Hạt vi nhựa xâm nhập vào cơ thể con người qua đường nào?
Cập nhật: 01/04/2022
Bí tiểu ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào?
Những điều kiêng kỵ trong ngày tết Thanh Minh tránh xui xẻo cả năm
[VOV2] - Mới đây, nhóm chuyên gia tại Hà Lan đã phát hiện những trường hợp đầu tiên có hạt vi nhựa trong máu. Các hạt này có thể di chuyển xung quanh cơ thể và chui vào nhiều cơ quan. Vì sao lại xảy ra điều này?
Lần đầu phát hiện hạt vi nhựa được tìm thấy trong máu người - Đây là nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan được công bố mới đây trên tạp chí Môi trường Quốc tế. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Hạt vi nhựa là gì? Vì sao hạt vi nhựa lại tồn tại trong cơ thể người? Liệu nó có ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta?
Hạt vi nhựa là gì?
Theo TS Hoàng Thị Minh Nguyệt – GV Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp VN, hạt vi nhựa là những hạt nhựa nhân tạo, có kích thước nhỏ hơn 5mm. Các hạt nhựa được tạo ra từ các nhựa hóa dầu polystyrene, polypropylene hoặc polyetylen. Chúng ta có thể gặp loại chất này trong rất nhiều sản phẩm hàng ngày như kem đánh răng, nước tẩy da chết, sữa rửa mặt, nước đóng chai…đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Hạt vi nhựa xâm nhập vào cơ thể người như thế nào?
Trong quá tình sinh hoạt, sản xuất hàng ngày, con người thải ra môi trường rất nhiều các sản phẩm được chế biến từ nhựa. Trong đó có rất nhiều hạt vi nhựa. Do phần lớn chúng được xử lý không đúng quy trình nên các chất này được trực tiếp thải ra các nguồn nước ao, hồ, sông, suối, cuối cùng chảy ra biển. Khiến trong nước cũng có rất nhiều các hạt vi nhựa
Các loại sinh vật dưới nước nhầm tưởng hạt vi nhựa là thức ăn nên đã vô tình hấp thụ chúng. Đến khi con người sử dụng thực phẩm từ động vật để làm thức ăn, chúng ta cũng vô tình hấp thụ luôn các hạt vi nhựa vào trong cơ thể.
“Theo các nghiên cứu gần đây trên 15 nhãn hiệu muối biển khác nhau phát hiện có tới 600 hạt vi nhựa/kg muối biển. Người ta cũng phát hiện ra có khoảng 660 sợi vi nhựa/kg mật ong và hơn 100 mảnh nhựa/lít bia. Theo các nhà khoa học thì hải sản có nồng độ vi nhựa cao nhất trong chuỗi thức ăn vì các hạt vi nhựa này đặc biệt phổ biến trong nước biển." TS Hoàng Thị Minh Nguyệt cho biết.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Dũng - Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và ATTP, trường Đại học Y HN, hạt vi nhựa còn tìm thấy trong rất nhiều thực phẩm quen thuộc mà con người ăn hàng ngày. Ví dụ như trà, rong biển, nước có ga, nước uống đóng chai, các loại thủy hải sản...
Tại nước ta, nghiên cứu về ô nhiễm vi nhựa trong sinh vật thủy sinh đã được thực hiện trên loài vẹm xanh ở vùng nước lợ tỉnh Thanh Hóa và các loài cá, tôm tự nhiên trên sông Lòng Tàu (hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai). Kết quả của nghiên cứu cho thấy mức độ ô nhiễm vi nhựa trong sinh vật thủy sinh ở Việt Nam tương đối cao so với các sinh vật hai mảnh vỏ ở châu Âu, hay một số loài cá ở vùng biển Địa Trung Hải.
Bên cạnh việc vô tình hấp thụ các hạt vi nhựa thông qua chuỗi thức ăn, thói quen sử dụng đồ nhựa đựng thực phẩm hàng ngày cũng là cách đưa các hạt vi nhựa này vào trong cơ thể.
“Từ năm 1990 trở lại đây khi hạt vi nhựa được thay thế các nguyên liệt tự nhiên để sản xuất ra rất nhiều vật dụng hàng ngày như hộp nhựa, cốc nhựa, hộp xốp, bình sữa cho trẻ em,….đều chứa hạt vi nhựa tương đối lớn. Thói quen hàng ngày của chúng ta khiến vô tình dung nạp các hạt vi nhựa vào ví dụ 1 chai nước chứa từ 2-44 hạt vi nhựa/lít. Tuy nhiên nếu chúng ta tái sử dụng chai đó cho những lần tiếp theo thì có thể chứa từ 28-241 hạt vi nhựa/lít…” TS Hoàng Thị Minh Nguyệt phân tích.
Hạt vi nhựa có gây hại cho cơ thể người?
Theo TS Hoàng Thị Minh Nguyệt, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trung bình mỗi năm một người lớn hấp thụ khoảng 60.000 hạt vi nhựa, còn trẻ nhỏ hấp thụ khoảng 40.000 hạt thông qua ăn uống và hít thở.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh sự tồn tại của các hạt vi nhựa tồn tại trong nội tạng của con người, thậm chí là ở màng ối và nhau thai. Mới đây nhất chính là sự phát hiện hạt vi nhựa có trong máu người. Mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể về tác hại của hạt vi nhựa khi tồn tại trong cơ thể người, tuy nhiên những nguy cơ tiềm ẩn là không thể phủ nhận.
PGS.TS Nguyễn Quang Dũng-Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và ATTP, trường Đại học Y HN cho biết, hạt vi nhựa có thể làm rò rỉ bisphenol A và phthalates. Bisphenol A là hóa chất được thêm rất nhiều vào trong thành phần các sản phẩm thương mại, gồm các vật dùng để đựng thực phẩm và các đồ đạc vệ sinh cá nhân. Theo một số nghiên cứu, chất này ảnh hưởng đến hormone, được cho là làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới.
Phthalates gây rối loạn hormone. Việc tiếp xúc với phthalate trước khi sinh có liên quan đến tình trạng giảm testosterone ở con trai. Bên cạnh đó, trong quá trình xả thải ra môi trường, các hạt vi nhựa sẽ tích tụ các hóa chất độc hại khác cũng như các kim loại nặng không tốt cho sức khỏe con người.
TS Hoàng Thị Minh Nguyệt khuyến cáo, việc hạn chế sử dụng vật dụng bằng nhựa, hạn chế dùng nước đóng chai và các thực phẩm ăn sẵn đựng trong các cốc nhựa hay hộp xốp là cách đơn giản và hiệu quả giúp con người giảm tối đa việc tiêu thụ các hạt vi nhựa vào trong cơ thể. Đây cũng là cách ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa ra môi trường.
Từ khóa: Hạt vi nhựa, máu người, ô nhiễm, rác thải nhựa, ung thư, hộp xốp, nhựa dùng một lần, Bisphenol A, phthalates, vov2
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2