Hé lộ chương trình huấn luyện cá heo và sư tử biển của Hải quân Mỹ

Cập nhật: 31/12/2022

VOV.VN - Hải quân Mỹ đang tìm cách chấm dứt các chương trình sử dụng các loài động vật biển và chuyển sang các công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công nghệ vẫn chưa thể thay thế được những khả năng tự nhiên đặc trưng của cá heo và sư tử biển.

Kể từ năm 1959, Hải quân Mỹ đã huấn luyện một số cá heo mũi chai và sư tử biển để thu hồi các thiết bị thất lạc, chặn những kẻ xâm nhập đi vào cảng và phát hiện thủy lôi.

Hiện nay, Hải quân Mỹ đang tìm cách chấm dứt các chương trình sử dụng các loài động vật này như săn tìm và vô hiệu hóa những quả thủy lôi bị vùi dưới đáy biển, thay bằng việc sử dụng các cảm biến và các phương tiện hiện đại dưới biển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công nghệ này vẫn chưa thể so được với khả năng săn tìm thủy lôi đặc trưng của cá heo.

Chương trình bắt đầu từ khi nào?

Thủy cung đầu tiên có các buổi biểu diễn cá heo được mở tại St. Augustine, Florida vào năm 1938. Khi đó, những chú cá heo biểu diễn cũng những người huấn luyện cá.

Điều đó đã thu hút sự quan tâm của Hải quân. Năm 1959, họ bắt đầu huấn luyện động vật biển có vú cho các nhiệm vụ đối phó với bom mìn và thành lập Chương trình Động vật biển có vú vài năm sau đó, do Trung tâm Chiến tranh Thông tin Hải quân-Thái Bình Dương (NIWC) điều hành. Chương trình này sử dụng cá mập, cá đuối và rùa biển nhưng hiệu quả hơn cả là cá heo và sư tử biển.

Cá heo mũi chai có một sonar sinh học tự nhiên dùng để định hướng và tìm thức ăn. Nhân viên hải quân, sử dụng thức ăn làm phần thưởng, đã huấn luyện chúng sử dụng các sonar đó để xác định vị trí các vật thể mà sonar điện tử có thể không phát hiện được như thủy lôi, thợ lặn đối phương hoặc vũ khí bị thất lạc.

Sư tử biển có râu có thị lực tinh tường và thính giác định hướng phi thường giúp chúng có khả năng xác định vị trí thức ăn. Với sự huấn luyện của các nhân viên hải quân, chúng có thể sử dụng khả năng tự nhiên đó để tìm thủy lôi hoặc những kẻ xâm nhập trong vùng nước tối tăm nhất.

Mặc dù thường xuất hiện trên mặt nước, nhưng cả cá heo và sư tử biển đều có khả năng lặn sâu. Theo Trung tâm Nghiên cứu Động vật biển (Mỹ) sư tử biển có thể lặn sâu 274m và cá heo mũi chai được huấn luyện đã lặn hơn 300m. Đó là độ sâu gấp gần 7 lần so với độ sâu mà hầu hết mọi người có thể hoạt động thoải mái với thiết bị lặn cơ bản. Chúng cũng có thể lướt qua các luống tảo bẹ dày đặc, chướng ngại vật dưới nước hay các bến cảng đông đúc.

Ông Darian Wilson, người phát ngôn NIWC cho biết, cá heo và sư tử biển được huấn luyện cho một trong 3 nhiệm vụ.

“Thu hồi vật thể” MK 5 MMS là những con sư tử biển thực hiện việc xác định vị trí và thu hồi thiết bị của Hải quân, chẳng hạn như công cụ đánh rơi của thợ lặn hoặc thủy lôi huấn luyện. Ngân sách hiện tại cho chương trình này là khoảng 1 triệu USD.

“Ngăn chặn kẻ xâm nhập” MK 6 MMS là những con cá heo và sư tử biển làm việc cùng nhân viên an ninh để phát hiện những thợ lặn trái phép có thể đe dọa tàu, cảng và con người. Ngân sách hiện tại cho chương trình là khoảng 7 triệu USD.

“Đối phó với thủy lôi” MK 7 MMS là cá heo làm việc với các đội rà phá bom mìn lưu động (EOD) để tìm và đánh dấu thủy lôi. Những con cá heo sẽ đánh dấu khu vực nghi ngờ có thủy lôi, sau đó các thành viên EOD hoặc một hệ thống không người lái sẽ vô hiệu hóa những quả thủy lôi đó. Hải quân đã lên kế hoạch tài trợ cho chương trình này khoảng 3,5 triệu USD cho năm 2022.

Tuy nhiên, bên cạnh những tuyên bố công khai ngắn gọn, nhiệm vụ trong thế giới thực của động vật biển có vú vẫn được giữ bí mật.

 “Chúng tôi thường không thảo luận hoặc tiết lộ chi tiết hoạt động của Chương trình động vật biển có vú vì lý do an ninh”, ông Wilson cho biết.

Hiệu quả hơn nhiều công nghệ hiện có

Thủy lôi, đặc biệt là những loại thủy lôi rẻ tiền, vẫn được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả cao. Chúng có thể trôi nổi tự do, được buộc vào dây chìm dưới mặt nước hay ẩn dưới đáy biển.

Ông Scott Truver, một nhà nghiên cứu, chuyên gia về chiến tranh bom mìn, cho biết 15 trong số 19 tàu Mỹ bị đánh chìm hoặc hư hại do thủy lôi của đối phương kể từ sau Thế chiến II là ở vùng nước nông. Trong Chiến tranh vùng Vịnh kéo năm 1991, một số tàu chiến của Mỹ đã bị hư hại nặng nề do thủy lôi của Iraq.

Trong những năm gần đây, Iran đã đe dọa sử dụng thủy lôi để ngăn chặn các chuyến vận chuyển dầu quan trọng ở Vịnh Ba Tư. Sự xuất hiện của thủy lôi ở Biển Đen trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine cũng làm gián đoạn các hoạt động vận chuyển trong khu vực.

Những người quen thuộc với chương trình cho biết động vật biển có vú vẫn là một lựa chọn hợp lý để bảo vệ tàu, bến tàu và bến cảng cho đến khi công nghệ tốt hơn đi vào hoạt động. Theo ông Truver, chi phí cho chương trình này “chỉ là hạt bụi nhỏ so với chi phí dành cho một tàu sân bay”.

“Mỹ cần có khả năng đối phó với thủy lôi chôn vùi dưới đáy biển đặc biệt là khi mối đe dọa về loại vũ khí này ngày càng tăng”, ông Truver nói.

Truver cho biết thêm, hải quân Trung Quốc thường xuyên huấn luyện với các loại thủy lôi tinh vi, đồng thời lưu ý rằng “số lượng thủy lôi được sản xuất và sẵn sàng triển khai đã tăng lên trong 10 năm qua”.

Hải quân hy vọng các phương tiện dưới nước không người lái (UUV) tiên tiến và sonar quét sườn sẽ khiến các loài động vật có vú dưới biển trở nên lỗi thời. Tuy nhiên, những công nghệ này vẫn chưa phát triển đến mức đó.

Ông Scott Savitz, một kỹ sư cao cấp của Rand Corporation cho biết: “Chúng ta lúc nào cũng cho rằng còn 5 năm nữa mới có được các công nghệ giúp loại bỏ nhu cầu sử dụng động vật biển có vú. Nhưng tôi tự hỏi liệu chúng ta đã ở thời điểm đó hay chưa”.

Theo ông Savitz, cá heo và sư tử biển có khả năng thực hiện trình tự “phát hiện-thực hiện” nhanh hơn so với các công nghệ hiện có, sử dụng một chuỗi quyết định và hành động để phát hiện vật thể, xác định xem đó có phải là thủy lôi hay không và quyết định biện pháp đối phó nào là cần thiết. Các loài động vật có vú chỉ cần chạm vào mái chèo để thông báo cho người huấn luyện hoặc người xử lý EOD của chúng khi chúng phát hiện thấy thủy lôi khả nghi.

 “Chúng có độ chính xác cao trong việc phân biệt thủy lôi hoặc các vật thể tương tự như thủy lôi với vô số mảnh vụn dưới đáy biển ở các khu vực đông dân cư”, ông Savitz nói.

Cá heo cũng không gặp phải các vấn đề khi làm việc trong dòng nước mạnh, điều mà các hệ thống chạy bằng pin có thể gặp khó khăn.

“Giống như việc chúng ta sử dụng chó để phát hiện ma túy hoặc chất nổ, có rất nhiều lợi ích khi dựa vào khả năng tự nhiên của cá heo. Chúng ta không cần phải phát minh lại thứ gì đó mà chúng ta đã có khả năng rồi”, ông Savitz nói thêm.

Chế độ chăm sóc tốt nhất

Ông Wilson cho biết “căn cứ” của cá heo và sư tử biển là các bãi rào tại Point Loma và 3 căn cứ khác trên Vịnh San Diego, cũng như tại các cảng hải quân quan trọng khác. Giống như thủy thủ đi biển, đôi khi chúng được triển khai trên tàu, tham gia tập trận và thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài.

Các quan chức nói rằng những con vật này không bị giam giữ. Khi làm việc với những người huấn luyện, chúng hầu như rời khỏi bãi rào hàng ngày và tự do bơi đi. Câu chuyện về những con cá heo bơi đến gần những người chèo thuyền để tìm kiếm thức ăn không phải là hiếm.

Ông Wilson cho biết: “Chúng nhận được sự chăm sóc chất lượng cao nhất ở bất kỳ đâu trên thế giới. Chúng dành cả ngày để khám phá cùng chúng tôi ngoài vịnh, ở San Diego hoặc xa hơn nữa, Intracoastal Waterway ở phía Nam, Puget Sound ở phía Bắc. Khi không làm việc, chúng được tự do với những người bạn đồng hành của chúng”./.

Từ khóa: chương trình huấn luyện cá heo của Hải quân Mỹ, huấn luyện cá heo, huấn luyện sư tử biển, Hải quân Mỹ

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập