Hàn Quốc đóng hàng không mẫu hạm mà nước này không cần?

Cập nhật: 28/03/2021

VOV.VN - Đóng hàng không mẫu hạm, Hải quân Hàn Quốc kỳ vọng có thể độc lập thực hiện các chiến dịch hải quân trong việc chống lại các “mối đe dọa không tên” hiện tại và trong tương lai mà không cần sự hỗ trợ đường không từ đất liền.

Ý tưởng không tồi…

Hàng không mẫu hạm Hàn Quốc được Bộ Quốc phòng nước này đặt tên là “CVX” (trước đây là “LPX-II”), sẽ được trang bị các tàng hình cơ F-35B Lightning có khả năng cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng. Ý tưởng CVX mới nhất do Hyundai Heavy Industries đề xuất có hai hòn đảo (đài chỉ huy), theo cấu hình của hai hàng không mẫu hạm lớp Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh.

Theo Aviation Week, tập đoàn chế tạo tàu Queen Elizabeth của Anh đề xuất cung cấp dữ liệu kỹ thuật về thiết kế của họ cho chính phủ và các nhà máy đóng tàu Hàn Quốc. Tàu sân bay CVX sẽ được tích hợp một radar hoạt động ở băng X và S, một bệ phóng thẳng đứng gồm 32 tên lửa phòng không bản địa tầm ngắn và tầm xa, một khẩu pháo tốc độ bắn nhanh để phòng thủ tên lửa tầm cuối. Tất cả các hệ thống này được phát triển trong nước và ở các mức độ khác nhau, sẽ sử dụng từ những gì đã có sẵn.

Theo ý tưởng cách đây không lâu, một khi chiến sự bùng nổ, lính thủy đánh bộ Mỹ-Hàn sẽ mở mặt trận thứ hai với nhiệm vụ đổ bộ đánh chiếm Bình Nhưỡng, và yểm trợ đường không cho lực lượng đổ bộ đó sẽ là hàng không mẫu hạm có thể vận chuyển hơn một chục chiếc F-35B trên một nền tảng di động mà trong thời chiến, Triều Tiên sẽ không dễ dàng nhắm mục tiêu.

Các F-35B bố trí trên boong sẽ tận dụng các điểm mù trong hệ thống phòng không của Triều Tiên có cơ sở hạ tầng quân sự cũ và các khoảng trống không phủ sóng radar để thâm nhập, hỗ trợ; tàu sân bay cũng sẽ tạo ra khoảng không an toàn trên biển cho lực lượng Không quân Hàn Quốc. Một căn cứ không quân nổi sẽ là bất khả xâm phạm ngoại trừ các cuộc tấn công của tàu ngầm - lực lượng mà Triều Tiên tuy có số lượng lớn, nhưng đã lỗi thời và dễ bị phát hiện.

Theo các chuyên gia quân sự, với hàng không mẫu hạm này, khả năng cơ động và tấn công từ những nơi khác nhau sẽ mang lại lợi thế trong trường hợp xung đột giả định với Triều Tiên leo thang. Bố trí tàu ở biển Nhật Bản hoặc Hoàng Hải, Hàn Quốc sẽ có thể sử dụng máy bay F-35B tấn công Triều Tiên từ phía tây hoặc phía đông thay vì chỉ từ phía nam, buộc Bình Nhưỡng phải cảnh giác huy động lực lượng đối phó.

Nếu Triều Tiên nhắm vào các căn cứ không quân của Hàn Quốc trên bờ, việc hàng không mẫu hạm có thể cơ động và tấn công từ các địa điểm luôn thay đổi sẽ có lợi thế về chiến thuật và chiến dịch. Tàu sân bay sẽ hoạt động như một soái hạm của hải quân nước xanh với tầm hoạt động trong khu vực, nhưng Seoul cũng có thể vươn tới Ấn Độ Dương để cạnh tranh ảnh hưởng ở tây Thái Bình Dương với Trung Quốc và Nhật Bản.

… nhưng liệu có thực tế?

Trang aspistrategist.org.au và bairdmaritime.com vừa đăng bài “South Korea aims to build aircraft carrier the country doesn’t need” (tạm dịch “Hàn Quốc nhắm đóng hàng không mẫu hạm mà nước này không cần”) chỉ trích kế hoạch đóng tàu sân bay nhiều tỷ USD mà giới chức quốc phòng Hàn Quốc đang theo đuổi. Theo đó, đối với chiến tranh chống Triều Tiên, lời biện minh là vô nghĩa, bởi vì bán đảo Triều Tiên quá nhỏ nên các máy bay chiến đấu trên mặt đất thực sự có thể chi viện cho hải quân, đặc biệt là với sự hỗ trợ của máy bay tiếp liệu.

Ngoài ra, tất cả các mục tiêu của Triều Tiên đều nằm trong tầm tấn công của máy bay chiến đấu từ các căn cứ không quân Hàn Quốc, vì vậy một căn cứ di động tốn kém trên biển là không cần thiết. Nếu mối đe dọa không tên trong tương lai là Trung Quốc hoặc Nhật Bản, thì việc xây dựng CVX thậm chí còn ít ý nghĩa hơn, vì nó rất dễ bị tấn công bởi tên lửa bố trí trên mặt đất, máy bay và tàu ngầm. Những lý do thực sự ấu trĩ để Hàn Quốc mua tàu sân bay đều quá đơn giản. Một là các sĩ quan hải quân yêu thích tàu lớn và đặc biệt tự hào về hàng không mẫu hạm.

Yếu tố còn lại là yếu tố “sĩ” quen thuộc với mọi nhà quan sát các chương trình công nghệ và quốc phòng của Hàn Quốc - mong sánh ngang hoặc vượt qua Nhật Bản. Việc thúc đẩy chế tạo con tàu này đã tăng nhịp độ ngay sau khi các bản tin năm 2017 xác nhận Nhật Bản sẽ tái cấu trúc hai tàu sân bay trực thăng để vận hành F-35B. Nhật Bản cũng có rất nhiều chương trình bản địa tốn kém và đáng nghi ngờ về độ hợp lý, nhưng việc chuyển đổi các tàu sân bay trực thăng rẻ tiền không phải là một trong số đó. Và Nhật Bản có lý do để đưa F-35B ra biển - củng cố phòng không trên Thái Bình Dương.

Tàu sân bay Hàn Quốc đang đi theo con đường quen thuộc đối với các vụ mua sắm đáng nghi - sau hàng thập kỷ nỗ lực vận động hành lang, cuối cùng đã đạt được sự ủng hộ của Bộ Quốc phòng, nhưng cùng với đó là sự chỉ trích gia tăng và vẫn chưa được Quốc hội thông qua. Tuy vậy, CVX sẽ có cơ hội được đóng. Bộ Quốc phòng đang lên kế hoạch tài trợ đầy đủ bắt đầu từ năm 2022 và con tàu sẽ đi vào hoạt động vào năm 2030. Năm ngoái, Bộ này đã đề nghị Quốc hội duyệt 11,6 triệu USD để nghiên cứu sơ bộ trong năm 2021; thay vào đó, đã nhận được 115.000 USD cho nghiên cứu khả thi, sẽ được nghiệm thu vào tháng 8.

Vì cơ quan mua sắm của Bộ Quốc phòng sẽ đưa ra khuyến nghị, nên chắc chắn nghiên cứu sẽ kết luận dự án là cần thiết, đáng mong đợi và nhìn chung, là một ý tưởng tốt. Bộ cho biết kinh phí sẽ khoảng 2,3 tỷ USD - con số không bao gồm kinh phí của 20 chiếc F-35B sẽ hoạt động trên hàng không mẫu hạm. Con tàu cũng cần máy bay trực thăng, vì vậy tổng chi phí sẽ gần 6,5 tỷ USD. Trong một cuộc tranh cãi, các sĩ quan Không quân không muốn có F-35B. Lực lượng này đã mua 40 chiếc F-35A, được thiết kế cho đường băng bê tông và muốn mua thêm 20 máy bay chiến đấu phiên bản thông thường khác và có khả năng hơn.

Để thuyết phục Quốc hội, Hải quân mô tả CVX như một tàu sân bay hạng nhẹ, mặc dù nó không hề nhẹ. Tại một cuộc hội thảo ngày 4/2, Hải quân cho biết lượng choán nước không tải của nó sẽ khoảng 30.000 tấn, có thể hiểu là lên tới 39.999 tấn. Vì với chiều dài 265 mét và chiều rộng 43 mét, lượng choán nước đầy tải hợp lý là 50.000 tấn. Nhóm không quân trên boong sẽ bao gồm 12 chiếc F-35B và 8 máy bay trực thăng, hoặc 16 chiếc F-35B và 4 máy bay trực thăng. Hải quân có lẽ đang dành không gian cho nhiều F-35B hơn mà họ hy vọng chính phủ sẽ mua sau này.

Chủ nghĩa dân tộc, mà trên thực tế, có một cụm từ để chỉ phạm trù này - “chủ nghĩa kỹ trị quốc gia” (techno-nationalism) - đã giúp thúc đẩy các chương trình công nghệ của Hàn Quốc. Tuy nhiên, cho đến nay, đề xuất về hàng không mẫu hạm đang tiến tới giới hạn về những gì chủ nghĩa kỹ trị quốc gia phải phản ứng. Sự phản đối đối với đề xuất này không chỉ xuất hiện tại Quốc hội - chẳng hạn, hai chính trị gia, các tướng lĩnh đã nghỉ hưu của quân đội, cho biết thay vì hàng không mẫu hạm, nên chi tiền cho F-35A hoặc tàu khu trục phòng không Aegis…

Sự nghi ngờ cũng được thể hiện khi Hải quân đăng video về cuộc hội thảo hồi tháng 2 trên YouTube. Trong vòng ba giờ, một loạt các lời chỉ trích đã xuất hiện trong phần bình luận. Hải quân Hàn Quốc đã nhanh chóng xóa video, sau đó, video đã được sao lưu, với chức năng bình luận bị tắt. Trước đó, một tướng ba sao của Quân đội Hàn Quốc đã nghỉ hưu đặt câu hỏi, liệu đầu tư của Seoul có khôn ngoan? Theo ông này, các lĩnh vực như hậu cần, huấn luyện… cho Quân đội Hàn Quốc nên được ưu tiên hơn./.

Từ khóa: Hàn Quốc nhắm đóng hàng không mẫu hạm mà nước này không cần?, CVX, hàng không mẫu hạm lớp Queen Elizabeth, Hải quân Hàn Quốc, tàu sân bay

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập