Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ ra mắt sẽ tiết kiệm hàng trăm tỷ

Cập nhật: 10/03/2020

VOV.VN - Bước đầu, có 9 bộ, cơ quan và 5 thành phố trực thuộc Trung ương thử nghiệm kết nối vào hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Chiều 10/3, tại Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan về việc chuẩn bị công bố vận hành một số phân hệ của Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

he thong thong tin bao cao chinh phu ra mat se tiet kiem hang tram ty hinh 1
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp (Ảnh: TTXVN)

Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ là hệ thống thu thập, tích hợp dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước, nhằm tổng hợp, phân tích dữ liệu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hệ thống được thiết kế bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa đổi mới lề lối phương thức làm việc với ứng dụng CNTT trong công tác phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Tăng cường công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng; nâng cao năng lực tham mưu tổng hợp của Văn phòng Chính phủ trong công tác phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng.

Bước đầu, có 9 bộ, cơ quan và 5 thành phố trực thuộc Trung ương thử nghiệm kết nối vào hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Dự kiến đến ngày 13/3 tới sẽ khai trương giai đoạn I hệ thống này. Đến tháng 10/2020 sẽ khai trương toàn bộ hệ thống.

Thông tin thêm về tác động, lợi ích của Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, đại diện thuyết minh đề án, tại cuộc họp cho biết, theo số liệu do các bộ, cơ quan cung cấp, bình quân hàng năm mỗi bộ, cơ quan có khoảng 20 báo cáo định kỳ gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, ước tính tổng số 22 bộ, cơ quan báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng là 440 báo cáo/năm. Nếu điện tử hóa tất cả các báo cáo này và kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, ước tính chi phí tiết kiệm được cho NSNN là khoảng 460 tỷ đồng/năm.

Đóng góp ý kiến về Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, đại diện một số bộ, ngành đánh giá đây là một công cụ thiết thực, kịp thời, đi đúng với định hướng phát triển đẩy mạnh Chính phủ số, có ý nghĩa rất quan trọng trong phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chỉnh phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống còn giúp tiết kiệm về ngân sách, thời gian đặc biệt là việc tổng hợp số liệu để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Đại diện Bộ Giáo dục Đào tạo cho rằng, do các bộ ngành cũng đang phải xây dựng hệ thống báo cáo như thế này, nên chăng Hệ thống được thiết kế theo hướng khung cho cả các bộ ngành có thể khai báo tổng thể, chi tiết các chỉ tiêu. Đại diện Ngân hàng Nhà nước đề nghị có phương pháp để xác định được tính chính xác của số liệu báo cáo của bộ ngành. Có tính năng phân tích, đánh giá, cảnh báo hay không?

Đại diện Bộ Công thương đề nghị có niên giám thống kê phục vụ công tác tra cứu để các bộ ngành có thể dựa vào; báo cáo động, trích xuất bảng biểu, kết xuất dữ liệu động phục vụ chỉ đạo điều hành, hoạt động của các bộ phận trong văn phòng chính phủ; nội dung cung cấp cho bộ ngành thế nào, bộ ngành khai thác trên hệ thống này ra sao? Phân tích dữ liệu, ra quyết định?

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá cao các ý kiến đề xuất, đồng thời khẳng định đây là quyết tâm xây dựng chính phủ kiến tạo, chính phủ số, là một yêu cầu cấp thiết. Do vậy, mục tiêu là cứ khai trương và sau đó sẽ chỉnh lý dần theo hướng, bám vào 12 chỉ tiêu vĩ mô từ đó tạo ra một hệ thống các chỉ tiêu để có báo cáo tổng hợp, trước hết phục vụ chỉ đạo điều hành, trên cơ sở đó sẽ có sự điều chỉnh.

Bộ trưởng cũng đề nghị, các bộ, ngành cần phân công rõ đầu mối thực hiện việc nhập dữ liệu báo cáo thường xuyên, bảo đảm chuẩn hóa báo cáo từ cấp bộ xuống tỉnh, thành phố. Các đơn vị liên quan sớm ban hành quy chế sử dụng hệ thống, có sự phân cấp, phân quyền truy cập cho từng cấp. Qua đó, vừa phục vụ công tác điều hành của Chính phủ nhưng cũng giúp cho các cơ quan thực hiện nhiệm vụ tham mưu.

Theo lộ trình đặt ra, năm 2020, Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ sẽ kết nối với 100% các Hệ thống thông tin báo cáo của các bộ, ngành, địa phương hoặc Hệ thống thông tin chuyên ngành có khả năng trích xuất số liệu báo cáo để hình thành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

Năm 2025, 100% báo cáo định kỳ do bộ, ngành, địa phương báo cáo Chính phủ, Thủ tướng (không bao gồm nội dung mật), 100% báo cáo trong bộ chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê về kinh tế-xã hội được gửi, nhận qua Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Kết nối hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng với các hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, mạng xã hội và tiến tới hình thành cơ sở dữ liệu phục vụ việc thu thập, tổng hợp, phân tích dữ liệu, hỗ trợ việc ra quyết định của Chính phủ, Thủ tướng theo thời gian thực./.

Từ khóa: chính phủ số, chính phủ điện tử, Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Ecabinet

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập