Cách TP Hạ Long hơn 130km về phía Đông Bắc, Bình Liêu là huyện miền núi từng gắn với sự xa xôi, nghèo khó. Huyện có hơn 43km đường biên giới, là nơi chung sống của các dân tộc anh em Tày, Dao, Sán Chỉ, Kinh,… trong đó đồng bào DTTS chiếm 96%.
Xuất phát điểm xây dựng Nông thôn mới của Bình Liêu vô cùng khiêm tốn. Huyện có 6 xã đặc biệt khó khăn, hơn 60% hộ nghèo và cận nghèo, số tiêu chí, chỉ tiêu Nông thôn mới “đếm chưa đủ đầu ngón tay”. Khó khăn từ sản xuất kinh tế nông lâm nghiệp manh mún nhỏ lẻ, từ nếp nghĩ còn trông chờ ỷ lại, nhiều phong tục lạc hậu vẫn tồn tại khiến việc xây dựng Nông thôn mới ở Bình Liêu từng là “ý tưởng xa vời”.
Xác định “chủ thể chính xây dựng nông thôn mới là người dân”, hành trình của Bình Liêu có nền tảng là những nghị quyết, đề án riêng có của tỉnh Quảng Ninh nhằm xây dựng, phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Bình Liêu xây dựng Nghị quyết chuyên đề, huy động tổng thể từ con người đến các nguồn lực đầu tư để “đi từng bước vững chắc”. Hơn 13 năm qua, tổng vốn huy động thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Bình Liêu là hơn 430 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm 82%.
"Cầm tay chỉ việc", tuyên truyền rộng rãi, khích lệ bằng các phong trào thi đua sôi nổi, người dân các dân tộc Bình Liêu mạnh dạn tham gia xây dựng nông thôn mới. Anh Tằng Dảu Ngằn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Choòng (xã Hoành Mô) chia sẻ: “Hạ tầng đường, điện, nhà văn hóa... được đầu tư bằng nguồn lực nhà nước và nhân dân cùng làm, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Bà con dần không còn trông chờ, ỷ lại, mạnh dạn hiến cây, hiến đất, tích cực học hỏi, phát triển kinh tế hộ gia đình”.
Từ một huyện thuần nông, sau 13 năm xây dựng Nông thôn mới, Bình Liêu đã thành lập được 22 HTX nông nghiệp với các sản phẩm chủ lực, có quy hoạch vùng, cấp mã vùng trồng, sản phẩm được chứng nhận tiêu chuẩn VietGap. Nổi bật là các sản phẩm miến dong từ cây dong riềng; cây lâm sản hồi, quế, sở; cá nước lạnh như cá tầm, cá hồi, cá lăng; hoa, cây cảnh…
Diện mạo địa phương có bước chuyển toàn diện nhờ hệ thống hạ tầng giao thông. Giờ đây, không chỉ khoảng cách từ miền xuôi tới miền ngược ngắn lại, mà đường tới từng thôn bản cũng không còn xa khi toàn huyện đã nâng cấp, làm mới gần 84 km đường xã, 122 km đường thôn. “Đường tới đâu, mái ngói đỏ tươi tới đó”, đường kiên cố, rộng rãi uốn lượn quanh những thửa ruộng bậc thang, giữa rừng hồi, rừng quế.
Ông Hoàng Đức Hải (xã Hoành Mô) phấn khởi kể: “Từ khi có đường xe máy tới tận cửa rừng, hồi hái ra thương lái mua tận nơi, không còn phải gánh đi xa vất vả. Trẻ đến trường nhanh chóng, ai đi khám, đi làm thủ tục giấy tờ cũng tiện hơn nhiều”.
“Biến khó khăn, thách thức” thành “động lực để phát triển”, Bình Liêu đã xác định thế mạnh của huyện là văn hóa, con người, cảnh quan thiên nhiên, là tiềm năng vô giá để phát triển du lịch. Văn hoá của người Tày, Dao, Sán Chỉ… được bảo tồn và khai thác vào hoạt động du lịch, gắn với phát triển sản phẩm nông nghiệp, OCOP đặc trưng.
Từ một vùng đất chưa được nhiều người biết tới, giờ đây Bình Liêu đã trở thành điểm đến mới trên biên cương Đông Bắc. Du khách say mê những cung đường biên giới ngập tràn cỏ lau trắng, tự hào khi đứng bên các cột mốc 1297, 1305, 1327 cheo leo, thác suối Khe Vằn, Khe Tiền hùng vĩ…
Mùa xuân, hội Soóng cọ sôi nổi các cô gái Sán Chỉ đá bóng, Hội Kiêng gió rộn ràng màu áo Dao. Tới thu đông, Hội Mùa vàng, Hội Hoa sở đã tạo nên “thương hiệu” mới, giúp Bình Liêu mỗi năm đón trên 10 vạn lượt khách, thúc đẩy kinh tế từ du lịch cộng đồng.
“Về đích” sau 13 năm, Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên trong toàn quốc đạt chuẩn huyện Nông thôn mới theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Ngày 06/02/2024, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg về việc công nhận huyện Bình Liêu đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2023.
Hết năm 2023, Bình Liêu có 6/6 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có 2 xã Hoành Mô và Húc Động đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, thị trấn Bình Liêu đáp ứng đủ điều kiện đô thị văn minh. Thu nhập bình quân đạt hơn 70 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện chỉ còn 0,84% tỷ lệ nghèo đa chiều (66 hộ cận nghèo, không còn hộ nghèo); không còn nhà tạm; 100% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh.
Công tác giáo dục – đào tạo chuyển biến tích cực với tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt gần96%, người dân được chăm lo y tế, đời sống tinh thần được nâng cao. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Bình Liêu đạt trên 13%/năm, phát huy được vai trò động lực của Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, phát triển du lịch, nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, có giá trị cao và bền vững…
Hành trình Nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. “Trái ngọt” Nông thôn mới là động lực để người dân Bình Liêu vững niềm tin, phấn đấu đưa huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao vào năm 2025, tiếp tục xây dựng quê hương tươi đẹp trên biên cương vùng Đông Bắc.