Hành trang tân sinh viên cần có
Cập nhật: 17/09/2021
Bị cáo vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2 hầu tòa
Nóng 24h: Hai chị em ruột tổ chức tụ điểm bán dâm trong khách sạn
[VOV2] - Lần đầu xa gia đình sống tự lập ở một thành phố lớn, nhiều tân sinh viên cảm giác bỡ ngỡ, hụt hẫng và chới với. Các bạn cần trang bị những gì để sớm thích nghi và làm chủ cuộc sống mới?
Luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng
Vũ Thùy Linh, sinh viên trường ĐH Thủy lợi với 3 năm kinh nghiệm chia sẻ với các bạn tân sinh viên, trước khi lên thành phố học cần chuẩn bị giấy tờ cần thiết như giấy tờ tùy thân, chứng minh nhân dân, đặc biệt lưu ý thật kỹ hồ sơ và thủ tục nhập học.
"Rất nhiều bạn sau khi biết được điểm thi và điểm chuẩn của trường, biết chắc mình đã đỗ nên chủ quan không kiểm tra giấy tờ cần thiết khi nhập học, dẫn đến việc không được nhận vào các trường bất cứ lúc nào. Các bạn tân sinh viên cần tìm hiểu rõ đế hạn chế những sai lầm đáng tiếc cho bản thân" Thùy Linh chia sẻ một kinh nghiệm thực tế. Ngoài ra, cần xác định trước xem sẽ ở trọ bên ngoài hay ký túc xá của trường cũng là điều các bạn tân sinh viên cần lưu ý.
ThS. Đặng Hương Giang, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, trường ĐH Thủy lợi cho rằng tân sinh viên bước vào cánh cửa đại học sống xa nhà là bước vào một thế giới mới, một cuộc sống mới, phải tự đưa ra các quyết định cho bản thân và chịu trách nhiệm về các quyết định đó. Vì vậy, tân sinh viên cần chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng. Từ việc ở đâu, ăn uống thế nào đều phải quan tâm chuẩn bị trước.
Ngoài ra, việc sử dụng phương tiện gì để đi lại cũng cần phải quan tâm. "Dù đi xe đap, xe máy hay xe buýt luôn chuẩn bị sẵn Google map để chủ động tìm đường", đây là lời khuyên của ThS. Đặng Hương Giang, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, trường ĐH Thủy lợi.
Đừng chủ quan, lơ là, đừng ngủ quên trên chiến thắng
Nhiều bạn trẻ khi còn học cấp 3 vẫn thường mơ ước rằng lên đại học có thể tự do đi chơi không cần xin phép bố mẹ hay không cần lo kiểm tra bài cũ như cấp 3... Tuy nhiên, theo ThS. Đặng Hương Giang, chính sự tự do này đã làm nhiều bạn sinh viên sao nhãng ngay từ những ngày đầu, không học hành chăm chỉ, rất lãng phí thời gian.
Học cách quản lý tài chính
Là tân sinh viên, lần đầu tiên trong đời quyền tự chủ về tiền bạc và có trong tay một khoản tiền khá lớn bố mẹ cho khi lên thành phố học đại học, cám dỗ là điều không tránh khỏi. Những cuộc đi chơi hay những lần shopping, mua sắm rất dễ "quá đà". Nếu như không muốn rơi vào tình trạng "viêm màng túi" hay "đầu tháng huy hoàng, cuối tháng điêu tàn", học cách chi tiêu hợp lý là một lưu ý không thể bỏ qua.
Theo ThS. Đặng Hương Giang, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, trường ĐH Thủy lợi, các em nên chia số tiền của mình thành những khoản rõ ràng, dùng cho từng mục đích khác nhau. Cô Giang đưa ra ví dụ: "Khoản thứ nhất là tiền phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như tiền học, tiền trọ, tiền ăn uống, xăng xe, điện nước; Khoản thứ hai để làm điều các em mong muốn như sắm quần áo mới hay đi chơi với bạn bè; Thứ ba là khoản tiền dự trữ dùng cho những lúc ốm đau, đi thăm hỏi bạn bè". Tuy nhiên để thực hiện kế hoạch chi tiêu như vậy. Th.s Hương Giang nhắc nhở các em phải thực sự có kỷ luật với bản thân.
Làm gì để nhanh chóng hòa nhập với môi trường đại học?
Vũ Thùy Linh khuyên các bạn tân sinh viên, để cuộc sống sinh viên không trải qua một cách vô vị, bên cạnh nhiệm vụ chính là học tập, các bạn sinh viên năm thứ nhất nên tích cực tham gia các tổ chức, hoạt động đoàn hội. Ở môi trường đó sẽ được các thầy cô giáo và các anh chị khóa trên giúp đỡ, chia sẻ những kinh nghiệm bổ ích. Từ đó nâng cao được kỹ năng mềm và mở rộng được mối quan hệ.
Là người gắn bó với đời sống sinh viên, ThS. Đặng Hương Giang cho rằng để sớm hiểu hơn về môi trường mới, tham gia Tuần sinh hoạt công dân sinh viên đầu khóa là điều cần thiết. Hoạt động này giúp các em có nhiều cơ hội để trải qua quãng đời sinh viên dễ dàng và ý nghĩa. Tại đây các em có thể làm quen với các bạn mới và được các anh chị khóa trên hướng dẫn kinh nghiệm trong trường đại học, tư vấn lộ trình học tập và tài liệu học...
Tham gia Tuần sinh hoạt công dân sinh viên đầu khóa cũng giúp các em tân sinh viên hiểu hơn về trường, làm quen với môi trường học tập mới, đây cũng là lúc các câu lạc bộ của trường tuyển thành viên và nếu có cơ hội tham gia các em sẽ được cải thiện bản thân, học hỏi được nhiều kỹ năng cho việc học tập và cuộc sống sau này.
Cùng nghe thêm lời khuyên của ThS. Đặng Hương Giang, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, trường ĐH Thủy lợi và chia sẻ của bạn Vũ Thùy Linh, sinh viên năm thứ 3, trường ĐH Thủy lợi trong chương trình Hành trang trẻ:
Từ khóa: tân sinh viên, đại học, thích nghi, ĐH Thủy Lợi, quản lý tài chính, môi trường, hòa nhập
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2