HĐND các địa phương thống nhất nhiều chủ trương về an sinh xã hội
Cập nhật: 09/12/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Nhiều quyết sách được HĐND các địa phương thống nhất thông qua nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội... Đây cũng được coi là nhiệm vụ trọng tâm của nhiều địa phương trong năm 2023.
Quảng Ninh thông qua loạt quyết sách nâng cao chất lượng đời sống người dân
HĐND tỉnh Quảng Ninh vừa thông qua nhiều quyết sách nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là vùng miền núi, hải đảo còn nhiều khó khăn. Đây cũng được coi là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương trong năm 2023.
Bên cạnh điều chỉnh chủ trương 13 dự án đầu tư công, nhiều chính sách về hỗ trợ giáo dục, nâng cao chất lượng nhân lực được các đại biểu HĐND Quảng Ninh đồng thuận cao. Để khuyến khích phát triển giáo dục mầm non dân lập, tư thục, trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động tại KCN sẽ được hỗ trợ 240 nghìn đồng/tháng; giáo viên trực tiếp chăm sóc nhóm lớp có từ 30% trẻ thuộc diện này tại địa bàn có KCN được hỗ trợ 1,2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, giáo viên, nhân viên y tế tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục còn được hỗ trợ kinh phí đóng BHXH, BHYT, hỗ trợ lãi suất vay thương mại để xây mới các dự án. Cùng với đó là các hỗ trợ để thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ làm việc tại Quảng Ninh; hỗ trợ đào tạo sau đại học, chuyên sâu nâng cao tay nghề đối với đội ngũ y, bác sỹ… Quảng Ninh cũng nâng mức trợ cấp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo; bổ sung đối tượng hưởng trợ cấp là người già không có lương hưu, người khuyết tật…
Thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH, bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Quảng Ninh bố trí nguồn vốn ngân sách và vốn huy động hợp pháp khác để đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Trong đó tập trung vào giáo dục, y tế, văn hoá, thuỷ lợi, nước sinh hoạt; các công trình giao thông kết nối liên vùng, liên xã, liên thôn, xoá các điểm ngập lụt; hỗ trợ hộ nghèo, nhóm dân tộc khó khăn… Hướng đến bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, HĐND tỉnh Quảng Ninh quyết nghị các giải pháp hỗ trợ cụ thể để nâng tỷ lệ dân số tham gia BHYT từ 95% năm 2022 lên trên 95,75% vào năm 2025.
Xác định chủ đề năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống Nhân dân”, Quảng Ninh cũng đặt ra các chỉ tiêu trọng tâm trong phát triển kinh tế: giữ vững đà tăng trưởng GRDP trên 10%, tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 54.000 tỷ đồng, giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI. Đặc biệt tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trên 1 tỷ USD; ưu tiên cho an sinh xã hội và các công trình có tính chất động lực lan tỏa, hỗ trợ phát triển sản xuất, thu hẹp chênh lệch vùng miền trong tỉnh…
Ông Nguyễn Xuân Ký, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh cần đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, quản lý, giám sát nâng cao hiệu quả đầu tư công, kiên quyết không để lặp lại tình trạng dàn trải, manh mún, cắt khúc, kéo dài, cơ chế “xin - cho”, “dưới duyệt - trên cấp”, khắc phục triệt để những yếu kém trong khâu tư vấn, khảo sát, thiết kế, chuẩn bị đầu tư, đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thành và bảo đảm chất lượng các công trình giao thông trọng điểm. Nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh.
Đại biểu HĐND “hiến kế” để Bình Dương phát triển
Sáng 9/12, HĐND tỉnh Bình Dương khóa X tiếp tục kỳ họp thứ 8 với phần thảo luận. Tại đây, các đại biểu HĐND tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra vấn đề còn hạn chế và đóng góp ý kiến, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội Bình Dương trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Bình Dương hiện có gần 60.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp. Năm 2022, do ảnh hưởng của tình hình thế giới nên các doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng dẫn đến phải cắt giảm nhân công, vay các khoản để duy trì sản xuất. Để cầm cự, doanh nghiệp rất mong lãnh đạo tỉnh Bình Dương quan tâm, chia sẻ khó khăn thông qua việc kiến nghị giãn nợ, chậm nộp thuế, có những khoản vay ưu đãi. Bên cạnh đó, tiếp tục phát động Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tăng cường sử dụng vật tư trong nước để giúp doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
Đại biểu Ngô Hoàng Minh nhấn mạnh, Bình Dương đặt chỉ tiêu thu ngân sách năm 2023 hơn 74.000 tỷ đồng, tức là tăng 20% với với năm 2022. Để đạt mục tiêu này, chính quyền nên tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cái khó nhất hiện nay là nguồn lực nên cần có sự trợ lực.
"Tỉnh Bình Dương nên có một thể chế tài chính cùng ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, cùng quỹ tài chính hợp lực lại để có thể tài trợ, làm cầu nối hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt thời điểm khó khăn, đem lại công ăn việc làm. Như vậy, chính quyền sẽ thực hiện được mục tiêu kép, tức là giải quyết vấn đề tồn tại của xã hội, công nhân, người lao động có việc làm, ổn định xã hội; doanh nghiệp phục hồi để có thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thuế", đại biểu Minh kiến nghị.
Một vấn đề làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Dương đó là thiếu nhân sự trong khi dân số ngày càng tăng. Không được tăng biên chế nên Bình Dương vận dụng linh hoạt bằng cách tăng số lượng cán bộ không chuyên trách, thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn công tác, họ đã xin nghỉ việc vì lương, phụ cấp không đủ sống.
Đại biểu Nguyễn Khoa Diệu An chia sẻ, cán bộ không chuyên trách khá thiệt thòi khi khối lượng tương đương công chức nhưng họ chỉ được nâng lương 1 lần chứ không được nâng lương theo định kỳ. Cán bộ không chuyên trách cấp xã thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng họ chỉ được hưởng hưu trí, tử tuất, không được hưởng đầy đủ chế độ như công chức. Còn ở khu phố, ấp chưa được hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội nên không có chế độ thai sản.
Đại biểu Nguyễn Khoa Diệu An kiến nghị HĐND tỉnh quan tâm chỉ đạo việc rà soát chế độ chính sách cho cán bộ ở cơ sở và cũng xem xét việc ban hành các chính sách hỗ trợ thêm cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được nâng lương theo định kỳ; hỗ trợ chế độ thai sản cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ấp, khu phố để các chị em an tâm công tác và tiếp tục phấn đấu, cống hiến.
Các đại biểu khác nêu lên những hạn chế và hiến kế tháo gỡ vướng mắc trong việc giải ngân vốn đầu tư công chậm; tình hình ngập nước ở các tuyến đường trong tỉnh; ổn định tình hình an ninh trật tự; phát triển nông nghiệp công nghệ cao...
Tiếp thu các ý kiến, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bình Dương luôn xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính quyền để đồng hành, hỗ trợ. Bình Dương đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp và thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các hiệp hội ngành hàng, công ty, công đoàn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành, các cấp nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp từ nguồn nguyên liệu, lao động, sản xuất, tiêu thụ... ; phát động phong trào người Việt dùng hàng Việt.
Tính đến đầu tháng 12/2022, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ cho 285 khách hàng vay với số tiền 6,8 tỷ đồng theo Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% gói 40.000 tỷ đồng từ Nghị định 31/2022 của Chính phủ.
Ông Võ Văn Minh thông tin thêm: “Trong buổi làm việc với hiệp hội, doanh nghiệp, các đơn vị cho rằng, được vay theo Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% này thì tốt nhưng không bằng việc giúp doanh nghiệp cơ cấu lại nợ, giãn thời gian nộp thuế, UBND tỉnh đã tiếp thu và đề nghị cơ quan chức năng tổng hợp ý kiến, kiến nghị Thủ tướng. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước; hỗ trợ lao động chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao tay nghề, giới thiệu việc làm; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định".
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng thừa nhận, địa phương đang "đau đầu" với việc thiếu nhân sự, nhất là ở các ngành y tế, giáo dục, công an… Do thiếu nhân sự nên việc bố trí theo hình thức “cào bằng” khiến một số phường đông dân cư, cán bộ quá tải công việc. Không chịu được áp lực nên nhiều người phải xin nghỉ làm, do đó tỉnh đã kiến nghị Trung ương xem xét có cơ chế chính sách đặc thù về biên chế đối với các địa phương có dân số đông, tốc độ kinh tế- xã hội phát triển nhanh như Bình Dương.
Riêng đối với chế độ cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách các cấp, bà Nguyễn Trường Nhật Phượng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương cho biết, trong thời gian qua Tỉnh ủy tổ chức các đoàn công tác để khảo sát về tình hình và chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách cho đội ngũ cán bộ cơ sở trong thời gian tới. Trên cơ sở chỉ đạo, HĐND và UBND tỉnh sẽ nghiên cứu để xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù, làm sao góp phần nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở trong thời gian sớm nhất.
Kỳ họp thứ 8 của HĐND tỉnh Bình Dương là kỳ họp cuối cùng của năm 2022. Khép lại năm cũ với 28 nghị quyết về kinh tế-xã hội vừa HĐND tỉnh biểu quyết thông qua sẽ là nền tảng để Bình Dương tiếp tục đà tăng trưởng hoàn thành các mục tiêu đề ra và thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Quảng Trị hỗ trợ cán bộ, công chức xã, thị trấn dôi dư nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc do sắp xếp đơn vị hành chính
Chiều 9/12, Kỳ họp cuối năm Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị bế mạc, thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng. Đáng chú ý là Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức xã, thị trấn nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc do dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 11,8 tỷ đồng
Theo Nghị quyết Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị, mỗi cán bộ, công chức xã, thị trấn nghỉ hưu trước tuổi, ngoài chính sách hiện hành của Chính phủ quy định, mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được hỗ trợ nửa tháng tiền lương và phụ cấp hiện hưởng. Mỗi cán bộ, công chức xã, thị trấn thôi việc ngay, ngoài chính sách hiện nay của Chính phủ quy định, mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được hỗ trợ 1 tháng tiền lương và phụ cấp hiện hưởng. Mức hỗ trợ thấp nhất là 6 tháng lương và phụ cấp hiện hưởng
Thời gian để tính chế độ hỗ trợ, nếu có tháng lẻ thì được tính tròn theo nguyên tắc dưới 3 tháng không tính, từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng được tính nửa năm, từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng, tính tròn 1 năm. Thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ đến ngày 31/1/2024. Số cán bộ, công chức dôi dư là 121 người, trong đó 60 người thôi việc, 61 người nghỉ hưu trước tuổi; Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 11,8 tỷ đồng, bình quân mỗi người được hỗ trợ hơn 97,8 triệu đồng
Nghị quyết này nhằm hỗ trợ cán bộ, công chức xã, thị trấn dôi dư để động viên, khuyến khích họ tự nguyện thôi việc ngay hoặc về hưu trước tuổi, góp phần giải quyết cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Ông Ngô Quang Chiến, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị cho biết: “Vừa rồi, chúng ta thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính, liên quan đến đội ngũ cán bộ. Số cán bộ dôi dư này tuổi đời rất trẻ, trình độ bằng cấp đảm bảo tiêu chuẩn, trách nhiệm, tâm huyết với công việc, được đánh giá cao hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ dôi dư để chúng ta vận động cán bộ dôi dư thuộc diện sắp xếp được hỗ thêm một chính sách trước khi nghỉ việc".
Lại nóng vấn đề phá rừng tại kỳ họp HĐND tỉnh Kon Tum
Tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép là vấn đề nóng được nhiều cử tri quan tâm và đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Kon Tum khóa XII diễn ra hôm nay (9/12).
Trong 11 tháng của năm 2022, lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum đã phát hiện 83 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, thu giữ trên 419m3 gỗ các loại, diện tích rừng bị thiệt hại hơn 32ha.
Tại phiên chất vấn HĐND tỉnh Kon Tum, đại biểu Trần Bá Tuấn nêu hai vụ điển hình xảy ra tại địa bàn huyện Ia H’Drai và Sa Thầy với thiệt hại hàng trăm m3 gỗ, ông khẳng định đã có sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm và thậm chí là tiếp tay cho lâm tặc.
“Với khối lượng khai thác lớn như thế nếu chúng ta làm tốt công tác phối hợp, xác định rõ trách nhiệm quản lý của các cơ quan, đơn vị trong đó chủ rừng, kiểm lâm, chính quyền địa phương thì không ai có thể vào rừng khai thác với khối lượng rất lớn như thế. Nếu khai thác lớn như thế thì vận chuyển đi ra đường nào, trách nhiệm của các trạm liên ngành như thế nào?”, đại biểu Trần Bá Tuấn nêu quan điểm.
Trả lời trước HĐND tỉnh, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum khẳng định để xảy ra các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa quan tâm đúng mức; Trách nhiệm của một số cán bộ làm công tác quản lý bảo vệ rừng chưa cao; Còn tình trạng buông lỏng quản lý, tiếp tay cho đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép; Chính sách lĩnh vực lâm nghiệp còn bất cập; Năng lực quản lý của một số chủ rừng còn hạn chế…
Về giải pháp giữ rừng thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Tháp cho biết: “Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành và các địa phương trực tiếp là cấp huyện và cấp xã, tăng cường vai trò trách nhiệm của chủ rừng và lực lượng kiểm lâm. Tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát, đặc biệt là mùa làm nương rẫy. Tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và chỉ đạo các địa phương từ huyện đến xã và các lực lượng để phát hiện, xử lý và đặc biệt là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng khẳng định, so với cùng thời kỳ năm 2021, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giảm cả về số vụ, diện tích thiệt hại và khối lượng gỗ vi phạm. Trong năm, tỉnh đã xử lý hành chính 63 vụ; xử lý hình sự 17 vụ và đang điều tra, xác minh 23 vụ. Về trách nhiệm đã xử lý kỷ luật 27 trường hợp, trong đó có 16 lãnh đạo. Tòa án nhân dân các cấp đã đưa ra xét xử 4 vụ, tuyên phạt 20 bị cáo với tổng mức án 347 tháng tù giam, 65 tháng tù cho hưởng án treo và phạt cải tạo không giam giữ 60 tháng.
Đắk Lắk phấn đấu thu ngân sách đạt 10.000 tỷ đồng
Đắk Lắk phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 10.000 tỷ đồng trong năm 2023. Đây là một trong những chỉ tiêu vừa được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk thông qua tại kỳ họp cuối năm.
Năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 9.100 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, vượt 37% dự toán trung ương giao. Đây là cơ sở và tiền đề để Đắk Lắk phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2023 trên địa bàn đạt hơn 10.000 tỷ đồng.
Theo ông Bùi Văn Yên, Giám đốc Sở Tài Chính tỉnh Đắk Lắk mục tiêu thu ngân sách 10.000 tỷ đồng hoàn toàn có thể đạt được khi các dự án về năng lượng tái tạo tại Đắk Lắk đã dần đi vào hoạt động. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2023, cả hệ thống chính trị cùng các doanh nghiệp, người dân phải nỗ lực lớn trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo kết luận của Tỉnh uỷ, Nghị quyết của HĐND tỉnh và các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ông Bùi Văn Yên cho rằng trong giai đoan 2021-2025 từ huyện đến tỉnh đều có Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách, đưa hoạt động của các ban chỉ đạo thu ngân sách ở các huyện, thị xã thành phố, hoạt động ngay từ đầu năm. Sau khi tỉnh giao chỉ tiêu là phải vào cuộc để thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách. Thu ngân sách là nhiệm vụ của tất cả cấp uỷ chính quyền địa phương, 1 trong những chỉ tiêu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng cấp từng ngành để đến năm 2025 theo nghị quyết của tỉnh đảng bộ là đạt 12.500 tỷ đồng và tổng thu của giai đoạn 2021-2025 là đạt 53.000 tỷ đồng”.
Thanh Hoá khai mạc kỳ họp thứ 11 – HĐND khoá XVIII
Sáng 9/12, tại Trung tâm hội nghị thành phố Thanh Hóa, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đã khai mạc Kỳ họp thứ 11.
Theo báo cáo tại kỳ họp, năm 2022 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Thanh Hoá ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5%) và đứng thứ 7 cả nước; thu ngân sách nhà nước ước đạt 48.820 tỷ đồng, vượt 65% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ, đạt cao nhất từ trước đến nay; tổng huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 138.919 tỷ đồng…
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: những kết quả đạt được năm 2022 tạo tiền đề vững chắc, tiếp thêm động lực để Thanh Hoá thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025.
Ông Đỗ Trọng Hưng đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu thật kỹ các báo cáo được xem xét tại kỳ họp, các tờ trình của UBND tỉnh, các báo cáo thẩm tra của các Ban của HĐND tỉnh; từ thực tiễn sinh động, phong phú của ngành, lĩnh vực và địa phương mình, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng, ngắn gọn, có trọng tâm; chất vấn đúng và trúng các vấn đề mà cử tri quan tâm, góp phần vào thành công của Kỳ họp, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Dự kiến tại kỳ họp, các đại biểu cũng sẽ xem xét quyết định 39 tờ trình của UBND tỉnh về những vấn đề liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, chủ trương đầu tư các dự án…; các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh; tiến hành các thủ tục bãi nhiệm đại biểu HĐND, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021- 2026; tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn./.
Từ khóa: họp Hội đồng nhân dân các địa phương
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN