Hành trình trở thành thủ khoa của cô gái Thái Lan giao tiếp bằng tay
Cập nhật: 25/09/2019
Bắt giữ hai thanh niên vận chuyển pháo lậu
Giám đốc Công an Hà Nội chỉ đạo điều tra vụ 2 người tử vong nghi do ngộ độc
VOV.VN -Vượt qua hàng ngàn ngàn sinh viên, cô gái đến từ Thái Lan Lalipat Kerdrung đã xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra ĐH KHXH&NV với số điểm 3,92/4.
Những ngày gần đây, cái tên Lalipat Kerdrung đang là cái tên được nhiều người nhắc đến, khi cô gái xứ sở Chùa vàng này đã xuất sắc vượt qua hàng ngàn thí sinh để trở thành thủ khoa ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH QGHN).
Lalipat Kerdrung xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn năm 2019. (ảnh: NVCC) |
Chỉ học tiếng Việt 3 tháng trước khi sang Việt Nam, nhưng thành quả này chính là “trái ngọt” sau những ngày dài nỗ lực không ngừng nghỉ của cô gái nhỏ bé ấy.
Đến giờ, khi cầm trên tay tấm bằng đại học và chiếc cúp thủ khoa, mọi thứ vẫn thật bất ngờ. “Em chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành thủ khoa. Bản thân em cũng không hề biết trước, cho đến khi thầy giáo gọi tên em trên sân khấu nhận bằng. Với tư cách là sinh viên nước ngoài học tập bằng tiếng Việt, em thấy sự nỗ lực trong 4 năm qua của mình được đền đáp. Đã có nhũng lúc bản thân em muốn dừng lại vì học quá khó và phức tạp, nhưng cuối cùng em cũng đã có 1 cái kết đẹp sau 4 năm đại học”.
Lalipat cũng nói vui rằng, có lẽ năm 2019 là một vụ mùa bội thu với cô khi tháng 9 tới đây, Lalipat sẽ tiếp tục lên đường sang Anh học thạc sỹ tại trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London theo học bổng toàn phần.
Cô gái sinh năm 1995 cũng hy vọng sau khi kết thúc chương trình học có thể trở thành phiên dịch cho các lãnh đạo Thái Lan khi đến tham dự các hội nghị tại Việt Nam. Lalipat cho biết, ước mơ lớn nhất của cô là được làm việc trong Bộ Ngoại Giao hoặc Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam.
Từ bỏ đại học danh giá để sang Việt Nam
Trong khi nhiều bạn bè muốn giành học bổng để sang châu Âu du học, Lalipat khiến mọi người bất ngờ khi lựa chọn Việt Nam. Cô chia sẻ, ngay từ hồi còn học cấp 3, đã rất hứng thú với lịch sử, đất nước và con người Việt Nam, nhưng những thông tin mà cô được biết còn quá ít.
Lalipat Kerdrung chia sẻ cô thực sự thích và bị hấp dẫn bởi văn hóa và con người Việt Nam. |
“Em chợt phát hiện ra rằng, kiến thức về những nước phương Tây dù ở rất xa nhưng em lại hiểu rõ hơn những nước láng giềng ngay bên cạnh mình. Do đó em đã quyết tâm tìm đường để đến Việt Nam”, Lalipat chia sẻ.
Ngay khi biết Bộ Ngoại giao Thái Lan có học bổng đi các nước trong khu vực Đông Nam Á, Lalipat Kerdrung đã ngày đêm ôn tập để có thể đến đất nước hình chữ S.
Sau 3 tháng ôn luyện, trải qua nhiều vòng phỏng vấn, cuối cùng cô cũng nhận được học bổng toàn phần của chính phủ Thái Lan cấp.
Cùng thời gian đó, Lalipat trúng tuyển vào ngành Chính trị học, đại học Chualalongkorn – ngôi trường danh giá số 1 Thái Lan được xếp hạng 247 thế giới.
Dù người thân khuyên cô nên chọn học ở Thái Lan thay vì đến một thành phố mới, sử dụng ngôn ngữ không phổ biến, nhưng với niềm khao khát được đến với những miền đất mới, cô gái sịn năm 1995 vẫn quyết tâm du học tại Việt Nam.
Thời gian đầu em giao tiếp bằng cách chỉ tay
Tự nhận thấy tiếng Việt và tiếng Thái Lan có nhiều điểm khá tương đồng, song thời gian đầu khi mới sang Việt Nam, giống như nhiều du học sinh khác, ngôn ngữ là rào cản lớn với Lalipat. “Khi đi mua đồ ăn, hay mua hàng ở chợ, em không biết tên gọi chính xác là gì, nên giao tiếp bằng cách chỉ tay. Để cải thiện khả năng nghe nói của mình, em tận dụng mọi cơ hội để được nói chuyện với người Việt. Rất may là người Việt Nam rất thân thiện nên em có thể dễ dàng được học thêm. Mỗi lần đi taxi, xe ôm, em đều nói chuyện với những tài xế, hoặc đi chợ nhiều hơn để có cơ hội giao tiếp đa dạng”, Lalipat nói.
Hình ảnh đời thường phong cách, trẻ trung của nữ thủ khoa 9x. (Ảnh: NVCC) |
Để theo học được cùng với các sinh viên Việt Nam khác, Lalipat đã phải tự trau dồi thêm rất nhiều từ ngữ chuyên ngành, do thầy cô giảng khá nhanh. Kết thúc 4 năm học, thành tích của cô gái đạt được khiến bất cứ ai cũng phải ngưỡng mộ, khi bảng điểm luôn là các môn A+, duy nhất 2 môn phải nhận điểm B+.
Trong khi nhiều sinh viên khác trong lớp lựa chọn 2 môn học thay thế cho việc làm khóa luận có phần vất vả hơn, thì Lalipat lại chọn làm khóa luận với đề tài Chính sách đối ngoại của vương quốc Xiêm và Đại Nam đối với các nước phương Tây nửa đầu thế kỷ 19.
Khóa luận dài hơn 100 trang, với những nghiên cứu, tìm tòi tỉ mỉ sau nhiều chuyến bay về Thái Lan và Việt Nam để tìm tài liệu, niềm vui vỡ òa khi khóa luận của cô gái trẻ được các giảng viên đánh giá cao và đạt điểm 10.
“Em đã từng sợ, đến thích rồi yêu một Hà Nội như thế”
Lần đầu đến với Việt Nam, cũng là lần đầu tiên xa nhà đến một đất nước hoàn toàn mới lạ, với những khác biệt về văn hóa. Khi ấy, cô gái 18 tuổi Lalipat đã không khỏi lo lắng, choáng ngợp: “Ngày mới đến đây, em thấy Hà Nội chật chội đông đúc quá. Tắc đường dường như là một phần của cuộc sống hàng ngày nơi đây. Có khi di chuyển từ trường về nhà, chỉ khoảng 3km, nhưng em mất cả tiếng đồng hồ, nhích từng chút một trong đám đồng. Chưa kể, lần đầu thấy Hà Nội nhiều xe máy quá, người dân lại có thói quen hễ không đi được là bấm còi ồn ào. Em rất sợ điều đó. Ở Bangkok rất ít khi nghe thấy tiếng còi xe máy trên đường. Em cũng đã từng lo sợ, cộc sống nơi đây sẽ có muôn vàn khó khăn, nhưng càng ngày em càng phải lòng Hà Nội”.
Lalipat kể tiếp bằng giọng say mê: “Em thấy người Việt Nam hay ví Hà Nội đẹp như một cô gái. Còn với em, để hiểu được Hà Nội, thì cần có thời gian gắn bó và tìm hiểu. Em thích cách sống chậm của Hà Nội, nét cổ kính, rêu phong và nét văn hóa thâm trầm của thủ đô này. Điều này hoàn toàn khác với một Sài Gòn hoa lệ mà em từng có cơ hội ghé thăm trong 2 tháng, cũng khác với không khí hiện đại, vồn vã của Bangkok nơi em từng sống”.
Cô gái 24 tuổi thú nhận, không chỉ từng “cảm nắng” một chàng trai người Việt mà cô còn nhanh chóng bị “cảm nắng” bởi như những món ăn và con người nơi đây. Lalipat chia sẻ: “Một điều em rất ấn tượng tại Việt Nam đó là tính cộng đồng và sự thân thiện của người dân. Ở đây, trong mỗi mâm cơm gia đình, đều có một bát nước chấm, mọi người cùng sử dụng, khi học và tìm hiểu, em biết được những lớp giá trị văn hóa đằng sau. Đó là tính cộng đồng, sự sẻ chia giữa các thành viên với nhau. Em cũng rất thích cách sống quan tâm lẫn nhau của người Việt. Mỗi khi có họ hàng, bạn bè đau ốm, hay có chuyện vui, mọi người đều đến chia sẻ, chúc mừng. Bên cạnh đó, qua cách người Việt đón Tết cổ truyền em thấy họ lưu giữ rất tốt các giá trị văn hóa truyền thống. Đây là điều em nghĩ rằng cần học hỏi”.
Sau hơn 4 năm sống tại Việt Nam, Lalipat thú nhận, Việt Nam đã đem đến cho cô những trải nghiệm thật mới, khiến thanh xuân thêm phần rực rỡ, giúp cô trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng cũng biết quan tâm, chia sẻ và yêu thương nhiều hơn./.
Thủ khoa lớp 10 ở Hà Nội đạt 56,75 điểm là ai?
Thủ khoa “kép” ĐH Sư phạm Hà Nội do được nâng điểm tự xin thôi học
Vinh danh 65 sinh viên tại chương trình “Nâng bước thủ khoa 2018”
Nữ thủ khoa học giỏi, nhảy đẹp của ĐH Ngoại thương
Từ khóa: thủ khoa, Đh Khoa học xã hội và Nhân văn, thủ khoa Lalipat kerdrung, thủ khoa đầu ra, thủ khoa thái lan
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN