Hệ quả của việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở châu Âu
Cập nhật: 27/09/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Vũ khí hạt nhân chiến thuật có gì khác vũ khí hạt nhân chiến lược và nếu chúng được triển khai ở châu Âu thì hệ quả sẽ như thế nào?
Trong bài phát biểu tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo "trước mối đe dọa với sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi cũng như để bảo vệ Nga và người dân, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng tất cả hệ thống vũ khí sẵn có. Đây không phải một lời nói suông".
Kho vũ khí của Nga bao gồm 4.477 đầu đạn hạt nhân dự trữ và đầu đạn đã triển khai với 1.900 trong số này là đầu đạn "phi chiến lược", còn được gọi là các vũ khí hạt nhân chiến thuật, Hiệp hội Các nhà Khoa học Mỹ cho hay.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì và nó khác với vũ khí hạt nhân thông thường như thế nào?
Vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược
Các đầu đạn hạt nhân chiến thuật là những vũ khí được sử dụng trên chiến trường ở quy mô hạn chế, được cho là để phá hủy các đội xe tăng hoặc nhóm tàu sân bay nếu được sử dụng trên biển. Những đầu đạn này có đương lượng nổ từ 10 - 100 kiloton, còn được gọi là "đương lượng thấp".
Trong khi đó, các vũ khí hạt nhân chiến lược mạnh nhất của Nga có đương lượng nổ từ 500 - 800 kiloton, được thiết kế để phá hủy toàn bộ thành phố, hoặc một vài thành phố.
Theo một số chuyên gia, cụm từ "đương lượng thấp" dùng cho vũ khí chiến thuật đôi khi bị hiểu lầm, bởi đương lượng nổ từ 10 - 100 kiloton vẫn đủ để gây ra sự phá hủy trên quy mô lớn, giống như khi Mỹ thả 2 quả bom nguyên từ xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản.
Những quả bom này có đương lượng nổ từ 15 - 21 kiloton, nằm trong ngưỡng đương lượng nổ các vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga.
Các vụ nổ hạt nhân ở Hiroshima và Nagasaki đã khiến lần lượt 70.000 và 35.000 người thiệt mạng ngay lập tức và chục nghìn người thiệt mạng sau đó do phóng xạ.
Alex Wellerstein, giám đốc nghiên cứu công nghệ và khoa học của Viện Công nghệ Stevens tại New Jersey cho biết, "sự khác biệt thực sự của các loại vũ khí hạt nhân không phải nằm ở đương lượng nổ của nó mà ở mục tiêu mà nó nhắm tới".
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho rằng, hoàn toàn không có sự khác biệt giữa 2 loại vũ khí này.
"Tôi cho là không có bất kỳ thứ gì được gọi là ‘vũ khí hạt nhân chiến thuật’. Bất kỳ vũ khí hạt nhân nào được sử dụng vào bất kỳ thời điểm nào đều là nhân tố chiến lược thách thức cuộc chơi".
Điều gì xảy ra nếu vũ khí hạt nhân chiến thuật được triển khai ở châu Âu?
Nga đã xây dựng và duy trì số lượng lớn vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Theo Liên minh các nhà khoa học, một số quan điểm cho rằng, việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ cho phép các chỉ huy thực hiện một cuộc tấn công quyết định, tránh việc bị thất bại mà không cần phải sử dụng tới những vũ khí hạt nhân lớn nhất - những loại vũ khí có thể gây ra một cuộc tấn công đáp trả "chấm dứt nền văn minh nhân loại". Tổ chức này gọi lập luận trên là "sai lầm và nguy hiểm".
Dù vậy, hai nhà quan sát Sidharth Kaushal và Sam Cranny-Evans thuộc tổ chức Royal United Services Institute (RUSI) cho biết, việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm vào các trung tâm chỉ huy hoặc các căn cứ quân sự ở châu Âu có thể hạn chế thương vong cho dân thường ở khu vực xung quanh, so với việc sử dụng các vũ khí chiến lược.
Báo cáo của RUSI dự đoán, việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Hành lang Sulwaki, dài chưa tới 100km chạy dọc theo biên giới Ba Lan – Litva, nối vùng lãnh thổ hải ngoại Kalingingrad của Nga với Belarus, sẽ gây thương vong cho khoảng vài trăm người.
Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng diễn ra như vậy.
Liên minh các nhà khoa học nhận định, "một cuộc xung đột với các vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ nhanh chóng leo thang vượt ngoài tầm kiểm soát".
"Một mô hình của Đại học Priceton cho thấy cuộc xung đột Nga - Mỹ bắt đầu bằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể leo thang nhanh chóng thành cuộc chiến khiến hơn 90 triệu người chết và bị thương".
Phản ứng trước mối đe dọa của Tổng thống Putin vào tuần trước, Chiến dịch quốc tế nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) cho biết, châu Âu của năm 2022 là một nơi nguy hiểm hơn nhiều so với Nhật Bản năm 1945 về rủi ro hạt nhân.
Tại châu Âu hiện nay, "chỉ một vụ nổ hạt nhân cũng có thể khiến hàng trăm nghìn dân thường thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, trong khi bụi phóng xạ có thể gây ô nhiễm một khu vực rộng lớn", ICAN cho hay.
"Các cơ quan ứng phó khẩn cấp sẽ không thể phản ứng hiệu quả ngay lập tức và sự hoảng loạn lan rộng sẽ dẫn đến dòng người di cư khổng lồ cũng như sự gián đoạn kinh tế nghiêm trọng. Nếu nhiều vụ nổ hạt nhân xảy ra thì dĩ nhiên, điều đó còn tồi tệ hơn nhiều"./.
Từ khóa: Hệ quả của chiến tranh hạt nhân, triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở châu Âu, chiến tranh hạt nhân Nga Mỹ, thảm họa hạt nhân ở châu Âu, hậu quả khủng khiếp, vụ nổ hạt nhân ở châu Âu, thiệt hại do xung đột hạt nhân, vũ khí hạt nhân ở châu Âu, kho hạt nhân của Nga, chiến sự Ukraine, chiến tranh Ukraine lan rộng
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN