Hậu Covid-19: Thế giới sẽ không bao giờ trở lại như trước
Cập nhật: 08/05/2020
VOV.VN - Sẽ rất khó có chuyện thế giới trở về như trước đây sau đại dịch Covid-19 bởi hệ luỵ của dịch bệnh này là rất nghiêm trọng.
Hướng tới tương lai xanh hơn
Lời cảnh báo trên được các thị trưởng đại diện cho khoảng 750 triệu dân trên toàn thế giới đưa ra trong cuộc họp trực tuyến ngày 6/5 để bàn về các biện pháp khôi phục kinh tế thời kỳ hậu Covid-19, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến những nỗ lực bảo vệ môi trường để giảm thiểu tối đa những tác động xấu của dịch bệnh.
Thế giới sẽ không thể trở về trạng thái trước đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters |
Thị trưởng New York Bill de Blasio nhấn mạnh: “Một nửa các biện pháp hiện đang được tiến hành sẽ phải giữ nguyên để bảo vệ chúng ta khỏi một cuộc khủng hoảng tiếp theo. Lần này, chúng ta sẽ cần có một thoả thuận mới đòi hỏi sự cải cách sâu rộng nhằm khôi phục lại cuộc sống, thúc đẩy sự bình đẳng, ngăn chặn các cuộc khủng hoảng mới về kinh tế, y tế và biến đổi khí hậu”.
Hưởng ứng tuyên bố của ông Bill de Blasio, nhiều thị trưởng khác đã công bố một loạt các biện pháp nhằm ủng hộ việc cắt giảm khí thải carbon giúp duy trì sự phục hồi của môi trường một cách bền vững. Trong đó có sáng kiến xây dựng nhiều làn đường dài hàng trăm km dành cho người đi xe đạp ở Milan (Italy), Mexico City (Mexico) hay việc mở rộng vỉa hè và các khu vực dành riêng cho người đi bộ tại New York và Seattle (Mỹ).
Tại London (Anh), Thị trưởng Sadiq Khanđã công bố một kế hoạch mở rộng không gian cho cả người đi xe đạp và khách bộ hành trên khắp thủ đô trong một nỗ lực nhằm khuyến khích “du lịch xanh và bền vững” cũng như ngăn ngừa việc sử dụng xe hơi quá mức khiến tình trạng ô nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn sau khi lệnh phong toả được dỡ bỏ.
Kế hoạch của ông Khan được đưa ra trong bối cảnh, Sở Giao thông London dự kiến, số lượng người đi xe đạp sẽ tăng lên gấp 10 và số người đi bộ sẽ tăng lên gấp 5 lần so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát tại Anh khi mọi người bắt đầu trở lại làm việc sau khi lệnh phong toả được dỡ bỏ mà vẫn muốn tránh sử dụng các phương tiện công cộng để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Thị trưởng London nhấn mạnh, ông quyết tâm “xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn” thời kỳ hậu Covid-19: “Covid-19 đã phơi bày sự bất bình đẳng và những lỗ hổng lớn đối với nền kinh tế của chúng ta khiến nhiều người bị đẩy ra rìa xã hội. Chúng ta cần chấp nhận một chuẩn mực thế giới mới với một động lực mới nhằm giải quyết nhanh chóng tình trạng khẩn cấp về môi trường hiện nay”.
Covid-19 đã gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và y tế với thế giới nhưng phần nào đó đang thúc đẩy nỗ lực thay đổi cuộc sống trên toàn cầu của lãnh đạo các thành phố lớn theo hướng xanh và lành mạnh hơn. Ảnh: Astound |
Cần kế hoạch hành động khẩn cấp
Trước đó, tuần trước, thị trưởng các thành phố ở châu Âu, Mỹ và châu Phi đã tổ chức cuộc họp trực tuyến và đi đến thành lập “nhóm công tác về kinh tế C40” có trách nhiệm điều phối những nỗ lực nhằm vạch ra các kế hoạch giảm khí thải carbon và hướng tới hồi phục kinh tế một cách bền vững sau đại dịch.
Giám đốc điều hành C40 Mark Watts nhấn mạnh, các thị trưởng có rất nhiều quyền lực trong việc bảo vệ người dân của họ cũng như vạch ra hướng đi cho việc khôi phục kinh tế: “Nhiều chính trị gia đầy quyền lực sẵn sàng hợp tác với nhau và cùng khẳng định rằng, việc khôi phục nền kinh tế xanh là cực kỳ quan trọng”.
“Chúng tôi đang đề cập việc thành lập một quỹ chung trong đó các thị trưởng sẽ cùng đóng góp để thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện sử dụng điện, các loại xe đạp cũng như ủng hộ việc xây dựng các toà nhà thân thiện với môi trường… Các thành phố thuộc nhóm C40 đang đổ hàng trăm triệu USD cho những kế hoạch này và hy vọng sẽ thu được kết quả tích cực và lâu dài”, ông Mark Watts nói thêm.
Cũng theo ông Mark Watts, bản tuyên bố về nguyên tắc của C40 đã được lãnh đạo 33 thành phố trên thế giới, trong đó có các thành phố lớn như Los Angeles (Mỹ), Lisbon (Bồ Đào Nha), São Paulo (Brazil), Seoul (Hàn Quốc), Melbourne (Australia) đặt bút ký.
Tuyên bố của C40 cảnh báo, sự hồi phục sau dịch bệnh Covid-19 “sẽ không đồng nghĩa với việc cuộc sống trở lại như trước đây bởi thế giới đã sẵn sàng cho mục tiêu kiểm soát sự nóng lên của Trái đất dưới ngưỡng 3oC” - mức được đánh giá là sẽ gây ra khủng hoảng nghiêm trọng về biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Tuyên bố cũng kêu gọi cần tiến hành “những hành động khẩn cấp về môi trường” nhằm “thúc đẩy đà khôi phục về kinh tế và tăng cường bình đẳng xã hội thông qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại và việc sáng tạo ra những ngành công nghiệp mới cùng nhiều dạng công việc mới”.
Tỷ phú Mike Bloomberg, Chủ tịch C40 và từng là Thị trưởng New York khẳng định: “Nhóm công tác C40 cam kết sẽ hỗ trợ các thị trưởng và lãnh đạo thành phố trong nỗ lực hồi phục kinh tế thời hậu Covid-19 theo hướng tiến đến tương lai chứ không phải là quay lại quá khứ. Những nguyên tắc mà chúng tôi vạch ra sẽ hướng nỗ lực của chúng tôi vào việc phát triển một chuẩn mực mới xanh hơn, lành mạnh hơn và thịnh vượng hơn cho mọi người”./.
Từ khóa: virus corona, dịch viêm phổi cấp, vũ hán, dịch corona, viêm phổi cấp
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN