Hàng chục nghìn tỷ tiền thuế nợ không có khả năng thu ngân sách
Cập nhật: 25/09/2019
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cán bộ lão thành các tỉnh thành phía Nam
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Chính phủ và chính quyền địa phương
VOV.VN - Tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2018 là 81.618 tỷ đồng, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu ngân sách là 41.387 tỷ đồng.
Sáng 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hồi nợ đọng thuế, tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2018 là 81.618 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm 31/12/2017, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu ngân sách là 41.387 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng số tiền thuế nợ.
Tình hình trên do nhiều nguyên nhân khác nhau như hơn 2.600 người nộp thuế là người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự. Hơn 24.000 doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định. Có hơn 200 doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, tự phá sản, hàng trăm nghìn người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc không còn hoạt động nữa…
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Quochoi.vn |
Để giải quyết nợ đọng thuế không còn khả năng nộp ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, cần thiết phải xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ của người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, để tạo cơ chế pháp lý để xử lý dứt điểm tiền thuế nợ, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tồn tại lâu năm không còn khả năng thu của các đối tượng đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, thực tế đã phá sản, giải thể nhưng chưa thực hiện các thủ tục phá sản, giải thể theo quy định pháp luật,....
Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, dự kiến có 758.660 người nộp thuế thuộc đối tượng, với số nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đề nghị xóa là 10.562 tỷ đồng.
Thẩm tra nội dung Chính phủ trình, Uỷ ban Tài chính Ngân sách nhất trí về sự cần thiết ban hành nghị quyết. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị, Chính phủ rà soát lại việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với các đối tượng không tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Chính phủ cân nhắc, làm rõ việc xử lý tiền nợ thuế đối với các doanh nghiệp nhà nước, vì đây là pháp nhân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và hiện nay đang trong tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, việc khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế cần được xử lý trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.
Chính phủ cũng cần rà soát, báo cáo rõ việc xử lý tiền thuế nợ đối với các khoản nợ liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… trong dự thảo Nghị quyết này, theo đó sẽ khoanh nợ, xóa nợ đối với các trường hợp cụ thể nào liên quan đến đất đai.
Trong khi đó, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế lo ngại quy định như dự thảo nghị quyết sẽ dễ bị lợi dụng. Số thuế nợ đọng của doanh nghiệp không còn kinh doanh tại địa chỉ đăng ký hoạt động với cơ quan thuế... hiện gần 23.900 tỷ đồng. Những trường hợp này cơ quan thuế đã tới chính quyền địa phương xác nhận thông tin không hoạt động hay chưa? Liệu có xảy ra chuyện họ không ở địa chỉ này nhưng lại đang kinh doanh ở địa chỉ khác hay không?
“Không loại trừ trường hợp tinh vi hơn khi doanh nghiệp mượn danh, núp bóng để lập doanh nghiệp nhưng thực tế chỉ mua bán hoá đơn... Vì vậy, cần làm rõ cơ chế, chính sách để xoá nợ thuế, tránh việc chính sách đưa ra bị lợi dụng"-ông Thanh nói.
Đặt câu hỏi với việc nợ đọng thuế, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải yêu cầu làm rõ “việc xóa nợ đọng thuế đối với đối tượng nào, mức độ xóa tới đâu, trách nhiệm của người nộp thuế đặc biệt là trách nhiệm của người thu thuế như thế nào? Đã xử lý được cán bộ nào, cơ quan nào, về trách nhiệm đôn đốc thuế này chưa?”.
Theo bà Hải, với số tiền 1 tỷ đồng chúng ta đã có được 20 căn nhà tình nghĩa vì vậy, cần rà soát chặt chẽ để tránh bị lạm dụng chính sách này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Luật Quản lý thuế hiện hành chưa xử lý hết những trường hợp còn vướng mắc trong 10 năm trở lại đây. Vì vậy, việc việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này là cần thiết.Dẫn chứng trường hợp chỉ cần nộp đơn yêu cầu phá sản hoặc Tòa án mới thụ lý, chưa giải quyết đã xóa nợ, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các quy định trong Nghị quyết cần chặt chẽ, tránh trường hợp lợi dụng để trốn thuế. Và chỉ xóa nợ thuế khi Tòa án đã khẳng định là doanh nghiệp phá sản.
Kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý việc trình vấn đề này để Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới đây. Song Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của các đối tượng liên quan đến tình trạng để nợ thuế thời gian qua./.
Xử lý nợ thuế không thể thu hồi: “Đừng để người chây ỳ lại hưởng lợi“
Từ khóa: Xử lý tiền thuế nợ, ngân sách nhà nước, Ủy ban Thường vụ quốc hội
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN