Hàng nghìn điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, có thực chất?
Cập nhật: 27/02/2020
63 năm truyền thống ngành dầu khí Việt Nam: “Một đội ngũ - Một mục tiêu”
Quảng Ninh chuẩn bị sản phẩm OCOP phục vụ Tết Nguyên đán (28/11/2024)
VOV.VN - Mức độ cải cách các quy định về ĐKKD chủ yếu dưới hình thức “đơn giản hóa”, ít cắt bỏ; nhiều quy định sửa đổi mang tính hình thức hơn là thực chất.
Trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), sáng 27/2, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương tổ chức Hội thảo “Chất lượng điều kiện kinh doanh: Vấn đề và kiến nghị”.
Hội thảo “Chất lượng điều kiện kinh doanh: Vấn đề và kiến nghị”. |
Tại Hội thảo, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viên nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, thời gian qua, cải cách quy định về điều kiện kinh doanh nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thân thiện với doanh nghiệp là mục tiêu ưu tiên của Chính phủ.
Cụ thể, từ năm 2017-2019 có tới gần 40 văn bản của Chính phủ chỉ đạo về nội dung cải cách điều kiện kinh doanh (ĐKKD). Trong năm 2018, Chính phủ đã ban hành 20 văn bản chỉ đạo liên quan. Năm 2019, ĐKKD vẫn là mục tiêu ưu tiên với hơn 10 văn bản chỉ đạo. Điều này cho thấy sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của của Chính phủ trong việc cắt giảm ĐKKD, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thị trường.
Theo rà soát của Chính phủ, hiện đã có 29 văn bản quy phạm pháp luật của các bộ ngành về cắt giảm ĐKKD, cắt bỏ gần 3.500 điều kiện kinh doanh. Tuy vậy, đây mới chỉ là thành công bước đầu, mới đạt về số lượng chứ chưa đạt về chất lượng. Trong các điều kiện hiện hành, vẫn còn những điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý hoặc không có ý nghĩa về hiệu quả quản lý nhà nước.
Báo cáo về kết quả cải cách điều kiện kinh doanh giai đoạn 2017-2019, Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho hay, đến hết năm 2019, hơn 30 văn bản về ĐKKD được ban hành, đã cắt giảm hơn 50% số ĐKKD.
Về cơ bản, các ĐKKD quy định chung chung, thiếu rõ ràng, can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc dễ tạo sự tùy ý trong thực thi đã được cắt bỏ; ĐKKD trùng lặp đã được cắt bỏ, chuyển ĐKKD sang quản lý theo QCVN, TCVN; Một số ĐKKD được sửa đổi theo hướng giảm bớt yêu cầu, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Rà soát độc lập, kết quả cắt giảm thực chất khoảng hơn 30%.
Đánh giá về mức độ cải cách các quy định về ĐKKD, bà Thảo nhận định, ĐKKD được cắt bỏ chủ yếu dưới hình thức “đơn giản hóa”, ít cắt bỏ; Giảm mức độ yêu cầu về số lượng nhân sự hoặc giảm yêu cầu về quy mô diện tích của cơ sở vật chất; Thể hiện dưới hình thức sửa đổi nhưng nhiều quy định sửa đổi mang tính hình thức hơn là thực chất.
“Cắt bỏ ĐKKD không có ý nghĩa quản lý nhưng việc cắt bỏ không thực sự tạo thuận lợi rõ ràng cho doanh nghiệp; Một số quy định được tính là cắt bỏ nhưng thực chất là các quy định về quy trình, không phải là ĐKKD. Vẫn còn những ĐKKD không cần thiết, bất hợp lý, không đạt hiệu quả quản lý và còn nhiều ĐKKD thiếu rõ ràng, có thể dẫn tới sự tùy ý của cơ quan quản lý Nhà nước”, bà Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, để việc cải cách ĐKKD có sức lan tỏa mạnh và đi vào cuộc sống, thời gian tới cần tạo đột phá mới về cải cách ĐKKD; Thay đổi cách thức quản lý Nhà nước (QLNN) về ĐKKD, chuyển mạnh sang hậu kiểm; Doanh nghiệp chủ động thực hiện các hoạt động kinh doanh khi đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về ĐKKD, chỉ cần thông báo mà không cần phải xin phép cơ quan QLNN, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về việc đáp ứng các yêu cầu ĐKKD. Cơ quan QLNN thực hiện kiểm tra hậu kiểm trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: “Để cải cách ĐKKD hiệu quả, các Bộ, ngành cần đánh giá hiệu quả cải cách trong từng lĩnh vực; tiếp tục rà soát, đề xuất, bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; giám sát việc tổ chức, xử lý nghiêm những hành vi cố tình gây khó cho doanh nghiệp; cần thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường kỷ luật thị trường nhằm tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp doanh nghiệp phát triển mạnh và bền vững”./.
Điều kiện kinh doanh khí phát sinh nhiều bất cập
Từ khóa: bãi bỏ điều kiện kinh doanh, môi trường kinh doanh, cải cách điều kiện kinh doanh, VCCI
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN