Hé lộ những vũ khí “khủng” của Nga có thể giúp Iran đối đầu với Mỹ và Israel

Cập nhật: 12 giờ trước

VOV.VN - Nga đang xem xét tăng cường hỗ trợ quân sự cho Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này bằng những loại vũ khí tiên tiến hơn. Theo giới phân tích, quan hệ ngày càng thân thiết với Nga sẽ giúp Iran sở hữu nhiều vũ khí đủ sức đối phó nếu Israel tung đòn đáp trả.

Chiến đấu cơ Su-35

Các máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo mà Iran cung cấp cho Nga trong cuộc xung đột với Ukraine có thể là đòn bẩy để Tehran có nhiều vũ khí mạnh hơn như tên lửa chống hạm hiện đại, hệ thống phòng không tiên tiến và máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không Su-35 Flanker mà nước này đã mong đợi từ lâu.

Iran đã đặt mua máy bay chiến đấu Su-35 và muốn có hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga để đối phó với tên lửa và lực lượng không quân vượt trội của Israel. Nếu tất cả các thỏa thuận trên được thực hiện thì điều này sẽ giúp tăng cường năng lực quân sự của Iran và các nhóm vũ trang mà Tehran hỗ trợ.  

Justin Bronk, chuyên gia về Nga và tác chiến trên không tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cho rằng: “Việc chuyển giao Su-35S của Nga cho Iran với số lượng lớn sẽ mất nhiều thời gian. Ngoài ra, còn các vấn đề liên quan đến đào tạo phi hành đoàn, nhân viên bảo trì, xây dựng cơ sở hạ tầng và đưa thiết bị hỗ trợ mặt đất cần thiết vào vị trí. Không điều gì trong số này có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến các kế hoạch tấn công của Israel trong thời gian tới".

Israel nhiều lần tuyên bố sẽ trả đũa vụ Iran bắn hơn 180 tên lửa đạn đạo vào nước này hôm 1/10. Kể từ đó, có một số báo cáo chưa được xác nhận cho biết, Nga đã chuyển giao ít nhất một phi đội Su-35 và một số lượng không xác định tên lửa S-400 cho Tehran. Anton Mardasov, học giả về chương trình Syria tại Viện Trung Đông cho rằng, thỏa thuận mua bán, trao đổi tiêm kích Su-35 giữa Nga và Iran có thể đã được giải quyết vì Nga đã chuyển giao máy bay huấn luyện Yak-130 cần thiết để đào tạo phi công chiến đấu cho Iran vào tháng 9/ 2023.

Su-35 sẽ cho phép Iran nâng cấp một phần lực lượng không quân già cỗi của nước này, vốn chưa nhận được máy bay chiến đấu mới kể từ đầu những năm 1990. Với tiêm kích đa nhiệm Su-35, Iran có thể tăng cường khả năng bảo vệ không phận của nước này. Mặc dù vậy, đây không phải là khí tài quân sự khả năng thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực. Nhiều quốc gia vùng Vịnh Arab vẫn sở hữu máy bay chiến đấu tiên tiến hơn nhiều so với Iran. Do đó, máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo có khả năng vẫn là phương tiện chính của để Tehran thể hiện sức mạnh quân sự.

Học giả Mardasov thuộc viện Viện Trung Đông suy đoán, thời điểm Nga bàn giao chiến đấu cơ Su-35 cho Iran có thể sẽ phụ thuộc vào "sự sẵn sàng về mặt kỹ thuật" và nhiều yếu tố khác.

Hệ thống S-400

Vào tháng 8/2024, New York Times đưa tin Nga đã bắt đầu chuyển giao hệ thống phòng không cho Iran trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong khu vực sau khi Israel ám sát một nhà lãnh đạo Hamas ở Tehran. Mặc dù Nga không nêu rõ đây là thiết bị gì, nhưng các chuyên gia cho rằng, đó có thể là hệ thống S-400 mà Iran đã tìm kiếm từ lâu.

Những đợt chuyển giao phương tiện và vũ khí như vậy có thể gây thách thức lớn cho các cuộc không kích của Israel hoặc Mỹ vào lãnh thổ Iran. Sau khi Iran tấn công trực tiếp Israel bằng một loạt tên lửa và máy bay không người lái hồi tháng 4/2024, Israel đã đáp trả bằng cách phá hủy radar của hệ thống S-300PMU-2 của Iran - một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất mà Iran mua của Nga.

Học giả Mardasov nhận định, Nga khó có khả năng cung cấp cho Tehran hệ thống phòng không S-400 tiên tiến hơn vì nước này đang thiếu hụt nghiêm trọng hệ thống phòng không trong cuộc xung đột với Ukraine. Nga cần tất cả các hệ thống phòng không mà họ có thể huy động để bảo vệ các kho đạn dược khỏi các đợt tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine, đồng thời cho phép lực lượng không quân cung cấp các cuộc tấn công hỗ trợ yểm trợ bộ binh trên tuyền tuyến, ông Mardasov nhấn mạnh.

Ngay cả khi Nga quyết định cung cấp hệ thống S-400 cho Iran, chương trình đào tạo sẽ mất khoảng 5 tháng, có nghĩa là Iran sẽ không thể đưa chúng vào hoạt động cho đến mùa xuân năm 2025.

Tên lửa P-800

Nga được cho là đang thảo luận về việc cung cấp tên lưa hành trình chống hạm P-800 cho lực lượng Houthi. Thỏa thuận này nếu được thực hiện có thể gây nhiều tranh cãi. Hệ thống tên lửa chống hạm P-800 Oniks có tầm bắn từ 120 đến 300 km (biến thể cải tiến P-800M có tầm bắn lên tới 800 km), có khả năng lướt nhanh trên mặt biển. Động cơ tên lửa nhiên liệu rắn bảo đảm tốc độ tối đa lên tới 2,5M. Chúng tiên tiến hơn các tên lửa chống hạm khác trong kho vũ khí của lực lượng Houthi và có thể tiếp sức cho các cuộc tấn công nguy hiểm vào tàu thuyền của liên minh do Mỹ đứng đầu.

Iran được cho là đang làm trung gian cho thỏa thuận này. Trong khi đó, các nước láng giềng phía bắc của Yemen là Saudi Arabia và Mỹ đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6/2024 cảnh báo, Nga có thể cung cấp vũ khí cho các đối thủ của phương Tây trong một số trường hợp nhất định để đáp trả việc họ cung cấp vũ khí cho Ukraine và cho phép Kiev sử dụng đạn dược của phương Tây để tấn công hạn chế bên lãnh thổ Nga. Ông Putin khẳng định: "Chúng tôi có quyền hành động theo cách tương tự".

Ông Mardasov nhận định: "Liên quan đến tên lửa chống hạm, tôi nghĩ rằng nếu có các các cuộc đàm phán giữa Nga và Houthis về việc cung cấp tên lửa, thì đó chỉ là cuộc đàm phán mang tính chất chung chung. Việc rò rỉ thông tin này có thể là chiến thuật có chủ đích của các cơ quan tình báo Nga để ủng hộ tuyên bố của Tổng thống Putin về khả năng cung cấp vũ khí cho các đối thủ của Mỹ".

Nhà phân tích Mardasov cũng hoài nghi về khả năng Moscow chuyển giao tên lửa P-800 cho Houthi, lưu ý rằng điều đó có thể khiến các tàu chở dầu do Trung Quốc sở hữu gặp rủi ro. Vào đầu năm nay, một tên lửa của Houthi đã bắn trúng tàu chở dầu MV Huang Pu do Trung Quốc sở hữu, treo cờ Panama.

"Ngoài ra, việc chuyển giao tên lửa có chủ đích như vậy sẽ gây căng thẳng với các nước Arab, vốn là đối tác quan trọng của Moscow trong bối cảnh Nga phải chịu nhiều lệnh trừng phạt của phương Tây”, ông Mardasov lưu ý.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng những tên lửa này có thể đến tay Houthis "một cách tình cờ qua Syria", nếu Mỹ và các đồng minh của nước này cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS do phương Tây sản xuất tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Một kịch bản như vậy dường như đã xảy ra. Hezbollah - lực lượng dân quân ủy nhiệm chính của Iran, ở Lebanon được cho là đã mua phiên bản xuất khẩu của tên lửa P-800 tại Syria trong hoàn cảnh không rõ ràng.

Từ khóa: Nga, Nga, Iran, Nga bán vũ khí cho Iran, máy bay chiến đấu Su-35, Mỹ, Israel, tên lửa P-800, hệ thống phòng không S-400, Houthi, Israel đáp trả Iran, Iran tấn công Israel, Nga cung cấp vũ khí cho Iran, quan hệ Nga Iran

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả: hồng anh/vov.vn (biên dịch)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập