Hành động của Trung Quốc là “khiêu khích”, “bất hợp pháp”
Cập nhật: 20/04/2020
VOV.VN - Nhà phân tích Carl Thayer đã gọi hành động mới nhất của Trung Quốc là “khiêu khích”, “bất hợp pháp” và không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.
Cựu Ngoại trưởng Albert Del Rosario ngày hôm qua (19/4) đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ Philippines phản đối việc Trung Quốc ngang nhiên thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” hòng hiện thực hóa tham vọng phi lý kiểm soát toàn bộ Biển Đông – nơi Philippines và các quốc gia châu Á khác cũng có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Đá Chữ Thập bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. Ảnh: Getty. |
“Chúng ta trân trọng kêu gọi chính phủ của chúng ta phản đối hành động gần đây của Trung Quốc khi tàu của nước này đã đâm chìm một tàu đánh cá của Việt Nam vào ngày 8/4/2020”, ông Del Rosario nêu rõ trong một tuyên bố.
Ông cũng cáo buộc Trung Quốc đã lợi dụng bối cảnh của đại dịch Covid-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra để thúc đẩy các yêu sách “bất hợp pháp” ở Biển Đông.
South China Morning Post trước đó đưa tin, Chính phủ Trung Quốc ngày 18/4 đã thông qua quyết định thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” thuộc “thành phố Tam Sa”.
Đây là hành vi nghiêm trọng vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc còn ngang ngược qui định cái gọi là trụ sở "quận Tây Sa" sẽ đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trụ sở của cái gọi là "quận Nam Sa" sẽ đặt tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đá Chữ Thập là 1 trong 7 thực thể tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng, kiểm soát trái phép và bất chấp luật pháp quốc tế, bồi đắp thành đảo nhân tạo hòng hiện thực hóa mưu đồ “nuốt” trọn Biển Đông.
Trước động thái này của phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 19/4 tuyên bố: "Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và các hành vi liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai". Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ việc thành lập cái gọi là “khu Tây Sa” và “khu Nam Sa“
Luật pháp quốc tế không công nhận chủ quyền có được qua cưỡng chiếm
“Những điều này cho thấy Trung Quốc đã không ngừng tận dụng đại dịch Covid-19 khi họ tiếp tục theo đuổi các yêu sách bất hợp pháp ở Biển Đông, gây tổn hại cho Philippines, các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế nói chung”, cựu Ngoại trưởng Philippines Del Rosario nói.
Ông Del Rosario là người dẫn đầu vụ kiện lên Tòa trọng tài Quốc tế liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông hồi năm 2016, mang đến chiến thắng pháp lý cho Philippines trước Trung Quốc.
“Ngay cả khi chúng ta đang nỗ lực chống lại đại dịch đe dọa mạng sống của chúng ta, chúng ta cũng không được để mất chủ quyền quốc gia được luật pháp quốc tế công nhận và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với thế hệ hiện nay và tương lai của Philippines”, ông Del Rosario nói.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện ở Biển Đông, biến một số rạn san hô thành các đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa các thực thể này, xây dựng đường băng, nhà chứa máy bay... trên đó.
Nhà phân tích Carl Thayer, Giáo sư danh dự tại đại học New South Wales, Australia đã gọi hành động mới nhất của Trung Quốc là “khiêu khích”, “bất hợp pháp” và không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.
“Luật pháp quốc tế không công nhận chủ quyền có được qua cưỡng chiếm”, Giáo sư Carl Thayer trả lời GMA News qua e-mail.
Động thái mới đây của Bắc Kinh đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN ký kết vào năm 2002.
Giáo sư Carl Thayer đã chỉ ra điều 5 trong DOC, trong đó nêu rõ: “Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định” ở Biển Đông.
“Hành động đơn phương của Trung Quốc làm phức tạp nghiêm trọng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông”, “Nhà chức trách Trung Quốc sẽ ban hành các quy định và chỉ thị ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền, quyền tài phán của cả Việt Nam và Philippines”,Giáo sư Thayer nói./.
Từ khóa: Biển Đông, Tây Sa, Nam Sa, Trung Quốc khiêu khích ở Biển Đông, đại dịch Covid-19
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN