Hàng nghìn địa chỉ email và mật khẩu của WHO, NIH, CDC bị đánh cắp

Cập nhật: 24/04/2020

VOV.VN - Các thông tin bị đánh cắp gần như ngay lập tức được sử dụng để kích động sự quấy rối và thù ghét của những kẻ cực đoan.

Gần 25.000 địa chỉ email và mật khẩu thuộc về các thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), Quỹ Bill & Melinda Gates cũng như nhiều tổ chức khác ở tuyến đầu của cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 đã bị đăng tải trên mạng, theo nhóm tình báo SITE.

hang nghin dia chi email va mat khau cua who, nih, cdc bi danh cap hinh 1
Tòa nhà của WHO ở Geneva, Thụy Sỹ. Ảnh:Reuters.

SITE, tổ chức chuyên theo dõi các nhóm khủng bố và cực đoan trên mạng cho biết, các thông tin bị đánh cắp đã được công bố vào 2 ngày 19 và 20/4, gần như ngay lập tức được sử dụng để kích động sự quấy rối và thù ghét của những kẻ cực đoan.

Rita Katz, giám đốc điều hành của SITE cho biết: “Sử dụng các dữ liệu này, những kẻ cực đoan đang kêu gọi tiến hành 1 chiến dịch quấy rối trong khi chia sẻ thuyết âm mưu về đại dịch Covid-19. Việc phát tán những email được cho là bị đánh cắp này là 1 phần của kế hoạch kéo dài nhiều tháng qua nhằm vũ khí hóa dịch bệnh Covid-19”.

Robert Potter, một chuyên gia an ninh mạng của Australia, đã xác nhận với Washington Post rằng các địa chỉ email và mật khẩu bị đánh cắp của WHO là có thật và ông có thể truy cập vào hệ thống máy tính của WHO bằng cách sử dụng các thông tin mới được đăng tải trên Internet này.

Danh sách các thông tin cá nhân xuất hiện đầu tiên trên mạng xã hội 4chan, trang mạng có nhiều lời bình luận cực đoan về chính trị. Sau 4chan, nó được gửi đến trang lưu trữ văn bản Pastebin, sau đó đến Twitter và Telegram.

Theo thống kê của SITE, địa chỉ email và mật khẩu bị đăng tải có 9.938 thông tin được cho là thuộc về Cơ quan Y tế quốc gia Mỹ, 6.857 thông tin thuộc về Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), 5.120 của Ngân hàng Thế giới (WB) và 2.732 thông tin thuộc về WHO.

Quỹ từ thiện Gates, cũng là nạn nhân của tin tặc, tuần trước tuyên bố sẽ quyên góp 150 triệu USD để chống lại Covid-19 sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ rút hàng triệu USD tiền tài trợ trong cuộc khủng hoảng toàn cầu. Vụ tấn công mạng cũng nhằm vào Viện Virus học Vũ Hán của Trung Quốc. Mỹ đang điều tra liệu nguồn gốc của virus có bắt nguồn từ phòng thí nghiệm của cơ sở này hay không.

Mặc dù những kẻ tin tặc rất có kỹ năng, nhưng ông Potter cho biết, một số tổ chức như WHO cần phải làm tốt hơn trong lĩnh vực an ninh mạng. “Bảo mật password của họ rất kém. 48 người đã đặt từ “password” làm mật khẩu password. Những người khác sử dụng tên đầu của họ”./.

Từ khóa: WHO, đánh cắp địa chỉ email và mật khẩu, phần tử cực đoan, password, dịch Covid-19

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập