức Phước, Giám đốc Trung tâm đang đau đầu với bài toán tài chính. Năm 2018, Trung tâm Y tế Trảng Bom vượt dự toán bảo hiểm y tế gần 15 tỷ, nhưng đã bước sang năm 2020 số tiền này vẫn chưa được thanh toán và cũng chưa biết khi nào được thanh toán. Trong khi đó, số tiền thuốc mà Trung tâm nợ của các đơn vị cung ứng đã lên tới con số khoảng 7 tỷ đồng.
Bác sĩ Phước lo lắng, nếu không sớm được thanh toán vượt quỹ năm 2018 thì sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy, từ việc đảm bảo khám chữa bệnh đến việc đảm bảo các khoản chi cho cán bộ, nhân viên. Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, song Giám đốc Trung tâm Y tế Trảng Bom vẫn chưa biết lấy tiền đâu chi lương, thưởng cho nhân viên.
Một trung tâm y tế cấp huyện đã gặp khó khăn như vậy, tình hình ở các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh còn "bi đát” hơn. Các bệnh viện lớn của Đồng Nai như: Đa khoa Đồng Nai, Đa khoa Thống Nhất, Đa khoa khu vực Long Khánh… đều trong tình trạng đã chi hết dự toán, trong khi số tiền vượt quỹ từ những năm trước từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng chưa biết khi nào mới được thanh toán. Lãnh đạo các bệnh viện này phải trích các nguồn quỹ dự phòng, nợ tiền thuốc, tiền vật tư y tế… để có thể duy trì hoạt động của bệnh viện cũng như trả lương nhân viên. Dĩ nhiên, đây không thể là giải pháp có thể kéo dài mãi.
Nghiêm trọng hơn, việc hết dự toán bảo hiểm y tế kéo theo tình trạng các bệnh viện, cơ sở y tế buộc phải cắt giảm hoạt động khám chữa bệnh, các dịch vụ kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, chuyên sâu. Thậm chí có nhiều trường hợp bác sĩ phải đề nghị bệnh nhân tạm thời dùng thuốc, chờ có tiền mới “can thiệp điều trị”, hoặc “gợi ý” bệnh nhân chuyển viện lên tuyến trên vì tuyến trên “còn tiền”.
Ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai xác nhận tình trạng bệnh viện, cơ sở y tế phải “cắt” các dịch vụ cung ứng cho người bệnh do chi hết dự toán bảo hiểm y tế.
"Thực tế là tất cả các đơn vị trong ngành y tế, trừ các đơn vị tư nhân đều đã hết quỹ bảo hiểm y tế giao rồi. Bây giờ phải cầm cự thôi. Chính vì vậy không còn nguồn tiền để cung ứng thuốc men, khám chữa bệnh, bệnh viện phải tìm cách cắt bớt các cung ứng cho người bệnh. Như vậy những khó khăn sẽ đổ dồn lên đầu người bệnh"- ông Trung cho hay.
Trước đó, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, ông Phan Huy Anh Vũ khẳng định đã chỉ đạo các cơ sở y tế không vì sức ép dự toán chi mà giảm chất lượng điều trị.
Còn Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai thì cho rằng, có tình trạng cơ sở y tế lợi dụng để trục lợi quỹ bảo hiểm y tế dẫn đến chi vượt dự toán, đe dọa an toàn quỹ bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Và hành vi này cần được ngăn chặn.
Và khi ngành y tế và bảo hiểm xã hội chưa tìm được tiếng nói chung, thì hệ quả trước mắt sẽ là chất lượng khám chữa bệnh, quyền lợi được chăm sóc sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng./.
Thiếu thuốc bảo hiểm y tế, người dân nghèo chịu thiệt thòi
Từ khóa: bảo hiểm y tế, chi trả bảo hiểm y tế, danh mục bảo hiểm y tế
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN