Hàng không Việt Nam đã có thể mở đường bay thẳng tới Mỹ

Cập nhật: 25/09/2019

Chứng chỉ công nhận năng lực giám sát AT hàng không mức 1 (CAT1) là điều kiện bắt buộc để hàng không Việt Nam mở đường bay đến Hoa Kỳ


Đại sứ Daniel J. Kritenbrink trao bức thư của FAA tới Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể (bên phải) và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng

Chiều 15/2/2019, tại Hà Nội, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã trao chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) của cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) cho Cục Hàng không Việt Nam. 

Chứng chỉ CAT1 là điều kiện bắt buộc để các hãng hàng không của Việt Nam được phép mở đường bay đến Hoa Kỳ. Quan trọng hơn, đây là sự công nhận của quốc tế về an toàn hàng không, khẳng định Việt Nam đã hội nhập, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quốc tế; khẳng định vị thế, uy tín không chỉ của ngành Hàng không Việt Nam, của Bộ Giao thông vận tải mà của cả đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.

Tại buổi tiếp, Đại sứ Daniel J. Kritenbrink đã trao bức thư của FAA tới Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng. Đại sứ Daniel J. Kritenbrink cho đây là bước tiến quan trọng để các hãng hàng không của Việt Nam được phép mở đường bay đến Hoa Kỳ; là kết quả nỗ lực làm việc nhiều năm của Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cảm ơn Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA), các cơ quan liên quan của phía Hoa Kỳ và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tích cực hỗ trợ để Việt Nam có thể đạt tiêu chuẩn CAT1 của FAA: “Việc đạt tiêu chuẩn CAT1 sẽ không chỉ tạo tiền đề để các hãng hàng không Việt Nam nghiên cứu, triển khai kế hoạch mở đường bay thẳng tới Hoa Kỳ mà còn là cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của hàng không dân dụng Việt Nam. Đồng thời cũng đánh dấu mốc quan trọng trong hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ lĩnh vực hàng không”.

Trao đổi với báo chí, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng cục Hàng không Việt Nam cho biết tới thời điểm này, các hãng hàng không của Việt Nam đều đã lên kế hoạch chuẩn bị đường bay thẳng tới Hoa Kỳ ngay trong năm 2019 bởi đây là thị trường lớn và đầy tiềm năng.

Ông Thắng cho biết thêm, về lâu dài, để khai thác hiệu quả đường bay tới Mỹ, các hãng hàng không Việt Nam cần đầu tư các máy bay có tầm bay xa hơn để mang lại hiệu quả về kinh tế. Việc đạt được chứng chỉ CAT1 đồng thời cũng là thách thức cho hàng không Việt Nam, bởi lẽ việc đạt được công nhận đã rất khó, nhưng việc duy trì sự công nhận này còn khó khăn hơn rất nhiều.

Trước đó, nhằm đáp ứng yêu cầu về giám sát an toàn hàng không của FAA để các hãng hàng không Việt Nam có thể khai thác đường bay thẳng tới Hoa Kỳ, từ cuối năm 2016, Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã thực hiện các thủ tục liên quan để FAA tiến hành đánh giá tiêu chuẩn CAT1 đối với Việt Nam.

Trong giai đoạn từ đầu năm 2017 đến tháng 8/2018, Cục Hàng không Việt Nam đã nhận được sự hợp tác chặt chẽ từ phía FAA về kỹ thuật và hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phát triển thương mại Hoa Kỳ (USTDA), Tập đoàn Boeing để khắc phục các khuyến cáo của FAA đối với hệ thống giám sát an toàn hàng không của Việt Nam.

Cuối năm 2018, FAA đã thực hiện đợt thanh sát chính thức đối với Nhà chức trách hàng không, đánh giá cao những kết quả vượt bậc của Việt Nam trong thực hiện, đảm bảo các tiêu chuẩn theo CAT1.

Trả lời phỏng vấn báo chí nhân sự kiện này, Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết:  Một năm sau khi cấp CAT 1, FAA sẽ quay lại đánh giá. Sau đó kiểm tra đột xuất bất cứ lúc nào. Rất nhiều nước đã đạt được CAT 1 nhưng không duy trì được nên phải xuống CAT 2 và rất khó cấp trở lại và mất uy tín rất nhiều. Chúng tôi rất cảm ơn Chính phủ, Bộ GTVT, các đơn vị trong ngành hàng không đã đồng hành, đóng góp về sức người, tinh thần, vật chất trong quá trình thực hiện, rà soát, hoàn thiện các khuyến cáo của FAA để đạt được kết quả tốt! Đồng thời mong toàn ngành nỗ lực để duy trì bền vững CAT 1 của FAA.

CAT1, hay Category 1, là chuẩn giám sát an toàn hàng không được phê chuẩn bởi chương trình Đánh giá An toàn Hàng không Quốc tế của FAA, dựa trên 8 tiêu chuẩn an toàn trọng yếu của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Đây là cơ quan kỹ thuật của Liên Hợp Quốc thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế và đưa ra khuyến nghị để vận hành và bảo trì máy bay.

8 vấn đề trọng yếu trong đảm bảo an toàn gồm:

Thứ nhất, đánh giá toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực hàng không dân dụng, cũng như hệ thống luật pháp Việt Nam để đánh giá chính sách về an toàn của Chính phủ Việt Nam;

Thứ hai, FAA đánh giá về hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, tài liệu hướng dẫn về an toàn của nhà chức trách hàng không;

Thứ ba, đánh giá hệ thống tổ chức của hàng không dân dụng có đảm bảo về thẩm quyền, chức năng quản lý;

Thứ tư, đánh giá công tác đào tạo và huấn luyện nguồn nhân lực, đặc biệt ở những vị trí chủ chốt liên quan đến lĩnh vực an toàn hàng không, bao gồm các chương trình huấn luyện cơ bản, nâng cao, định kỳ, đột xuất…;

Thứ năm, đánh giá hệ thống công cụ để thực hiện việc quản lý, đặc biệt là hệ thống công nghệ thông tin trong lưu trữ, quản lý, giám sát. Bên cạnh đó, FAA cũng đánh giá khả năng đáp ứng nguồn lực của Nhà nước cho nhà chức trách hàng không để thực hiện việc này;

Thứ sáu, giám sát công tác cấp chứng chỉ cho nhân viên hàng không bao gồm toàn bộ quá trình thi tuyển, giám sát, cấp bằng, đảm bảo tính công khai, minh bạch, chính xác;

Thứ bảy, đánh giá công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra của nhà chức trách hàng không về số lượng, cách thức tiến hành, thời gian thực hiện và kết quả thực hiện;

Thứ tám, đánh giá về chế tài và khả năng khắc phục sau thanh, kiểm tra.

Kênh VOV Giao Thông

Từ khóa: <span></span>

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả:

Nguồn tin: VOVGTHN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập