Hàng trăm ha lúa Đông Xuân ở Bình Thuận chết khô vì thiếu nước tưới
Cập nhật: 07/02/2020
Ngư dân-"cột mốc sống" trong bảo vệ chủ quyền biển đảo (26/11/2024)
Lực lượng Kiểm ngư cùng ngư dân trên mọi hải trình (25/11/2024)
VOV.VN -Do nắng hạn kéo dài, lượng nước ở các hồ chứa cạn kiệt, Bình Thuận phải cắt giảm hơn 20.000ha lúa và các loại cây trồng vụ Đông Xuân.
Thực trạng này khiến hàng trăm hộ dân trồng lúa lao đao vì đất sản xuất phải bỏ hoang. Nhiều hộ làm liều xuống giống ngoài kế hoạch và hậu quả là hiện nay có hàng trăm ha lúa hơn 1 tháng tuổi bị chết khô do thiếu nước.
Cánh đồng lúa trơ trụi giữa mùa khô do không có nước tưới. |
Thời điểm hiện tại đang vào cao điểm mùa khô, các con kênh nhánh dẫn nước từ các hồ chứa về cánh đồng lúa ở các xã Phan Thanh, Bình An của huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đã trơ đáy từ lâu.
Dọc các bờ kênh, hàng trăm ha lúa, hoa màu vàng úa. Cả một vùng sản xuất khá rộng ở huyện Bắc Bình với hàng trăm ha lúa hơn 1 tháng tuổi thiếu nước tưới trầm trọng.
Nếu đảm bảo lượng nước thì diện tích lúa Đông Xuân này đã chuẩn bị làm đòng. Nhưng tình trạng như hiện này thì nông dân đành bỏ ruộng.
Kênh mương không còn một giọt nước. |
“Lúa chết nhiều lắm, giờ này nguồn thu, tiền bạc không có, khó khăn nước non, không biết lấy phân lấy giống vụ tới ở đâu. Người dân giờ buộc phải bỏ ruộng bỏ nương đi làm công ty hết...”, anh Thổ Văn Thoại ở xã Phan Thanh có 5 sào lúa chết khô cho biết.
Ông Khuê Khúc Kỷ Nguyên, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bắc Bình, cho biết: Ngay từ đầu vụ Đông Xuân, huyện đã chủ động cắt giảm 7.000ha lúa và khuyến cáo nông dân không canh tác trên diện tích không đảm nguồn nước tưới, nhưng nhiều nông dân vẫn bất chấp vì không biết làm nghề gì khác ngoài trồng lúa.
Từ đây đến hết vụ Đông Xuân và leo sang cả vụ Hè Thu, dự báo tình hình nắng hạn tại địa phương còn diễn biến phức tạp nên ngành chức năng của huyện Bắc Bình đang nỗ lực hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hạn chế phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nước tưới.
Nông dân Bình Thuận buồn bã bên ruộng lúa bị nắng hạn. |
“Đối với diện tích không nằm trong kế hoạch, khuyến khích bà con chuyển sang sản xuất một số cây trồng khác cần ít nước như bắp, đậu”, ông Nguyên nêu giải pháp.
Do không đảm bảo nguồn nước tưới nên từ đầu vụ Đông Xuân 2019 – 2020, toàn tỉnh Bình Thuận chỉ gieo trồng được hơn 32.000ha cây trồng các loại, cắt giảm hơn 20.000ha so với kế hoạch. Trong đó, diện tích lúa và hoa màu chỉ đạt 12.500ha, đạt 38% kế hoạch. Hiện nay, 500 ha lúa Đông Xuân của nông dân ở các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc gieo trồng ngoài kế hoạch, phần lớn bị héo khô do không đủ nước tưới.
Tại Bình Thuận, khoảng hơn 3 tháng nữa mới bước vào mùa mưa. 17 hồ chứa trên địa bàn tỉnh hiện chỉ còn tổng cộng khoảng 158 triệu m3 nước, chưa tới 50% dung tích.
Đặc biệt, hồ thủy điện Đại Ninh đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết, cung cấp nước sản xuất cho 2 huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc của tỉnh cũng chỉ còn hơn 72 triệu m3 nước, tương đương hơn 28% dung tích.
Tình cảnh này cho thấy vụ lúa Hè Thu sắp tới tình hình sản xuất cũng không mấy khả quan, diện tích ruộng lúa và các loại hoa màu bị cắt giảm sẽ tiếp tục còn tăng cao. Do đó, việc khuyến cáo nông dân làm đúng hướng dẫn của ngành chức năng để tránh thiệt hại về kinh tế là rất quan trọng./.
Phú Yên: Chở nước tới tận nhà người dân bị khô hạn
Quảng Nam: Chủ động chuyển đổi cây trồng trong điều kiện khô, hạn
Khô hạn nặng, nhiều hồ thủy điện ở miền Trung xấp xỉ mức nước chết
Từ khóa: khô hạn, bình thuận, lúa đông xuân, khô hạn miền trung, bộ tài nguyên
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN