Hành trình xóa nhà tạm cho người nghèo ở Yên Bái
Cập nhật: 2 ngày trước
VOV.VN - Năm 2024 là năm đánh dấu mốc quan trọng trong hành trình xóa nhà dột nát, nhà tạm tại tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023 - 2025, khi các địa phương trong tỉnh nỗ lực quyết tâm và đã hoàn thành 100% kế hoạch của cả giai đoạn. Qua đó, giúp người nghèo, người yếu thế có thêm điểm tựa vươn lên trong cuộc sống.
Anh Trịnh Văn Hiến, sinh 1985, ở thôn 2, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái vốn là một thợ mộc có tay nghề và thu nhập của anh nuôi cả gia đình 4 người. Không may trong quá trình làm việc, anh bị tai nạn lao động khiến sức khỏe giảm sút, kinh tế kiệt quệ. Vì thế, bao dự định phải gác lại, trong đó có việc làm nhà kiên cố để trú nắng, trú mưa.
Từ đề án làm nhà cho hộ nghèo giai đoạn 2023 -2025, giữa năm nay, gia đình anh nhận được 50 triệu đồng hỗ trợ của nhà nước; cộng với sự ủng hộ của các tổ chức, đoàn thể, người thân, vợ chồng anh đã vay mượn thêm và đã làm được căn nhà xây kiên cố gần 100 m2, với 3 phòng ngủ, 1 phòng khách và một phòng bếp.
Anh Hiến phấn khởi nói: "Nhà nước và các tập thể đã giúp đỡ em có được căn nhà yên ấm hơn, em rất vui và phấn khởi. Vợ chồng em sẽ cố gắng phấn đấu để sớm thoát khỏi cảnh nghèo".
Chị Vũ Thị Liên ở thôn 1, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ cũng là hộ nghèo thuộc diện khó khăn về nhà ở. Sau khi hôn nhân tan vỡ, không có việc làm ổn định, chị một mình nuôi 2 con nhỏ đang tuổi ăn học, nên 3 mẹ con vẫn phải ở trong căn nhà gỗ xập xệ, xuống cấp vì chưa có tiền làm nhà.
Từ đề án hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, giờ đây, mẹ con chị cũng đã có được căn nhà xây kiên cố thay thế căn nhà cũ xuống cấp.
Chị Liên chia sẻ: "Ngôi nhà mới này tôi rất vui, 2 con tôi cũng mừng lắm. Ở nhà tranh vách đất trước kia vào mùa mưa bão sợ lắm, hai cháu cứ phải ôm lấy mẹ. Với căn nhà mới này đêm hôm mưa bão tôi không phải dậy để soi đèn, chạy ngược chạy xuôi kiểm tra nữa, mẹ con tôi không phải lo lắng khi đêm hôm có mưa to gió lớn nữa".
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Yên Bái nói chung, thị xã Nghĩa Lộ nói riêng đã và đang mang đến những tín hiệu tích cực, bởi "an cư" sẽ "lạc nghiệp", khi người dân có nhà ở ổn định, họ dễ dàng tập trung vào công việc sản xuất, chăn nuôi, cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống.
Bà Lò Thị Tuyết, ở thôn 5, xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ - một trong những hộ dân vừa được làm nhà mới nói: "Giờ có nhà nước hỗ trợ làm được nhà không phải lo lắng lúc mưa gió nữa. Bây giờ cũng phải tiến bộ thôi, đau chân cũng phải cố gắng đi làm để thoát nghèo".
Năm 2024, thị xã Nghĩa Lộ thực hiện hỗ trợ làm nhà cho 85 hộ nghèo thuộc các đối tượng như: hộ nghèo dân tộc thiểu số; hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hộ không có khả năng lao động...
Riêng tại xã Nghĩa Lộ, năm nay có 6 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà theo đề án, đến nay tất cả các nhà đã được hoàn thành và bàn giao cho người dân.
Bà Trần Thị Tuyết Nhung, Công chức lao động, thương binh – xã hội xã Nghĩa Lộ cho biết, để có kết quả này, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, bà con nhân dân và các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương đã đoàn kết tham gia vào việc hỗ trợ xây dựng, đóng góp công sức, tiền mặt và cả những kinh nghiệm làm nhà phù hợp với túi tiền cho các hộ nghèo.
"Xã đã thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng các kế hoạch, phân công các tổ chức, đoàn thể để giúp đỡ các hộ gia đình cả ngày công, hiện vật, tiền mặt… để các hộ gia đình đảm bảo nguồn lực làm nhà theo đúng tiến độ. Xã cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm bảo các quy trình làm nhà theo đúng quy định làm nhà ở của Bộ Xây dựng", bà Nhung.
Tính đến hết tháng 10, toàn bộ 85 ngôi nhà theo Đề án hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ trong năm nay đã hoàn thành, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, có 79 nhà thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 6 nhà từ nguồn xã hội hóa. Mỗi ngôi nhà có diện tích sử dụng bình quân 80m2 và đảm bảo tiêu chuẩn 3 cứng (nền cứng, khung cứng, mái cứng), với tổng kinh phí thực hiện trên 4 tỷ đồng.
Ông Lương Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cho biết, để đảm bảo tiến độ và xây dựng nhà ở phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, các địa phương và ngành chức năng đã tiến hành khảo sát chi tiết từng hộ gia đình và thiết kế các mô hình nhà ở phù hợp với địa hình, phong tục tập quán của người dân. Cùng với đó là giám sát chặt chẽ về chất lượng, tiến độ thi công nhằm đảm bảo tính bền vững và an toàn.
"Một trong những cách làm hiệu quả mà thị xã đã triển khai là huy động đa dạng nguồn lực hỗ trợ. Ngoài kinh phí ủng hộ từ nhà nước, cộng đồng, địa phương đã đẩy mạnh sự vận động đóng góp, giúp đỡ của dòng họ, gia đình, kết hợp với giúp đỡ về ngày công của lực lượng công an, quân đội và các đoàn thể. Đồng thời, phát huy vai trò đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động, huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm chung tay ủng hộ bằng nhiều hình thức phù hợp", ông Lương Mạnh Hà cho biết.
Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu làm 3.022 căn nhà cho hộ nghèo, với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 150 tỷ đồng (chưa kể nguồn kinh phí từ các gia đình và cộng đồng dân cư). Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp… đến nay, nhiều địa phương đã hoàn thành kế hoạch và toàn tỉnh cũng sẽ hoàn thành 100% kế hoạch xoá nhà tạm của cả giai đoạn trong năm nay.
Việc có nơi ở kiên cố không chỉ giúp các hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở cải thiện chất lượng cuộc sống, mà còn thắp sáng niềm tin và hy vọng trên hành trình vươn lên xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.
Từ khóa: nhà tạm, xóa nhà tạm, người nghèo, Yên Bái, xóa nhà tạm nhà dột nát,xóa nhà tạm ở yên bái
Thể loại: Xã hội
Tác giả: thừa xuân/vov-tây bắc
Nguồn tin: VOVVN