Hé lộ vũ khí Nga có thể khắc chế hệ thống phòng không NASAMS của Mỹ
Cập nhật: 18/10/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Sau khi Nga tập kích tên lửa ồ ạt vào cơ sở hạ tầng Ukraine ngày 10 và 11/10, Mỹ đã quyết định chuyển giao 8 hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến (NASAMS) cho Ukraine. Nhiều báo cáo cho rằng, Kiev có thể nhận được các hệ thống này vào cuối tháng 10.
Phát biểu với báo chí, người phát ngôn Hội Đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết, Mỹ đang đẩy nhanh việc chuyển giao các thiết bị phòng không tiên tiến NASAMS tới Ukraine.
Tổng thống Ukraine Zelensky rất kỳ vọng về việc tiếp nhận hệ thống NASAMS, giống như việc nước này từng tiếp nhận các hệ thống khác kể từ khi xung đột với Nga bùng phát như Stringer, Starstreak, Switchblade, M777, HIMARS, Harpoons, HARM…
Nga đã nhiều lần sử dụng tên lửa hành trình phóng từ trên không, trên biển và trên đất liền để tấn công cơ sở hạt tầng, trung tâm chỉ huy và kiểm soát ở phía Tây Ukraine. Tên lửa hành trình có đường bay bám sát địa hình rất khó bị phát hiện và đánh chặn. Chúng không bay thẳng đến mục tiêu mà được định tuyến thông qua các điểm tham chiếu được lựa chọn để chặn hệ thống phòng không (AD) của đối phương (như radar, khẩu đội tên lửa, tên lửa phòng không vác vai (MANPADS)) và khiến đối phương bị nhầm lẫn về mục tiêu cuối cùng của chúng.
Biện pháp phòng thủ hiệu quả và đáng tin cậy nhất để chống lại tên lửa hành trình là sử dụng hệ thống AD tầm ngắn như hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn SPYDER của Israel, Pantsir của Nga, NASAMS của Mỹ và QR-SAM của Ấn Độ.
Điểm mạnh và hạn chế của NASAMS
NASAMS là hệ thống phòng không trên mặt đất có tầm ngắn và tầm trung. Loại vũ khí này có khả năng tham gia đồng thời nhiều hoạt động đánh chặn, vượt khỏi tầm ngắm của các hệ thống giám sát (BVR). Nó có thể kết hợp với Hệ thống Phòng thủ Tên lửa và Phòng không Tích hợp (IAMD).
Phiên bản nâng cấp của NASAMS là NASAMS II, sử dụng hệ thống thông tin liên lạc cấp chiến thuật Link-16, không cần radar giám sát. Link-16 là hệ thống truyền tải thông tin hình ảnh, âm thanh và tín hiệu số, cho phép xử lý dữ liệu, nhận dạng tình huống, xác định tọa độ mục tiêu để tấn công và truyền lệnh trực tiếp tới từng thiết bị phòng thủ hay tấn công. Nhờ đó, NASAMS II có thể hướng tới mục tiêu thông qua liên kết dữ liệu.
Vũ khí chính của NASAMS là tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM dẫn đường bằng radar, có thể được phóng từ trên không hoặc từ mặt đất. Khi phóng từ máy bay chiến đấu, AIM-120 AMRAAM thường đạt tốc độ và độ cao tối ưu. Nhưng khi phóng từ mặt đất, tên lửa này có ít năng lượng hơn bởi nó phải bay lên cao và tăng tốc, khiến động cơ tên lửa tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn. Do vậy, phạm vi hoạt động chỉ giới hạn trong khoảng 30km. Hệ thống không có khả năng phòng thủ khu vực.
NASAMS có thể được triển khai để xác định và tiêu diệt máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV), cũng như bảo vệ các tài sản có giá trị cao và các cơ sở hạ tầng quan trọng. Mỹ sử dụng NASAMS để bảo vệ vùng không phận xung quanh Nhà Trắng và trụ sở Quốc hội ở Washington. Theo báo cáo, hệ thống tên lửa này có thể nhắm bắn mục tiêu cách xa gần 161km. Mỹ vẫn chưa tiết lộ phiên bản nào sẽ được gửi tới Ukraine.
NASAMS cũng có thể sử dụng bệ phóng của HIMARS. Ukraine trước đó đã vận hành HIMARS và hệ thống này đang trở thành vũ khí chính của Ukraine trong cuộc xung đột. Ngoài AIM-120 AMRAAM, hệ thống có thể sử dụng tên lửa AIM-9X Sidewinder và AMRAAM-Extended.
Theo các chuyên gia quân sự, toàn bộ lãnh thổ Ukraine sẽ khó được bảo vệ hoàn toàn bằng các hệ thống phòng không. Tuy vậy những hệ thống như NASAMS có thể cho phép họ ngăn chặn cuộc tấn công vào những căn cứ quân sự trung tâm và các khu vực quan trọng.
Vũ khí khắc chế NASAMS
Giới phân tích cho rằng, việc Ukraine sử dụng NASAMS sẽ khiến Nga tổn thất tên lửa hành trình nhiều hơn. Nhưng để làm điều đó, Ukraine cần phải có một số lượng lớn hệ thống này. Nhu cầu đối với hệ thống NASAMS rất cao, trong khi Mỹ không có nhiều trong kho dự trữ vì cần phải sử dụng chúng để bảo vệ các khu vực trọng yếu ở trong nước nhằm ngăn chặn các vụ tấn công như vụ tấn công khủng bố ngày 11/9. Chưa kể giá thành của NASAMS rất đắt đỏ. Một khi Ukraine sở hữu hệ thống này, họ sẽ phải liên tục đầu tư để phát huy hiệu quả của nó và bảo vệ thêm nhiều cơ sở hạ tầng hơn nữa.
Nga có thể sẽ tăng cường sử dụng tên lửa đạn đạo hoặc máy bay không người lái cảm tử Geran-2 để tấn công các mục tiêu cơ sở hạ tầng được hệ thống NASAMS bảo vệ tại Ukraine. UAV Geran-2 có nguồn gốc từ UAV Shahed-136 do Iran sản xuất, được cho là con át chủ bài trong các cuộc tấn công gần đây của Nga vào Ukraine.
Theo Wall Street Journal, kể từ khi xuất hiện vào giữa tháng 9, những UAV này đã tiêu diệt ít nhất 4 pháo tự hành và 2 xe chiến đấu bộ binh, tấn công nhiều mục tiêu dân sự và quân sự khác của Ukraine. UAV Geran-2 có sải cánh khoảng 2,5m, động cơ giống như động cơ của một chiếc xe mô tô, có khả năng mang đầu đạn nặng 36kg.
UAV này di chuyển chậm nhưng có khả năng quan sát tầm thấp do có kích thức nhỏ, hoạt động ở độ cao thấp tính năng xác định vị trí thông qua sóng radar và gần như không có tín hiệu nhiệt. Các chuyên gia quân sự cho rằng, nếu Nga có thể tăng cường sản xuất Geran-2 với số lượng từ 10 đến 20 chiếc mỗi ngày, Geran-2 sẽ là một vũ khí làm thay đổi cuộc chơi cho dù Ukraine có hoặc không có hệ thống NASAMS./.
Từ khóa: vũ khí Nga, máy bay không người lái Geran-2, hệ thống phòng không NASAMS, vũ khí khắc chế hệ thống NASAMS, hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến, xung đột nga ukraine, nga tập kích tên lửa vào ukraine, UAV Shahed-136, máy bay không người lái, mỹ cung cấp vũ khí cho ukraine, tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM, nga đối phó hệ thống NASAMS
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN