Hầu hết địa phương trong tiểu vùng Nam Trung Bộ chưa tự cân đối được ngân sách

Cập nhật: 24/06/2022

VOV.VN - Quá trình phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ cũng đã xuất hiện tình trạng xung đột lợi ích giữa các địa phương, liên kết vùng còn lỏng lẻo, lúng túng…

"Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới" là chủ đề toạ đàm do Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 39/2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị vừa tổ chức sáng nay (24/6) tại thành phố Nha Trang.

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh, thành phố là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước. Đây cũng là vùng chịu sự tàn phá nặng nề từ chiến tranh, thiên tai, bão lụt...

Năm 2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010. Tiếp đó, tháng 8/2012, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 25 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39.

Theo đó, khu vực này được chia thành 3 tiểu vùng, trong đó, tiểu vùng Nam Trung Bộ gồm các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận có diện tích khoảng 21.500 km2, dân số khoảng 3,950 triệu, chiếm gần 4% dân số cả nước. Tiểu vùng này có ý nghĩa chiến lược về an ninh quốc phòng với quần đảo Trường Sa và thềm lục địa rộng lớn, thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, du lịch, vận tải với kết cấu hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi.

Tại tọa đàm, ông Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, thực hiện Nghị quyết số 39 và Kết luận 25, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tiểu vùng Nam Trung bộ đã cụ thể hóa nội dung Nghị quyết, hoàn thành được nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển ngày càng tăng. Kết cấu hạ tầng được đầu tư mở rộng theo hướng hiện đại; Hệ thống đô thị hình thành và phát triển nhanh. Các khu du lịch ven biển, sinh thái, chất lượng cao, có thương hiệu dần trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế biển, đảo được chú trọng và khai thác hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của một số địa phương trong tiểu vùng vẫn còn nhiều khó khăn, 3/4 địa phương trong tiểu vùng chưa tự cân đối được ngân sách, quy mô nền kinh tế tiểu vùng còn nhỏ và dễ bị tổn thương. Quá trình phát triển cũng đã xuất hiện tình trạng xung đột lợi ích giữa các địa phương, liên kết vùng còn lỏng lẻo, lúng túng; thiếu vai trò “nhạc trưởng” định hướng, dẫn dắt của Nhà nước, lợi thế quy mô nhiều ngành, lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy.

Ông Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ các nội dung như tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong tiểu vùng và cả vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; đề xuất những định hướng lớn về vai trò, chức năng và nhiệm vụ chính của từng địa phương.

Từ đó, đề xuất Ban Chỉ đạo những giải pháp về quy hoạch và tổ chức không gian tiểu vùng trong mối quan hệ với cả vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, đặc biệt là liên kết phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển và phát triển đô thị... đảm bảo phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

“Cần làm rõ hơn về xu hướng tất yếu và lợi ích của các địa phương khi tăng cường liên kết phát triển tiểu vùng, nhất là trong bối cảnh nhiều xu thế kinh tế mới, nhiều thách thức mới xuất hiện như dịch bệnh Covid-19, chính sách bảo hộ thương mại, biến đổi khí hậu. Những vấn đề mới đang đặt ra trong liên kết của tiểu vùng, khai thác tốt cách mạng công nghiệp 4.0, xu thế phát triển mới, kinh tế xanh. Đặc biệt là phải trên cơ sở liên kết vùng để khai thác những lợi thế, xu thế này”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị./.

Từ khóa: Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập