Hành trình trở về của du học sinh Việt Nam mùa dịch Covid-19

Cập nhật: 24/03/2020

VOV.VN- Không dám đeo khẩu trang vì sợ bị đánh, bị kỳ thị; chuyến bay đột ngột hủy chuyến khiến các du học sinh không ít lần “thót tim” trong hành trình trở về.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, số người mắc và tử vong tại Châu Âu do dịch Covid-19 đang tăng nhanh. Để ứng phó, các nước đã ban hành lệnh hạn chế các chuyến bay, đóng biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Chính vì vậy, việc trở về quê của những du học sinh Việt Nam cũng trở nên khó khăn hơn.

Không dám đeo khẩu trang vì sợ bị đánh, bị kỳ thị

Trở về trên chuyến bay từ châu Âu, Thùy Chi - du học sinh đang theo học Trung học phổ thông tại Northampton (Anh) nhớ lại những ngày sống tại Anh trong mùa dịch. Chi kể: “Tôi may mắn được trở về nhà trong chuyến bay đầu tiên đưa công dân Việt Nam trở về từ Châu Âu, lúc đó ở Anh mới có khoảng 2.000 ca nhiễm. Mặc dù Anh chưa đóng cửa biên giới nhưng một số nước xung quanh đã thực hiện phong tỏa toàn bộ, các bạn du học sinh khác cũng về nước hết nên tôi cũng bắt đầu lo lắng”.

“Thời điểm đó ở Anh, mọi người ra đường không ai đeo khẩu trang cả, ai đeo khẩu trang sẽ gặp những ánh mắt kỳ thị, thậm chí họ chỉ thẳng vào tôi, nói Virus! Corona! Đã có trường hợp người Châu Á bị đánh vì đeo khẩu trang. Họ nghĩ rằng chỉ những người bị bệnh mới đeo khẩu trang nên rất ác cảm với những người như tôi”, Thùy Chi chia sẻ. Tại ngôi trường mà Chi đang theo học còn phát đi thông báo không nên đeo khẩu trang, tránh gây hoang mang, lo sợ cho các học sinh khác trong trường.

Khi đó Chi và các bạn bảo nhau ở nguyên trong ký túc xá, hạn chế ra đường nếu không có việc thật cần thiết để tránh bị nhiễm bệnh. Song song với đó, Chi liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh tại Anh và cuộc sống hàng ngày cho bố mẹ. “Ngày nào bố mẹ cũng hỏi tôi có ổn không, nhắc nhở các biện pháp phòng dịch. Những lúc như vậy thấy nhớ nhà, nhớ Việt Nam lắm nên khi mẹ hỏi có muốn về không, tôi trả lời luôn: “Con có””, Chi cho biết.

Thùy Chi cũng cho biết, chỉ có thể mua được nước rửa tay khô tại Anh, còn khẩu trang rất khan hiếm. “Tôi đi tìm cả thị trấn mà không ai bán, đặt trên web Amazon (trang thương mại điện tử - PV) hàng nào cũng hết sạch. Vì thế mẹ phải gửi từ Việt Nam 1 hộp khẩu trang sang cho tôi dùng cho đến khi về nước”.

30 phút rửa tay 1 lần, khẩu trang 3 tiếng thay 1 cái để tránh mang dịch về

“Ra đến sân bay thấy sân bay khá vắng, chuyến bay của tôi tất cả đều là người Việt Nam, ở đâu cũng nghe thấy tiếng Việt nên thấy thân thuộc lắm. Chủ yếu các bạn, các anh, chị về cùng đều là du học sinh đang học tập và làm việc tại Anh”, Chi nói.

hanh trinh tro ve cua du hoc sinh viet nam mua dich covid-19 hinh 1
Quầy làm thủ tục tại sân baysân bay Heathrow (Anh)

Thùy Chi cũng chia sẻ: “Tôi có tìm hiểu và biết ở sân bay tỷ lệ lây nhiễm chéo cao nên đã chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi ra sân bay. Đội mũ, đeo găng tay cao su, cố gắng mặc kín và đeo khẩu trang đầy đủ. Để chắc chắn hơn, cứ 30 phút tôi lại rửa tay bằng nước rửa tay khô một lần, khẩu trang 3 tiếng thay 1 cái mới. Tới sân bay cũng cố gắng không động vào bất cứ đồ vật gì để tránh bị lây truyền dịch bệnh về nước”.

hanh trinh tro ve cua du hoc sinh viet nam mua dich covid-19 hinh 2

Chuyến bay của Chi đã đáp xuống sân bay Nội Bài vào sáng sớm 18/3, được nhập cảnh và đưa đi cách ly tập trung tại Thạch Thất, Sơn Tây.

Không thuận lợi như Thùy Chi, hành trình trở về của chị Hoàng Lan - 36 tuổi, hiện đang theo học tiến sĩ tại Australia khó khăn hơn khi tìm mãi mới có một chuyến bay trở về nhà.

“Theo đúng dự định, tháng 4 này tôi sẽ trở về nhà sau khi hết học bổng tại Australia. Tuy nhiên, vì tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, sắp tới lại là mùa đông ở Australia, không khí lạnh có thể khiến dịch bệnh dễ bùng phát hơn. Nếu không may đóng cửa biên giới, tôi sẽ không có đủ chi phí để ở lại đây cho đến khi hết dịch nên tôi đã lên phương án để về nước sớm, nếu chậm trễ có thể sẽ bị kẹt lại tại đây”, chị Hoàng Lan chia sẻ.

Chị Lan cho biết, ban đầu chị định đặt vé Vietnam Airlines cho yên tâm nhưng không có chuyến bay nào, vì mua sát ngày và rất ít chuyến bay nên chi phí rất cao. Cuối cùng, chị chọn mua vé của Singapore Airline ngày 20/3 để về nước, bay từ Australia, quá cảnh tại sân bay Changi (Singapore), sau đó về Việt Nam.

“5 giờ sáng giờ Việt Nam, máy bay đáp xuống tại sân bay Changi (Singapore). Theo đúng lịch trình, tôi sẽ được nối chuyến tới Hà Nội vào lúc 9 giờ sáng. Thế nhưng, khi đến nơi, tôi nhận được thông tin chuyến bay về Việt Nam của tôi đã bị hủy”, chị Lan chia sẻ.

hanh trinh tro ve cua du hoc sinh viet nam mua dich covid-19 hinh 3
Bảng thông báo hiện hàng loạt chuyến bay bị hủy vì dịch Covid-19 tại sân bay Changi, Singapore.

Khi chuyến bay của chị Lan đến Singapore cũng là lúc Australia đóng cửa biên giới, vì thế nếu không về được Việt Nam, chị cũng không thể quay trở lại được Australia, vì thế giải pháp duy nhất là tìm cách về Việt Nam. “Cảm giác đầu tiên của tôi là lo lắng, sợ việc sẽ bị kẹt lại sân bay vì chưa có thông tin gì về lịch bay tiếp theo. Chuyến bay đó cũng chỉ có mình tôi là người Việt Nam. Nhưng tôi nhanh chóng trấn tĩnh lại ngay sau đó, lập tức liên hệ với hãng hàng không và sân bay để được hỗ trợ”. May mắn, chị Hoàng Lan được sắp xếp chuyến bay muộn hơn về Việt Nam vào 3 giờ chiều cùng ngày. Sau 10 tiếng chờ đợi, chuyến bay của chị có thêm 30 người Việt Nam từ các nước Australia, New Zealand, Ukraine,... cùng trở về quê hương./.

Từ khóa: du học sinh về nước, Anh, Việt Nam, châu Âu, Covid-19

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập