Hàng trăm ha lúa ở Kiên Giang bị ảnh hưởng bởi hạn mặn

Cập nhật: 22/02/2020

VOV.VN -Hiện nay, tình hình hạn mặn đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng ở tỉnh Kiên Giang.

Huyện Hòn Đất, Kiên Giang là địa phương có hệ thống thủy lợi nội đồng, cống đập tương đối khép kín, tuy nhiên trong mùa khô năm nay, nước mặn vẫn xâm nhập sâu vào nội đồng gây thiệt hại đến sản xuất của nông dân. Tại ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn nồng độ mặn ở ngoài ven kênh thủy lợi có thời điểm lên hơn 8‰. Trà lúa đông xuân lại đang trong giai đoạn cần nước nên khi bà con bơm vào nội đồng, dù có theo dõi chặt chẽ nhưng độ mặn vẫn khoảng gần 3‰ khiến lúa bị ảnh hưởng.

hang tram ha lua o kien giang bi anh huong boi han man  hinh 1
Hàng trăm ha lúa bị thiệt hại do hạn mặn.

Hiện nay hơn 400 ha lúa đông xuân trong ấp Vàm Rầy bị thiệt hại. ông Nguyễn Văn Sền, một hộ dân trong ấp cho biết, 14 ha lúa đông xuân của gia đình ông đang trong giai đoạn trổ bông nhưng do bị nước mặn xâm nhập nên lúa không trổ bông được và chết khô trên đồng, bị thiệt hại từ 30 – 70%. Ông Sền lo lắng khó thu hồi vốn vì chi phí bỏ ra đã hơn 300 triệu đồng nhưng mức thiệt hại cứ tăng dần.

Theo nhận định ban đầu của Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hòn Đất, nguyên nhân lúa bị nhiễm mặn do độ mặn trên các tuyến kênh 286, 287 và kênh Cả Cội xã Bình Sơn tăng cao, dao động từ gần 2-18‰. Riêng khu vực gần cống 286, 287 độ mặn lên đến 23‰. Người dân lấy nước từ các tuyến kênh bị nhiễm mặn và giữ nước khá lâu trong đồng ruộng gây ảnh hưởng đến cây lúa.

hang tram ha lua o kien giang bi anh huong boi han man  hinh 2

“Nhiều cống bị rò rỉ mặn. Mặt khác vào thời điểm trước và sau Tết nguyên đán có mở cống cho tàu thuyền về ăn tết và ra khơi đánh bắt sau tết nên nhiều khả năng trong 2 đợt mở cống thì mặn có thể xâm nhập len lỏi vào đồng ruộng”- ông Đào Xuân Nha, Phó chủ tịch UBND huyện Hòn Đất cho biết.

Hạn mặn cũng đã ảnh hưởng làm thiệt hại năng suất từ 30 đến 70% đối với 1 số trà lúa đông xuân thuộc khu vực nam quốc lộ 80, huyện Kiên Lương. Khoảng 200 ha lúa chưa thu hoạch của ấp Sông Chinh, xã Bình Trị mặc dù nông dân đã chủ động điều tiết nước phục vụ sản xuất, không lấy nước những ngày gần đây nhưng do nền đất không đều, nền nhiệt cao, hầu hết các ruộng đều bị mặn xâm nhập, độ mặn từ 1 đến 2‰, khiến lúa bị lép hạt, nguy cơ giảm năng suất cuối vụ.

“Thời điểm này là không bơm nước nhưng vẫn còn, trước đây có một số nước mặn đã xâm nhập. Hạt không được no, bị xèo, khu vực này bị rất nhiều”- ông Lê Hồng Quân ở ấp Sông Chinh nói.

Còn tại khu vực nuôi tôm ven biển thuộc huyện Kiên Lương những ngày gần đây, độ mặn đo được luôn ở mức hơn 30‰. Trong khi đó, tôm sú chỉ có thể sinh trưởng và phát triển bình thường với độ mặn không vượt quá 25‰. Việc đóng các cống ngăn mặn để giữ nước ngọt cho khu vực trồng lúa, càng khiến chênh lệch độ mặn trong và ngoài cống cao hơn. Trong lộ trình tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, huyện Kiên Lương chuyển 1 phần diện tích đất thuộc các xã Bình Trị, Kiên Bình và thị trấn Kiên Lương sang mô hình 1 vụ tôm, 1 vụ lúa. Do chưa thể chuyển đổi toàn bộ nên mâu thuẫn giữa người nuôi tôm và người trồng lúa vẫn còn tồn tại.

hang tram ha lua o kien giang bi anh huong boi han man  hinh 3
Các cống ngăn mặn trên tuyến đê biển An Biên, Hòn Đất được vận hành để bảo vệ diện tích lúa đông xuân.

“Khi thực hiện mô hình này, sẽ đan xen quyền lợi của người dân giữa người nuôi tôm và người trồng lúa. Đặc biệt là những hộ không tuân thủ theo lịch thời vụ sẽ dẫn tới tình trạng các hộ nuôi tôm cần sản xuất lấy nước vào còn các hộ trồng lúa thì cần nước ngọt để đảm bảo cho sản xuất”- ông Trần Bình Trọng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Kiên Lương cho biết.

Tình hình hạn mặn tại tỉnh Kiên Giang vẫn đang diễn biến phức tạp. UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn, kêu gọi người dân sử dụng tiết kiệm nước. Đài Khí tượng - Thủy văn Kiên Giang tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, nhận định về tình hình khí tượng, thủy văn, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho các cơ quan liên quan và các địa phương nhằm chủ động chỉ đạo sản xuất phù hợp và thực hiện các giải pháp ứng phó./.

Từ khóa: hạn mặn, Kiên Giang, hạn hán, nhiễm mặn

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập